Thứ Hai, 4 tháng 10, 2010

Lỡ tàu


“Bây giờ chúng ta mong muốn anh (Ngô Bảo) Châu về nước làm việc. Tại sao những người như anh ấy phải quay về Việt Nam? Điều ấy được nói ra đã muộn mất 20 năm rồi. Nay Việt Nam không còn cơ hội dùng những người như vậy với tư cách các nhà khoa học nữa. Việt Nam đã lỡ con tàu đó rồi… Việt Nam đã mất ba thế hệ khoa học rồi”. Đó là những câu nói đượm buồn và đầy vẻ tiếc nuối cho chính đất nước chúng ta của Giáo sư Pierre Darriulat, một nhà vật lý hàng đầu quốc tế, viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Pháp, người đã thành lập phòng thí nghiệm vật lý tia vũ trụ đầu tiên của Việt Nam đặt tại Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân, đào tạo các nhà nghiên cứu trẻ về vật lý tia vũ trụ, người - như chính ông tự nói về mình- “đã sống ở Việt Nam hơn mười năm và đang cống hiến phần còn lại của cuộc đời tôi cho Việt Nam” (Trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần ra ngày 12-9-2010).
Bernard Tan, giáo sư - tiến sĩ, trưởng khoa công nghệ thông tin Đại học Quốc gia Singapore (NUS) , chủ tịch Hội Quản trị hệ thống thông tin quốc tế, giảng dạy tại nhiều đại học danh tiếng thế giới, và là biên tập viên một số tạp chí có uy tín về khoa học thông tin và khoa học quản lý, khẳng định: “Hễ người giỏi là chúng tôi (NUS) tiếp nhận, mời gọi”. Ông cho hay: “Singapore không có tài nguyên, nên chính sách nhân lực là quan trọng nhất, là nguồn tài nguyên quý nhất. Ngay từ khi đất nước mới độc lập (1965), ưu tiên số một của chính phủ là làm cho mỗi người dân trở thành những công dân có khả năng cao hơn, giỏi hơn. Trong những thập kỷ vừa qua, chính phủ đã tập trung tối đa cho phát triển giáo dục, nghiên cứu, lập ra những trường đại học chất lượng cao để thu hút sinh viên giỏi, đồng thời đưa người giỏi ra nước ngoài học. Với một nước nhỏ, dân số ít, phải kiên trì với chính sách này trong nhiều năm, Singapore mới có đủ nhân tài để phát triển như hôm nay… Mới đây, nhân Quốc khánh Singapore, chính phủ đã ban hành quyết định Phủ thủ tướng sẽ là cơ quan điều phối hai vấn đề: quản trị dân số và quản trị tài năng” (Trả lời phỏng vấn báo Sài Gòn Tiếp Thị ra ngày 10-9-2010).
Tất cả những thông tin, ý kiến này thật ra không hoàn toàn mới. Nhiều người Việt Nam, nhà khoa học Việt Nam, cả các nhà lãnh đạo cũng biết và từng nói. Nhưng năm này qua năm khác, hết kế hoạch này đến kế hoạch khác, thế hệ này qua thế hệ khác, đất nước vẫn chưa thoát ra khỏi mớ bòng bong cải cách giáo dục, vẫn chưa có được một chiến lược đào tạo và sử dụng tài năng, hay nói như ông Bernard Tan, “quản trị tài năng”. Chúng ta nói rất hay khi mượn lại một câu của tiền nhân: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” và nói xong rồi thì chẳng có một kế hoạch thực hiện nào cả. Nóng lòng thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển trước ta, có người hô “phải đi tắt, đón đầu” mà không chú trọng đến tri thức. Đi tắt, đón đầu mà không có tri thức thì rất dễ sụp hố. Như - chỉ để lấy ví dụ mới nhất - Vinashin muốn nhanh chóng phình to, trở thành tập đoàn đóng tàu có tên tuổi trong khi quản trị công ty kém cỏi, đã lâm cảnh phá sản và trở thành gánh nặng cho quốc gia, phải được nhà nước giải cứu bằng tiền ngân sách.
Cho nên, từ muốn (ý chí chủ quan) đến biết (tri thức đúng, cần thiết) và hành động (có kế hoạch cụ thể, chặt chẽ chứ không phải là hô khẩu hiệu) để phát triển đất nước là những chặng đường không thể tuỳ tiện bỏ qua, làm liều, đặc biệt là khâu biết. Mà muốn biết thì phải học, phải mời người giỏi dạy cho và phải trọng dụng người giỏi. Chân lý thật đơn giản như ông bà ta nói “muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”. Vậy mà trong thực tế, trong các nấc thang của bộ máy quản trị quốc gia, không phải bao giờ người ta cũng hành động như vậy. Nạn chạy chức chạy quyền, tay chân bè phái, đố kỵ và trù dập người tài, người cương trực là một bí mật mà ai cũng biết. Trong môi trường đó, liệu người tài và cương trực có thể tồn tại mà không đánh mất mình? Và ở phạm vi quốc gia, ai “quản trị các tài năng”?
“Việt Nam đã lỡ con tàu đó rồi”, lời nhận xét của GS Darriulat nghe sao mà nhức nhối. Điều gì đã khiến chúng ta lỡ con tàu phát triển khoa học, tri thức và sử dụng nhân tài để thu hẹp khoảng cách tụt hậu với các nước dù đất nước đã có 35 năm hoà bình (nền độc lập của Singapore chỉ dài hơn 10 năm), nguồn lực tăng gấp đôi (từ hai miền chia cắt thành một đất nước thống nhất)? Đó là câu hỏi cần trả lời khi đất nước lại sắp sửa bước vào một chặng đường mới với bao kỳ vọng xen lẫn âu lo: làm thế nào để 20 năm sau chúng ta không còn phải nghe lại câu nói nhức nhối “các bạn đã lỡ con tàu đó rồi”.

Đất và lòng dân


Thảo luận báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2010 tại cuộc họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hôm 27.9, chủ nhiệm Ủy ban Tài chính -  Ngân sách Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu một băn khoăn có lẽ không chỉ của riêng ông trong bối cảnh hiện nay: những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước khá cao, năm 2010 khoảng 6,7% (theo giá cố định), thu nhập đầu người cũng tăng, vậy thì nguyên nhân nào khiến người dân “toan lo nghèo khó, côi cút làm ăn” lại phải kéo nhau lên huyện, lên tỉnh, thậm chí lên Trung ương để khiếu kiện?
Nói ngắn gọn, kinh tế tăng trưởng, sao lòng dân chưa yên?
Bởi, theo báo cáo của Chính phủ, tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2010 vẫn tiếp tục tăng so với năm 2009. Theo đó, các bộ, ngành và địa phương đã tiếp nhận và xử lý 157.797 đơn khiếu nại, tố cáo (tăng 29,8%) về 112.063 vụ việc (tăng 17%). Số lượt công dân đến các cơ quan Nhà nước khiếu nại, tố cáo gia tăng với 379.989 lượt người (tăng 23,7%), khiếu kiện đông người cũng tăng 43,11% - báo cáo nêu rõ.

Như nhiều năm trước đây, nội dung khiếu nại chủ yếu vẫn tập trung vào lĩnh vực đất đai (69,9%). Còn tố cáo chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, vi phạm pháp luật, mà đứng hàng đầu vẫn là về quản lý đất đai.

Ông Hiển nêu tiếp câu hỏi: chi cho quản lý hành chính tăng, biên chế cũng có xu thế tăng lên, lương cũng tăng… tại sao không đi đôi với tăng hiệu quả giải quyết công việc và giải quyết khiếu nại, tố cáo? Nguyên nhân thuộc về cơ chế hay tốc độ tăng trưởng kinh tế quá nóng, phát triển kinh tế chưa đi đôi với giải quyết vấn đề xã hội?
Cũng theo ông Hiển, nếu chỉ đổ tại cơ chế mà không quan tâm đến con người thì rất khó có thể cải thiện được tình hình. Nhiều cán bộ xã làm sai không biết là sai vì mới chỉ học hết trung học, cán bộ huyện cũng yếu nên đơn thư khiếu nại, tố cáo cứ tích tụ lại và dồn lên cấp cao hơn. Nhiều ý kiến thảo luận cho rằng, tình hình khiếu nại, tố cáo không giảm và vẫn diễn biến phức tạp phản ánh tình trạng kém hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước; năng lực, trình độ cũng như phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức.
Đúng là cơ chế, con người, năng lực, trình độ, phẩm chất cán bộ công chức… tất cả đều có phần của nó trong nguyên nhân làm cho khiếu nại, tố cáo ngày càng tăng. Nhưng mấu chốt có lẽ không phải ở đó, bởi những nguyên nhân kể trên ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý nhà nước ở tất cả các lĩnh vực chứ không riêng lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo. Mấu chốt vấn đề là ở tỉ lệ gần 70% nội dung đơn thư khiếu nại là về đất đai: thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Đất, hay chính xác hơn, những quy định luật pháp về đất đai chính là cái nút cần phải gỡ, nếu muốn giải quyết tình trạng khiếu kiện kéo dài và ngày càng tăng.
Dù, theo Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng, “đừng nghĩ rằng sửa được chính sách trong luật Đất đai thì khiếu nại tố cáo giảm đi, bởi như nghị định 69 năm 2009, tăng mức đền bù gấp 1,5 đến 5 lần, người bị thu hồi sau được lợi hơn những người trước, khiếu nại, tố cáo về đất đai sẽ tiếp tục gia tăng”, thì có lẽ không ai không đồng tình rằng những quy định trong luật Đất đai năm 2003 và nghị định 69 như: “Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi được bồi thường bằng đất có cùng mục đích sử dụng; nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền tính theo giá đất cùng mục đích sử dụng” (giá do chính quyền áp đặt) chính là nguồn gốc của hầu hết khiếu kiện của nông dân.
Với quy định này, mặc dù là đồng sở hữu chủ đất đai trên danh nghĩa (đất đai thuộc sở hữu toàn dân) nhưng khi bị buộc phải giao đất cho người khác, đồng sở hữu chủ là nông dân lại không có quyền thương lượng về giá đối với mảnh đất mà mình “sở hữu”. Nếu được quyền thương lượng, hẳn nông dân sẽ không bán mảnh đất của mình “theo giá đất cùng mục đích sử dụng” (đất nông nghiệp) mà theo giá kỳ vọng có dự án tương lai, và chủ đầu tư dự án, nắm chắc là có lời mới xin đầu tư, cũng sẽ phải mua theo giá kỳ vọng đó. Nhưng điều đó đã không xảy ra khi Nhà nước, lấy tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân, buộc nông dân giao lại đất với giá do Nhà nước áp đặt để rồi, cùng mảnh đất đó, khi qua tay chủ dự án và được chuyển đổi mục đích sử dụng, có thể lập tức được bán lại với giá gấp hàng trăm lần. Lợi ích từ đất đai “sở hữu toàn dân” thay vì được chia đều lại chỉ chảy chủ yếu vào túi nhà đầu tư và những cán bộ được nhà đầu tư lại quả. Đó là một nghịch lý và là nguồn gốc của bất công, của khiếu kiện kéo dài khiến lòng dân chưa yên, dù kinh tế nhìn chung có tăng trưởng – một sự tăng trưởng mà lợi ích chưa được chia đều.  
Riêng trong vấn đề này, phải đồng ý với ông chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn khi ông nhấn mạnh: Phải sửa luật Đất đai càng nhanh càng tốt, chừng nào không sửa luật Đất đai thì không thể thay đổi thực trạng (khiếu kiện của dân). Ông Đàn cũng đề nghị xem lại nghị định 69 liên quan đến quy định về đền bù giải phóng mặt bằng. Xa hơn và căn bản hơn, để tránh sự lợi dụng khái niệm “sở hữu toàn dân” trong việc quy hoạch sử dụng, thu hồi, đền bù giải toả đất đai của các cấp chính quyền, cần xác lập lại một cách đúng đắn hơn, phù hợp với thực tế hơn các hình thức sở hữu đối với đất đai như nhiều nhà nghiên cứu đã đề xuất, bao gồm sở hữu công (sở hữu quốc gia, sở hữu của chính quyền trung ương và địa phương), sở hữu tư nhân, sở hữu tập thể hay cộng đồng.