Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2011

Đến Bhutan, nằm mộng thiên đường

Himalaya trùng điệp, nhìn từ đỉnh đèo Dochula
Từ Kathmandu, thủ đô Nepal, máy bay bay dọc theo những đỉnh cao nhất trong dãy Hi mã lạp sơn, trong đó có Everest (8.848m, trên biên giới Nepal – Tây Tạng), rồi Jhomolhari (7.314m, phía Tây Bhutan), để đáp xuống sân bay Paro của Bhutan. Còn chưa hết choáng ngợp trước cảnh tượng hùng vĩ chưa từng thấy trong đời của những đỉnh núi tuyết phủ trắng xóa của Hi mã lạp sơn, du khách lại đã cảm thấy sững sờ trước vẻ đẹp độc đáo của nhà ga sân bay quốc tế Paro với đường nét kiến trúc, những họa tiết và màu sắc, chủ yếu là nâu đỏ – vàng đất – và đen, đặc trưng của kiến trúc Tây Tạng, khi chiếc Airbus của hãng hàng không quốc gia Bhutan, Druk Air, đáp xuống sân bay. Paro là một sân bay nhỏ và là sân bay duy nhất cho tới nay của vương quốc nhỏ, diện tích chỉ hơn 1/10 Việt Nam, dân số chưa tới 1 triệu, nằm ở phía Nam dãy Hi mã lạp sơn, giáp Tây Tạng này.
Đường nét kiến trúc ấy, những họa tiết theo lối kỷ hà ấy, những màu sắc đặc trưng ấy, tôi sẽ bắt gặp lại những ngày sau, với một quy mô hoành tráng hơn, vẻ đẹp huy hoàng hơn nơi các dzong – những tuyệt tác kiến trúc nửa pháo đài nửa lâu đài, với các tường ngoài cao và dựng đứng, thường nằm trên những ngọn đồi hoặc sau những hào nước sâu thuận lợi cho phòng thủ, bên trong thường có một tháp cao, có cung điện cho vua chúa, có chùa và nơi tu hành cho các nhà sư. Dzong vừa là nơi đặt cơ quan quyền lực, cơ quan hành chính và cai trị của đất nước Bhutan, vừa là trụ sở của tăng đoàn ở một đất nước thấm đẫm niềm tin, tinh thần và văn hóa Phật giáo, dù về mặt chính thức Phật giáo không là quốc giáo. Đất nước Bhutan có rất nhiều những dzong được xây dựng từ nhiều thế kỷ trước như vậy, như Paro, như Thimphu - thủ đô hiện tại, nơi đặt ngai vua và là nơi vị sư trưởng Bhutan cư ngụ, như Punakha – cố đô ở miền trung Bhutan, nơi có kiến trúc dzong theo tôi là đẹp nhất, nằm giữa hai con sông Pho (Trống) và Mo (Mái), như Wangdue Phodrang, như Trongsa – quê hương của triều vua hiện tại ở miền Trung Bhutan, hay như phế tích Drukgyel Dzong – nơi người Bhutan đánh thắng quân xâm lược Tây Tạng… Nhưng không chỉ có các dzong, các đền chùa (lhakhang), tháp (chorten) đều là những kiến trúc toát lên bản sắc không thể lẫn lộn vào đâu được của đất nước này, trong đó ấn tượng nhất là chùa Taktsang Goemba (hay hang cọp) gần Paro, nằm chênh vênh trên vách núi, hay 108 chorten được xây dựng trên đỉnh đèo Dochula nhằm đánh dấu một chiến thắng lớn của đất nước này.
            Được chiêm ngưỡng những tuyệt tác kiến trúc của Bhutan – rất khác với các tuyệt tác kiến trúc phương Tây - cho tôi cảm giác như chạm tới một thiên đường vô cùng lạ lẫm. Tuy nhiên, được đắm mình trong thiên nhiên mới thực sự cho tôi cảm giác như ở trên chốn bồng lai. Khách sạn đầu tiên nơi tôi dừng chân, cách sân bay chỉ một quãng đường ngắn, nằm bên một dòng suối, trước mặt và sau lưng là đồi núi xanh tươi. Từ Paro ở miền Tây Bhutan qua Bumthang ở miền Trung, tôi phải vượt qua một quãng đường dài mà suốt dọc đường đi ngoằn ngoèo, thường một bên là núi, một bên là những dòng sông uốn lượn xa xa tận dưới sâu; vượt ba ngọn đèo mà đèo nào cũng cao trên 3.000m, từ trên những đỉnh đèo này, ngắm những ngọn núi trùng điệp đến vô tận và mây trắng quyện quanh các ngọn núi, là đà trong các thung lũng, tôi có cảm giác lâng lâng. Đường ngoằn ngoèo, vực sâu nhưng ta không hề thấy sợ, bởi núi hay vực cũng mọc đầy cây xanh, sát tận mép đường, khác hẳn với khi ta leo những ngọn đèo trên những ngọn núi trọc. Đất nước trong dãy Hi mã lạp sơn này, rừng che phủ đến 80% diện tích, và giữ rừng, giữ môi trường là triết lý sống của họ.
Lên ngựa để leo lên tu viện Taktsang Goemba
            Cuối cùng là những người dân. Chất phác, hiền lành, tử tế, tốt bụng, thấm nhuần tinh thần Phật giáo, thứ Phật giáo riêng, xuất phát từ Tây Tạng của đất nước này, với những truyền thuyết trộn lẫn với lịch sử, những thần linh, bồ tát, yêu quái tưởng như đang hiện diện giữa đời thực, trong tâm tưởng của người dân. Và một vị vua trẻ, nối gót cha (thoái vị để truyền ngôi cho con trước thời hạn tự đặt ra hai năm) đi học ở Anh và Mỹ về, tự hạn chế quyền lực của mình, 
Tu viện Taktsang Goemba hay Tiger's Nest
Không có “tà áo nọ”. Có chăng, nổi bật, chỉ là màu cà sa nâu đỏ của các nhà sư và những bộ váy áo truyền thống (gho của nam giới và kyra của nữ giới) đủ màu sắc. Cũng chẳng có “em đi về bên kia phố” hay mái “tóc trầm ướp vai thơm”. Có chăng là gương mặt những phụ nữ, trẻ và già, đầy nét hồn hậu; những em học sinh trong những bộ đồng phục dễ thương mà tôi gặp suốt trên đường và những người đàn ông khỏe mạnh, rắn rỏi, thật thà. Cũng không có “môi thiên đường hót chim khuyên”. Chỉ nghe những bài ca dân gian mà giai điệu và ca từ cứ đều đều như những lời kinh hay những câu thần chú. Nhưng suốt bảy ngày ở Bhutan, câu cuối trong ca khúc “Cho đời chút ơn” của Trịnh Công Sơn luôn văng vẳng trong tâm trí tôi: “Nằm mộng suốt đêm trong thiên đường”. Chỉ vì suốt bảy ngày sống với thiên nhiên, con người và văn hóa ở đấy, tôi luôn có cảm giác như đang sống  trên chốn bồng lai, hay như sách báo du lịch thường gọi: Shangri – la cuối cùng trên trái đất.



(*) Công ty tổ chức tour Bhutan: Du lịch Hương Băng, 48/46 Hồ Biểu Chánh, P.11, Phú Nhuận.
      (http://www.huongbangtravel.com - Tel: 84-8-39973369)

Punakha Dzong
Chú tiểu ở chùa Chhimi Lhakhang
Thimphu Dzong

Không có nhận xét nào: