Thứ Tư, 7 tháng 9, 2011

Xã hội cần đối diện với sự thật

Vụ thảm sát tại tiệm vàng Ngọc Bích ở Bắc Giang, trong đó hung thủ chưa đầy 18 tuổi giết hại một cách dã man ba người trong một gia đình, trong đó có một cháu bé mới 18 tháng tuổi, và chặt đứt bàn tay một cháu bé 8 tuổi là vụ giết người cướp của man rợ mới nhất trong hàng loạt vụ giết người ngày càng tăng nhanh về số vụ và về mức độ phi nhân tính. Người ta chưa kịp quên vụ Nguyễn Đức Nghĩa ở Hà Nội chặt người yêu thành nhiều khúc, vứt ở nhiều nơi để cướp tài sản thì lại choáng váng vì vụ giết người mới nhất này. Rồi trong khi vụ tiệm vàng ở Bắc Giang vẫn đang nóng thì người ta lại bàng hoàng được biết vụ một nhân viên bảo vệ nông trường ở huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai bị giết bằng một nhát dao đâm vào ngực và tám nhát vào lưng bởi ba hung thủ sống lang thang từ Bắc Ninh vào, trong đó có hai kẻ là cha con và người con chỉ mới 13 tuổi, nhằm cướp chiếc xe gắn máy và điện thoại di động của nạn nhân lúc đang ngủ.
            Trước những vụ việc như vậy, có họa là bịt mắt, bưng tai mới có thể cho rằng xã hội vẫn đang phát triển theo chiều hướng bình thường. Nếu là tội ác do những băng đảng gây ra, mà xã hội nào cũng có, thì là một lẽ. Đàng này, giải thích làm sao khi kẻ thủ ác ở đây lại là những con người hôm qua còn được hàng xóm láng giềng xem là những con người hoàn toàn bình thường, thậm chí hiền lành; là những thiếu niên còn chưa đến tuổi trưởng thành. Nếu cộng thêm vào đó những vụ đám đông ùa vào cướp của nạn nhân khi họ gặp tai nạn trên đường xảy ra liên tục gần đây, tất cả cho thấy xã hội quả đang có cái gì trục trặc, con người bình thường đang bị mất phương hướng, không biết noi theo cái gì trong cuộc sống ngoài việc thỏa mãn nhu cầu vật chất bằng mọi cách, kể cả những cách man rợ nhất mà lẽ ra những con người bình thường không thể, không dám thực hiện. Nó cho thấy trong một bộ phận nào đó của xã hội, từ trong thâm sâu, con người đang bị mục ruỗng. Và sự mục ruỗng đó, sự phi nhân tính đó có thể ngày càng lan ra nếu xã hội không thức tỉnh, không đối diện với sự thật và tìm phương cách cứu chữa, ngăn chặn, không để nó lan ra thêm nữa.
            Đó phải là một sự thức tỉnh trên bình diện xã hội chứ không chỉ ở bình diện cá nhân. Chúng ta đã nói quá nhiều về sự  “xuống cấp đạo đức” cá nhân và xã hội mà chưa chỉ ra được căn nguyên sâu xa của sự xuống cấp ấy là gì, nó nằm ở đâu và vì vậy mà chưa tìm ra phương cách khắc phục. Căn nguyên phải chăng nằm ở các thiết chế xã hội, bao gồm cả hội đoàn, nhà trường, gia đình,… dường như đang tỏ ra lạc hậu trước sự biến đổi của xã hội, và kém hiệu quả, nếu không nói là vô dụng trong việc ngăn chặn tội ác; ngay cả tôn giáo - vốn được xem như cái thắng (phanh) bên trong của con người trước cái ác - cũng tỏ ra bất lực trong việc giúp con người hướng thiện. Phải làm gì, tháo gỡ ở đâu để các thiết chế xã hội ấy lấy lại được sức mạnh của mình, thậm chí là không đánh mất chính mình và vai trò của mình, trong việc xây dựng lại nền tảng tinh thần của xã hội, để con người biết noi theo cái gì trong cuộc sống và biết dừng lại trước lằn ranh thiện – ác?
Đứng trước vụ bạo loạn, cướp phá mới đây ở Luân Đôn, mà về tính chất khác với những vụ giết người cướp của man rợ kể trên, Thủ tướng Anh David Cameron đã phải gọi đó là “tiếng kêu đánh thức nước Anh trước sự sụp đổ từ từ về đạo đức”. Và rằng “ những vấn đề xã hội tích tụ trong hàng thập kỷ đã bùng nổ trước mặt chúng ta”. Ông cũng hứa hẹn sẽ đề ra hàng loạt chính sách nhằm đảo ngược sự “sụp đổ đạo đức” ấy và cho rằng “trong khi người dân đòi hỏi phải đối đầu cương quyết với những kẻ phạm tội thì họ cũng muốn thấy các vấn đề xã hội phải được giải quyết, đẩy lùi”.
Xã hội chúng ta cũng đang cần đánh thức, cần đối diện với sự thật, xây dựng lại nền tảng tinh thần của xã hội để ngày mai tội ác man rợ không xảy ra bên nhà hàng xóm của mình, trong nhà người thân của, hay khủng khiếp hơn, ngay trong nhà mình. Đối diện với sự thật chính là vì tương lai của xã hội, dù vẫn biết trong xã hội người tốt bao giờ cũng nhiều hơn kẻ xấu.

SỰ HÀO PHÓNG KHÓ HIỂU

“Trụ cột công nghiệp của tỉnh Lạng Sơn”. “Giấc mơ miền biên ải”. “Gió mới trên đất anh hùng”. Đó là những ngôn từ lấp lánh được tờ báo địa phương và một số lãnh đạo gán cho dự án nhà máy xi măng Đồng Bành, một dự án được triển khai thi công từ tháng 10-2006, với công suất thiết kế 2.500 tấn clinker/ngày, tương đương 910.000 tấn xi măng/năm, tổng mức đầu tư từ 1.298 tỉ đồng tăng lên 1.505 tỷ đồng, tương đương mức tăng khoảng 16% do thi công chậm đến hai năm. Trong số cổ đông sáng lập dự án có Tổng công ty Cơ khí xây dựng (COMA), Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp (MIE)  mà có tờ báo xem là những “doanh nghiệp nhà nước có tiềm lực về vốn và có kinh nghiệm trong quản lý và đầu tư, do đó Công ty Cổ phần Xi Măng Đồng Bành có nhiều thuận lợi trong việc điều hành và huy động nguồn vốn.” (Vietnam Business Forum – Kênh thông tin đối ngoại của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, 19-5-2010).
 Mang danh nghĩa là đầu tư tại “địa bàn vùng núi” (trong khi thực tế nhà máy nằm chỉ cách thành phố Lạng Sơn khoảng 52 km, cách Hà Nội khoảng 103 km, lại gần quốc lộ 1A, gần các mỏ đá vôi nguyên liệu), vì thế mà dự án được hưởng đủ các chính sách ưu đãi theo quy định của Chính phủ đối với vùng đặc biệt khó khăn, được tỉnh Lạng Sơn tạo mọi điều kiện về mặt bằng, hỗ trợ đào tạo lao động, ưu đãi về xây dựng cơ sở hạ tầng ngoài nhà máy và khu công nghiệp, v.v… Dự án còn nhận được nhiều ưu ái từ các ngân hàng thương mại nhà nước và nước ngoài, dù vốn tự có của chủ đầu tư chỉ vỏn vẹn 301,542 tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng mức đầu tư, còn lại là các khoản vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam:  272,142 tỷ đồng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam: 183,467 tỷ đồng, và Ngân hàng ANZ là 747,850 tỷ đồng với sự bảo lãnh của Chính phủ.
          Ấy thế mà vừa rồi Bộ Xây dựng cho biết, riêng năm 2011, Đồng Bành thiếu 141 tỷ đồng để trả nợ gốc và lãi, trong đó phải trả nợ gốc và lãi đến hạn cho ANZ vào ngày 25-8-2011 là 3.493.633,33 USD (tương đương trên 72 tỷ đồng). Nhà nước bảo lãnh thì Nhà nước phải trả nợ thay. Bộ Tài chính mới đây đã phải đứng ra hỗ trợ doanh nghiệp này thanh toán khoản vay ngân hàng ANZ. “Nợ Chính phủ bảo lãnh, chúng tôi coi nó là nghĩa vụ nợ dự phòng. Khi mà các doanh nghiệp không trả được nợ, Chính phủ phải trả thay, thì lúc đó nghĩa vụ nợ dự phòng trở thành nghĩa vụ nợ thực tế của nhà nước”, tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ nói.
Quả là một sự hào phóng khó hiểu từ phía Nhà nước khi xi măng chẳng phải là một ngành mũi nhọn hay công nghệ cao mà Nhà nước cần hỗ trợ; và dự án, dù mang danh nghĩa đẹp đẽ gì, cũng chỉ là một dự án kinh doanh mà nhà đầu tư phải tự vay tự trả, tự chịu trách nhiệm về lãi lỗ. Có thể sự hào phóng ấy một phần đến từ ý muốn chủ quan về một giấc mơ  công nghiệp của địa phương, một phần từ những lời lẽ thuyết minh có cánh của chủ đầu tư. Dù thế nào thì kỳ vọng đã đặt không đúng chỗ, và giấc mơ công nghiệp của địa phương đã sớm trở thành gánh nặng cho Nhà nước.
Và đây lại là một thí dụ nữa về việc phân bổ nguồn lực, về đầu tư vốn Nhà nước kém hiệu quả. Chuyện thua lỗ của Xi măng Đồng Bành có thể chưa dừng lại ở đó vì theo Bộ Xây dựng, từ năm 2011 đến năm 2015, doanh nghiệp này dự kiến sẽ thiếu 607 tỷ đồng để trả nợ các tổ chức tín dụng và bù đắp nguồn tiền mất cân đối. Không biết đến lúc đó Chính phủ có còn đứng ra trả nợ thay, và nếu cứ tiếp tục như vậy, đến bao giờ nền kinh tế mới có sức cạnh tranh?