Thứ Tư, 10 tháng 10, 2007

“AN TOÀN LÀ BẠN…” VÀ LỐI TƯ DUY BIỀN NGẪU

Mỗi ngày đi ngang qua nhà khách văn phòng Quốc hội tại TPHCM đang xây trên đường Nam kỳ khởi nghĩa, khoảng giữa đưởng Tú Xương và Điện Biên Phủ, người đi đường thấy một băng-rôn treo ngay ở mặt tiền toà nhà, tuy nhỏ nhưng cũng đủ đập vào mắt: “An toàn là bạn, tai nạn là thù”. Không rõ ở công trường xây dựng cầu cần Thơ người ta có treo khẩu hiệu này không, nhưng không chỉ ở công trường xây dựng nhà khách văn phòng Quốc hội tại TPHCM mà hầu như tại công trường xây dựng nào người ta cũng có thể bắt gặp khẩu hiệu trên. Phải chăng vì nó có vần có điệu, khiến người ta dễ nhớ nên người ta ưa ?

Cái lối văn có vần có điệu, cái lối văn biền ngẫu cả trong khẩu hiệu chính trị, lẫn trong tuyên truyền kinh tế hay văn hoá, thậm chí trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ vốn đòi hỏi sự chính xác cao độ như lĩnh vực xây dựng, xem ra đã ăn sâu vào đầu chúng ta, vào “văn hoá” của chúng ta. Nhưng, thử ngẫm kỹ mà xem, những “câu văn” có vần có điệu ấy, những “câu văn” nghe bùi tai và dễ nhớ ấy, chẳng hạn như câu “an toàn là bạn, tai nạn là thù”, liệu có nói được chính xác điều cần phải nói trong những lĩnh vực đòi hỏi sự ngắn gọn và chính xác ?

Trước hết, nó quá nặng ảnh hưởng của ngôn ngữ chính trị. Ai cũng biết, một trong những bài học đầu tiên của những người hoạt động cách mạng bí mật trước đây là phải biết phân biệt: ta – bạn – thù. “An toàn là bạn, tai nạn là thù” có lẽ bắt nguồn từ thứ ngôn ngữ chính trị đó. Nhưng trong thi công xây dựng, an toàn không chỉ là bạn, bởi bạn thì có bạn thân bạn sơ, bạn có lúc chơi lúc nghỉ. Lỡ một hôm nào, một lúc nào, người công nhân xây dựng hoặc anh kỹ sư phụ trách thi công hoặc anh giám sát buồn tình không thèm chơi với “bạn” thì sao ? Đó chẳng phải là nguồn gốc của thảm hoạ hay sao, như ở công trường xây dựng cầu Cần Thơ mà ai cũng biết ? Không, an toàn không chỉ là “bạn” muốn chơi thì chơi, muốn nghỉ thì nghỉ; an toàn trong thi công là đòi hỏi đầu tiên, tuyệt đối, không thể nhân nhượng. Do đó, nói “an toàn là bạn” nghe thì hay đấy, kêu đấy, có vần có điệu đấy, nhưng hoàn toàn không nói lên được tính chất nghiêm ngặt, chính xác của đòi hỏi. Thay vì nói có vần có điệu như vậy, người ta chỉ cần nói ngắn gọn “an toàn trên hết” (safety first), có phải là chính xác, mạnh mẽ hơn không ?

Nhưng khổ nỗi, chúng ta đã quá quen với thứ tư duy biền ngẫu, đối xứng, có trên có dưới, có tả có hữu, có trong có ngoài, có chủ quan có khách quan… mất rồi. Vậy nên, sau “an toàn là bạn”, ắt phải có “tai nạn là thù”. “Nạn” vần với “bạn”, “bạn” đối với “thù”, còn gì hay hơn, xuôi tai hơn, dễ nhớ hơn ? Nhưng thử hỏi, nếu không coi an toàn là trên hết, là đòi hỏi tuyệt đối, không thể nhân nhượng, để rồi tai nạn xảy ra, liệu người công nhân, người kỹ sư phụ trách thi công có còn sống để mà nhận ra ai là bạn, ai là thù ? Chỉ cần tắc trách, lơi lỏng ở một khâu nào đó, một chi tiết nào đó, “thù” đã cướp đi sinh mạng của họ trước khi họ kịp nhận ra nó. Cho nên ở những lĩnh vực đòi hỏi sự chính xác cao độ như lĩnh vực thi công xây dựng (tôi nghĩ tới việc xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân tương lai mà rùng mình), những câu khẩu hiệu có vần có điệu hoàn toàn không đáp ứng được yêu cầu làm cho người ta nhận thức rõ, chính xác vấn đề để có biện pháp phù hợp. Vần điệu nghe xuôi tai nhưng chưa chắc đã làm người ta chú ý. Cũng như một gương mặt tròn trịa, một gương mặt Thuý Vân chưa chắc đã làm người ta nhớ lâu.

Xa hơn, lối tư duy, lối văn biền ngẫu, đối xứng không chỉ có trong nhiều khẩu hiệu ở ta. Nó còn đi vào cả những văn kiện chính thức của không ít tổ chức và những bài diễn văn trang trọng của không ít quan chức với lối nói đối xứng, liệt kê đủ cả thành tích - tồn tại, khách quan - chủ quan, trực tiếp - gián tiếp, trên - dưới, trong - ngoài…có vần có điệu, nghe thì sướng, xuôi tai, nhưng cái chính yếu nhất, cái tư tưởng hay thông điệp cốt lõi thì lại chẳng thể, hay rất khó, tìm ra.