“Cướp nước” - một quan chức sở Nông nghiệp & Phát triển
nông thôn Đà Nẵng đã nói thẳng như vậy về việc nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 chuyển
nguồn nước từ nơi này sang nơi khác nhằm vận hành nhà máy điện, gây ra tình trạng
khát nước cho thành phố Đà Nẵng và cả một vùng sản xuất nông nghiệp của Đà Nẵng
và Quảng Nam. Đà Nẵng dự định đưa vấn đề tranh chấp nguồn nước ra trước Quốc hội.
Không chỉ Đăk Mi 4 với Đà Nẵng, Quảng Nam, tranh chấp nguồn nước còn diễn ra giữa
một số nhà máy thủy điện khác với các tỉnh Gia Lai, Phú Yên…Khỏi cần nói, “cuộc
chiến” này dự báo sẽ ngày càng gay gắt khi tình trạng khô hạn càng kéo dài, khốc
liệt. Bởi không có điện, người ta vẫn sống được, dù khổ sở; không có nước, con
người không thể tồn tại. Không có nước, những đô thị như Đà Nẵng, Kontum sẽ chết
khát, nông dân các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên sẽ không thể làm nông nghiệp (
trong bốn yếu tố của sản xuất nông nghiệp – nước, phân, cần, giống – nước là yếu
tố đầu tiên) và do đó không có thu nhập để sống.
“Cuộc chiến” nước - cứ tưởng chuyện
chỉ có thể xảy ra tận đâu bên Trung Đông xa xôi, ở những xứ sở sa mạc đất đai
khô cằn, nơi từng xảy ra những cuộc chiến giành nguồn nước, nơi mà nước có khi còn
đắt hơn cả xăng. Hay là chuyện giữa các quốc gia bên dòng Mekong, nơi mà hàng
loạt đập thuỷ điện được xây dựng ở thượng nguồn đang đe doạ nguồn nước, hệ sinh
thái và nguồn sống của nhiều triệu người ở các quốc gia ven và hạ lưu con sông
này. Đó thực ra cũng không còn là mối đe dọa xa xôi mà đã gây tác hại thực sự khi
năm kia có đoạn trên sông Mekong ở Lào nước gần như cạn kiệt và lũ, cùng với nó
là phù sa, là tôm cá đổ về Cửu Long ở nước ta ngày càng hiếm, càng ít. Không,
“cuộc chiến” nguồn nước – như có tờ báo đã báo động trong một bài xã luận trên
trang nhất mới đây – giờ đang thực sự nổ ra ngay trong nước ta, giữa một số địa
phương với ngành thuỷ điện.
Không đến nỗi như các nước Trung Đông
nhưng rõ ràng Việt Nam không phải là quốc gia dồi dào về nguồn nước. Hình ảnh
những con sông quê dạt dào nước tưởng như bất tận, nặng phù sa và ăm ắp cá tôm mà
mỗi người Việt Nam đã quen từ tấm bé rõ ràng nay đã lùi vào dĩ vãng - với sự
phát triển của công nghiệp, của thủy điện, sự tàn phá rừng đầu nguồn, đào bới bừa
bãi tài nguyên làm mất đi thảm thực vật, và tác động của những quốc gia đầu nguồn
các con sông. Rồi người Việt Nam sẽ phải tập sống trong sự tiết kiệm và sử dụng
hợp lý hơn nguồn nước ngày càng khan hiếm, eo hẹp. Tuy nhiên, giáo dục ý thức
tiết kiệm, sử dụng hợp lý nước không phải là chuyện ngày một ngày hai mà là
chuyện lâu dài, mặc dù cần khởi động sớm. Chính vì thiếu nước, phải tiết kiệm,
Israel đã phát minh ra hệ thống tưới nhỏ giọt, Việt Nam tại sao không? Nhưng điều
cần làm ngay là một chính sách và cơ chế chia sẻ, sử dụng hợp lý nguồn tài
nguyên nước ở tầm quốc gia giữa các ngành, các địa phương; là sự cân nhắc thấu
đáo việc cấp phép cho các dự án sử dụng nguồn nước sao cho hài hòa lợi ích giữa
các bên liên quan.
Rõ ràng đang có sự cắt khúc, đứt đoạn
trong quản lý nguồn nước, quản lý các sông ngòi và toàn bộ lưu vực sông giữa
các bộ ngành liên quan và các địa phương mà thiếu một cơ quan quản lý tổng hợp có
tiếng nói cuối cùng. Trong sự quản lý cắt khúc, đứt đoạn đó, sự tác động đến hệ
sinh thái, môi trường của các dự án thường là yếu tố ít được quan tâm nhất, làm
hình thức, chiếu lệ nhất. Chính vì sự quản lý cắt khúc ấy mà có những con sông
dày đặc các dự án thủy điện; có những dự án trên một con sông chảy qua nhiều tỉnh
như sông Đồng Nai, tỉnh này thì cho phép làm, tỉnh khác lại phản đối. Hoặc, như
nói ở trên, là sự tranh chấp nguồn nước giữa ngành thủy điện và các địa phương.
Vì vậy đã đến lúc cần có cơ quan quản lý
tổng hợp từng lưu vực sông, có trách nhiệm cân nhắc tác động nhiều mặt, từ kinh
tế đến hệ sinh thái, môi trường, xã hội và đời sống của cộng đồng dân cư trước
khi cấp phép cho một dự án khai thác thủy năng.
Một nguồn nước, một con sông, một hệ
sinh thái cũng như một con người, có ngưỡng chịu đựng của nó. Giành nhau khai
thác cạn kiệt, quá ngưỡng chịu đựng của nó trước sau gì cũng mang lại thảm họa
mà những lợi ích trước mắt sẽ không thể bù đắp được. Chính ở đây cần đến vai
trò của Nhà nước như là người điều phối nhằm sử dụng khôn ngoan, hợp lý, tiết
kiệm và bền vững nguồn nước. Và cơ quan quản lý tổng hợp đóng vai trò đó chẳng
những cần sáng suốt, cần có đủ quyền mà còn cần sự vô tư, không để bị chi phối
bởi bất cứ nhóm lợi ích nào.