Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

HỞ VÀ NHỮNG NGUYÊN NHÂN CHƯA ĐƯỢC NHẮC TỚI


Việc một số ca sĩ, người mẫu ăn mặc hở hang quá lố, phản cảm, vô tình hay cố ý “khoe hàng” đã gây bức xúc trong công chúng gần đây. Các nhà quản lý văn hóa đã tổ chức những cuộc họp để bàn cách giải quyết vấn đề này. Một số người trong giới cũng đã bị phạt. Nhưng xem ra những biện pháp đưa ra chỉ mới tập trung vào những người gây scandal là chính mà chưa đề cập đến những kẻ kích động cuộc chạy đua hở hang này.
Có những bức tranh, bức ảnh khỏa thân nghệ thuật mà người xem chỉ thấy ở đó sự gợi cảm và cái đẹp. Ngược lại, có những bức ảnh hở hang không gợi nên cái gì khác ngoài sự phản cảm. Không biết một số ca sĩ, người mẫu như Thu Minh, Thái Hà, Hà Anh, Bebe Phạm… có bao giờ xem lại những hình ảnh ăn mặc hở hang, phản cảm, nói thẳng ra là xấu, của mình đầy dẫy trên các trang mạng? Nếu có xem lại, không biết họ nghĩ gì? Nếu họ vẫn một mực cho rằng đó là những hình ảnh đẹp, thì thôi, chẳng còn gì để bàn, bởi cái gu của họ là vậy, và giữa họ với đa số công chúng sự cảm nhận về cái đẹp, về ranh giới giữa sự gợi cảm và phản cảm là quá cách biệt, là không cùng tần số, do vậy không thể cùng luận bàn. Và nếu họ vẫn tiếp tục dấn theo con đường đó thì có thể đến một lúc nào đó công chúng sẽ chia tay với họ.
Ngược lại, nếu họ đồng ý với đa số công chúng rằng quả thực những hình ảnh đó là phản cảm, là xấu, thì câu hỏi đặt ra là: Vậy thì ai, cái gì xui khiến họ trình diễn những hình ảnh hở hang, phản cảm đó? Đó là một câu hỏi mà chưa chắc họ đã trả lời được một cách chính xác. Chưa chắc họ đã chỉ ra được một cách cụ thể điều gì xui khiến họ làm như vậy. Giả thuyết đúng nhất có lẽ là: không biết từ lúc nào họ bị đặt trong một cuộc đua kiểu con gà tức nhau tiếng gáy: Cô ta tưởng khoe được vậy, hở vậy là ngon? Vậy mà thấm tháp gì, cô ta có gì mà bày đặt khoe? Mình phải làm ngon hơn, khoe nhiều hơn. Cuộc đua hở hang, “khoe hàng” cứ thế đẩy tới.
Ai, cái gì đã kích động cuộc đua ấy, cuộc đua mà nói theo ngôn ngữ kinh tế học là “cuộc đua xuống đáy” khi các đối thủ cạnh tranh thay vì đua nhau nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ để thu hút khách hàng thì lại đua nhau giảm giá, để chất lượng sụt giảm dẫn đến kết cục là tất cả đều chết, còn trong biểu diễn thì lấy sự hở hang làm đầu để câu khách?
Trên bình diện xã hội, có thể thấy sau thời kỳ “kín cổng cao tường”, khắc khổ, kiêng khem theo kiểu đạo đức “xã hội chủ nghĩa” cũ, thì nay cùng với sự mở cửa về kinh tế, văn hóa và lối sống, một luồng gió khác đang thổi, xã hội trở nên tự do hơn, phóng túng hơn trong quan niệm cũng như hành vi sex. Cái sự hở vì thế được chấp nhận dễ dàng hơn. Mặt khác, chính sự bùng nổ của internet và thông tin trên mạng vốn không bị hạn chế về diện tích như báo in và cũng dễ dàng vượt qua các hàng rào kiểm soát hơn, đã góp phần không nhỏ vào sự bùng nổ của sex và sự hở hang, kể cả sự hở hang quá lố, phản cảm, trên các phương tiện truyền thông. Chỉ cần rảo qua một số trang web và báo mạng, sẽ thấy rất rõ điều này. Lấy ngẫu nhiên một tờ báo mạng chính thức có nhiều người truy cập vào một ngày bất kỳ, thấy trong 12 đầu tin trên trang chủ ngày 18.5.2012 đã có đến 5 tin loại câu khách rẻ tiền, chẳng khác sự hở của một số ca sĩ, người mẫu là mấy: Mánh săn đại gia trên mạng của kiều nữ ; Nữ sinh vào phòng 'là thầy đóng cửa'; Kết luận bất ngờ vụ nữ sinh tố thầy hiếp dâm; Chân dài-Đại gia và sự phũ phàng của xã hội; 9x rủ nhau vào siêu thị làm chuyện… người lớn. Cũng tờ báo mạng ấy, ngày 20.5, trong 12 đầu tin ở mục tin đọc nhiều nhất thì có đến ít nhất 4 tin thuộc loại khêu gợi sự tò mò nhằm câu khách như: Vào khách sạn, lên giường và …; Khiếp sợ những thầy giáo gạ tình nữ sinh; Giai trẻ bị tình già cắn phăng ‘chỗ ấy’; Kỳ lạ thiếu nữ si mê kẻ ‘hại đời’ mình.

          Đó là chưa kể vô số những trang web đưa vô số những hình ảnh hở hang, nhiều lúc dưới chính cái cớ phê phán sự hở hang. Đưa tin về một ca sĩ gây scandal do ăn mặc quá hở hang hoặc một người mẫu bị bắt quả tang bán dâm, nhiều tờ báo, trang web không bằng lòng với việc đưa một tấm hình đủ để nói về sự kiện liên quan đến người mẫu hay ca sĩ đó mà nhân đó không ngần ngại tung hàng loạt ảnh của người mẫu, ca sĩ chụp ở những tư thế khoe thân, hở hang khác nhau. Có cảm giác như những tờ báo, trang web kia cảm thấy hỉ hả, khoái trá khi đưa những hình ảnh đó. Và đó chẳng khác nào sự kích thích người đọc và cả xã hội đi xa hơn theo chiều hướng ấy. Trong bối cảnh đó, bảo sao một số người trong giới biểu diễn không đua nhau hở và ngày càng hở hơn? Thế nhưng, trong cuộc truy tìm nguyên nhân và tìm biện pháp hạn chế tình trạng hở hang, những phương tiện truyền thông góp phần kích thích xu hướng đó lại không hề được nhắc tới, và tất nhiên cũng chẳng có biện pháp nào được đưa ra nhằm hạn chế họ.
Dù thế nào, dưới mắt công chúng và trong cảm nhận của đa số người Việt, cái gì cũng có giới hạn của nó. Và giữa sự gợi cảm với sự phản cảm bao giờ cũng có một ranh giới, dù là mong manh đi nữa. Những người trong giới biểu diễn và những phương tiện truyền thông tìm cách nổi tiếng hoặc câu khách bằng cách tung ra những hình ảnh hở hang phản cảm có thể “thành công” trước mắt nhưng về lâu dài hẳn sẽ đánh mất hình ảnh đẹp, hạ thấp “thương hiệu” của mình trong mắt công chúng và người đọc. Tuy vậy, câu hỏi đặt ra là: vì sao chỉ những người trong giới biểu diễn bị phạt còn những tờ báo, trang web kích thích xu hướng ấy bằng cách tìm mọi cơ hội để “dội bom” công chúng, người đọc bằng những hình ảnh hở hang phản cảm thì lại không được đề cập tới và coi như vô can? Và nếu như vậy, làm sao có thể chặn đứng “cuộc đua xuống đáy” trong giới biểu diễn?