Thứ Năm, 22 tháng 7, 2021

NGHĨ TỪ 25.200 TỈ ĐỒNG VÀ NHỮNG CON SỐ KHÁC

Agribank, ngân hàng quốc doanh lớn cuối cùng chưa cổ phần hóa đúng hẹn 2020, vừa chính thức công bố báo cáo tài chính riêng lẻ và hợp nhất năm 2020. Theo đó, lợi nhuận sau thuế năm 2020 của ngân hàng này là 10.382 tỷ đồng, giảm 4,7% so với năm 2019 (trong khi thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự tăng 6%, đạt 112 nghìn tỷ đồng). Tuy nhiên Agribank đã chi tới hơn 4.500 tỷ đồng cho hoạt động quản lý công vụ, trong đó, gần 2.000 tỉ đồng (chính xác là hơn 1.965 tỷ) chi cho các hội nghị, lễ tân, khánh tiết năm qua.

Năm năm trước, tại một hội thảo về Luật về hội do Liên hiệp các Tổ chức khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức, Viện trưởng Viện chính sách, pháp luật và phát triển, tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao cho biết dựa trên một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR, Đại học Kinh tế, Đại học quốc gia Hà Nội) thì tổng ngân sách nhà nước mỗi năm ước chi cho các hội, đoàn thể là 14.000 tỉ đồng. Đặc biệt, theo ông Hoàng Ngọc Giao, nếu tính đủ cả chi phí kinh tế - xã hội, tức gồm cả đất đai, nhà cửa, xe cộ và các tài sản khác thì theo nghiên cứu trên,  tổng chi phí cho toàn bộ hệ thống các hội đoàn mỗi năm dao động từ 45.600-68.100 tỉ đồng.

 

Gần 2.000 tỉ đồng một năm cho việc tổ chức hội nghị, lễ tân ở một ngân hàng quốc doanh; 14.000 tỉ đồng một năm từ ngân sách cho các hội đoàn, trong đó có những hội đoàn mà người dân rất ít khi nghe đến hoạt động của họ, là những con số không hề nhỏ nếu biết rằng, trong đại dịch Covid-19 đang làm điêu đứng nền kinh tế và cuộc sống của toàn bộ người dân, để có 150 triệu liều vaccine cho khoảng 75 triệu dân để đạt miễn dịch cộng đồng, chỉ cần có khoảng 25.200 tỉ đồng. Nguồn tin chính thức cho biết, ngân sách đã chuẩn bị được hơn 14.000 tỉ đồng nhưng vẫn còn thiếu khoảng 11.000 tỉ đồng. Do vậy Quỹ vaccine phòng chống covid-19 được thành lập nhằm huy động sự đóng góp của người dân và doanh nghiệp (hay còn gọi là xã hội hóa) và từ khi ra đời vào ngày 26-5 cho tới 17h ngày 18-6 mới huy động được 5.722 tỉ đồng.

 

Mặc dù đại dịch Covid-19 xảy ra từ đầu năm 2020 nhưng theo tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, trong dự toán ngân sách nhà nước 2021 vẫn không hề có khoản nào dành cho vaccine (trong dự toán có 20.611 tỷ đồng dành cho chi thường xuyên các lĩnh vực y tế, dân số và gia đình nhưng theo luật, không thể lấy ngân sách này để mua hay sản xuất vaccine được). Và phải đến tháng 5-2021 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới ra nghị quyết sử dụng 12.100 tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi năm 2020 đưa qua để mua vaccine phòng dịch.

 

Những con số dẫn ở trên cho thấy nguồn lực ngân sách đã không được dự trù cho những tình huống khẩn cấp về y tế công như đại dịch hay những trường hợp phải cứu nguy khẩn cấp cho doanh nghiệp và người dân bị tác động nặng nề bởi dịch bệnh trong khi lại hào phóng cho những khoản chi mà hiệu quả kinh tế và xã hội không thật rõ ràng, nói thẳng ra là lãng phí, hoang phí. Chi cho lễ tân, lễ hội, tượng đài, cổng chào, băng rôn, khẩu hiệu… ở nhiều cấp khác nhau, chưa ai thống kê đầy đủ nhưng hẳn chiếm phần không nhỏ trong ngân sách. Và quan trọng là chúng đập vào mắt người dân như biểu tượng của sự lãng phí trong khi ta vẫn luôn miệng nói đất nước còn nghèo, ngân sách khó khăn mỗi khi hữu sự.

 

Đại dịch Covid-19 do vậy phải trở thành dịp để xem xét lại một cách thấu đáo, triệt để việc chi tiêu, phân bổ ngân sách và rộng hơn là nguồn lực quốc gia. Cần lấy hiệu quả kinh tế - xã hội, việc nâng cao đời sống người dân làm tiêu chí tối thượng đối với mỗi đồng ngân sách chi ra, mỗi nguồn lực được phân bổ thay vì những thứ hình thức, không hoặc chưa cần thiết. Có như vậy mới có phát triển bền vững, mới không bị bất ngờ khi khủng hoảng hay tai họa ập đến. 

Thứ Năm, 30 tháng 8, 2018

BI KỊCH "LÓT Ổ"


Bi kịch “lót ổ”

Ở ta không hiếm chuyện cha mẹ “lót ổ” và con cái chấp nhận “được lót ổ” để một người trẻ cứ thế thăng tiến mà không cần phải kinh qua thử thách cá nhân.

Bỏ qua một bên chuyện bằng cấp nhập nhằng. Bỏ qua một bên chuyện xe cộ với nhà cửa, cũng là chuyện nhập nhằng, không minh bạch giữa của riêng với của do doanh nghiệp biếu xén. Bỏ qua một bên chuyện độc đoán trong điều hành, bố trí nhân sự. Tất cả những chuyện đó không phải là không lớn, không nghiêm trọng, nhưng không phải là bản chất của câu chuyện ông Nguyễn Xuân Anh ở Đà Nẵng vừa qua.
Cũng chẳng phải chuyện “chín non, chín ép” gì, bởi về tuổi tác,ở nhiều nước, 39-40 tuổi người ta đã làm đến tổng thống, thủ tướng. Như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đắc cử ở tuổi 39, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz đắc cử khi chỉ mới 31 tuổi, trẻ nhất thế giới, và mới hơn nữa là nữ Thủ tướng 37 tuổi Jacinda Ardern của New Zealand. Chuyện bình thường ở những quốc gia mà người dân có quyền chọn lựa thực sự giữa nhiều ứng viên phải cạnh tranh nhau bằng cương lĩnh bầu cử hợp lòng dân, phải chứng tỏ năng lực thực sự của mình.
Điều cốt lõi hay bản chất câu chuyện là: trong khi ở nhiều nước, chuyện một số gia tộc có truyền thống làm chính trị không phải là hiếm (như gia tộc Kennedy, Bush ở Mỹ; Trudeau ở Canada), nhưng những người thuộc thế hệ sau trong gia tộc nếu có thăng tiến trên chính trường thì cùng lắm là được thừa hưởng tiếng thơm của thế hệ trước chứ chẳng ai có thể “lót ổ” cho họ. Họ phải tự lực phấn đấu bằng năng lực cá nhân để được cử tri công nhận. Trong khi đó thì ở ta không hiếm chuyện cha mẹ “lót ổ” và con cái chấp nhận “được lót ổ” để một người trẻ cứ thế thăng tiến mà không cần phải kinh qua thử thách cá nhân, hoặc chỉ kinh qua một số vị trí “thử thách” gọi là cho có. Ông Nguyễn Xuân Anh ở Đà Nẵng chỉ là một trong nhiều ví dụ.
Hãy xem con đường thăng tiến chính trị của vị thủ tướng trẻ nhất thế giới vừa đắc cử để thấy con đường đi lên của chính trị gia trẻ này khác ra sao với các “thái tử đỏ” được cha mẹ “lót ổ” ở một vài nước.
Tân Thủ tướng Áo Sebastian Kurz chào đời năm 1986 ở quận Meidling, một vùng lao động nghèo ở thành phố Vienna. Ông lớn lên và vẫn ở đây cho tới tận bây giờ. Kurz không phải là “con nhà nòi” làm chính trị vì mẹ ông là giáo viên và cha là kỹ sư. Tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2004 rồi đi nghĩa vụ quân sự trong năm 2004-2005, Kurz sau đó ghi danh học khoa luật Đại học Vienna, nhưng rồi quyết định thôi học vào năm 2011 để tập trung cho sự nghiệp chính trị. Tức ông chưa tốt nghiệp đại học.
Dù gia đình không có truyền thống làm chính trị, Sebastian Kurz nhanh chóng đi sâu vào đời sống chính trị khi ông trở thành đoàn viên đoàn Thanh thiếu niên thuộc đảng Nhân dân Áo từ năm 2003. Năm 2009, khi mới 23 tuổi, ông được bầu làm chủ tịch của tổ chức này với 99% số phiếu tán thành và tiếp tục giữ cương vị ấy với 100% phiếu tán thành vào năm 2012. Ông Kurz đồng thời cũng làm phó chủ tịch đảng Nhân dân Áo từ năm 2009 và từ năm 2010 đến năm 2011 là nghị viên Hội đồng thành phố Vienna.
Tháng 4.2011, trong cuộc cải tổ nội các, ông Kurz được chỉ định làm Quốc vụ khanh Hội nhập (thuộc Bộ Nội vụ Liên bang Áo). Sự kiện này khơi mào cho một số chỉ trích nhắm vào ông vì còn quá trẻ. Tuy nhiên một năm sau thì truyền thông đã dành những đánh giá tích cực hơn cho ông. Trong cuộc bầu cử Quốc hội Áo năm 2013, ông giành được nhiều phiếu trực tiếp nhất từ cử tri so với các chính trị gia khác, điều đó cho thấy mức độ uy tín cao của ông trong nước.
Cùng năm ấy, ở tuổi 27, ông Kurz đảm nhận cương vị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Áo, phụ trách thêm mảng hội nhập xã hội theo yêu cầu của ông. Trong cương vị quan trọng này, ông Kurz cũng lập được nhiều thành tích như việc tham gia đàm phán hạt nhân Iran hay làm chủ tọa trong Ủy ban các bộ trưởng của Hội đồng châu Âu. Tháng 11.2014, ông Sebastian Kurz được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao châu Âu.
Có thể thấy, con đường thăng tiến của Sebastian Kurz là con đường mà tự ông chinh phục lấy, không có mẹ cha nào “lót ổ” cho cả.
Còn ở ta, trong một thể chế vẫn đề cao lý lịch và “truyền thống gia đình” hơn nỗ lực tự thân của mỗi cá nhân, vẫn thích “tìm người nhà hơn tìm người tài”, vẫn coi việc “con cán bộ làm cán bộ là hồng phúc của dân tộc”; trong một thể chế thiếu minh bạch trong tuyển dụng và đề bạt, thiếu sự cạnh tranh công bằng cho các vị trí trong guồng máy công quyền và trong hệ thống chính trị, thì người “lót ổ” và người chấp nhận “được lót ổ” có lẽ cảm thấy những gì họ đạt được như là điều “hiển nhiên” dành cho họ.
Và nếu mọi việc suôn sẻ, quá trình đó lại được lặp lại ở thế hệ kế tiếp. Nhưng bi kịch có thể xảy ra khi người “lót ổ” không còn quyền lực, không còn đủ ảnh hưởng chi phối đối với guồng máy, khi ấy người chấp nhận “được lót ổ” cũng mất chỗ dựa, không còn được che chắn và có nhiều nguy cơ mất ghế. (Nhân tiện, con cán bộ nếu đủ năng lực làm cán bộ tốt thì cũng là điều bình thường như con thường dân làm cán bộ tốt, chứ sao lại phải coi đó là “hồng phúc của dân tộc”? Và lẽ ra, nếu con cái của dân thường vốn thua thiệt về điều kiện thăng tiến mà trở thành cán bộ giỏi, một lòng một dạ phục vụ nhân dân thì coi đó là “hồng phúc của dân tộc” mới phải).
Một câu hỏi chung đặt ra là vì sao ở một số nước xưng là xã hội chủ nghĩa ở châu Á lại có hiện tượng những nhà lãnh đạo tìm cách “lót ổ” cho con cái của mình? Có lẽ những nhà sáng lập chủ nghĩa cộng sản không thể ngờ được rằng, khi vào châu Á nó lại bị buộc phải làm một cuộc hôn phối với chủ nghĩa chuyên chế và chủ nghĩa huyết thống của phương Đông tiền tư bản, phong kiến. Triều đại họ Kim cha truyền con nối ở Bắc Triều Tiên; cuộc “đại nhảy vọt” và “cách mạng văn hóa” khủng khiếp ở Trung Quốc dưới bàn tay chuyên chế của “Người cầm lái vĩ đại” phải chăng từ đó mà ra? Và, ở một mức độ ít nghiêm trọng hơn nhưng không kém phần tai hại cho sự phát triển xã hội là hiện tượng được gọi là “lót ổ” cho các “thái tử đỏ”, cho “hậu duệ”, hay “COCC” theo cách nói dân gian?
Điều đáng tiếc và đáng nói là có những người trẻ sinh ra trong những gia đình có thế lực, dù được học hành đàng hoàng ở các nước phát triển, có khi bằng cấp đầy mình và hẳn là không thiếu hiểu biết về văn hóa chính trị ở các nước phát triển; họ cũng có thể có năng lực và thừa sức chọn con đường sự nghiệp của riêng mình (không nhất thiết là con đường thăng tiến chính trị) mà không cần phải dựa vào ai, nhưng rồi vẫn bằng lòng để cha mẹ “lót ổ” cho mình. 
Phải chăng vì quyền lực và đặc quyền đặc lợi gắn liền với nó có sức hấp dẫn không thể cưỡng lại được? 

Thứ Năm, 19 tháng 2, 2015

CHO NHỮNG MÙA XUÂN BỚT ĐẮNG ĐAU

Ngày thắm tươi bên đời xuân mới. Lòng đắm say bao nguồn vui sống. Xuân về với ngàn hoa tươi sáng. Ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng…”
Có lẽ trong tất cả những ca khúc rộn ràng vang lên khắp hang cùng ngõ hẻm, khắp thôn xóm mỗi dịp xuân về, bài Xuân và tuổi trẻ này của nhạc sĩ La Hối mang lại cho người nghe cái cảm giác lâng lâng say men xuân hơn cả. Nó rộn ràng, tươi vui, say đắm bởi vị men được tạo ra do sự hòa quyện giữa mùa xuân đất trời với cuộc sống đầy “nguồn vui sống” của con người, của xã hội. Nó tạo cho con người cảm giác lạc quan, yêu đời, ham sống, muốn sống bên một “đời xuân mới” có thực.
Nhưng liệu “đời xuân mới” đã đến thật với mọi người hoặc tuyệt đại đa số người Việt hôm nay? Xuân này, cũng như nhiều xuân qua, hẳn nhiều người sẽ say men xuân, sẽ có điều kiện để thấy ngày quả thực thắm tươi . Nhưng không phải tất cả. Đó đây, những người cảm thấy đắng, đau trong lòng khi xuân về hẳn không phải là ít, không hề ít. Những cảnh đời đắng, đau khi xuân về kể ra thì vô cùng đa dạng. Đó là những người nông dân chưa gắn được với thị trường, với doanh nghiệp; phải chặt bỏ, đổ bỏ sản phẩm mình làm ra vì không tiêu thụ được, vì sản xuất mà thiếu thông tin về thị trường như những nông dân phải đổ bỏ thanh long cho bò ăn, nuôi bò sữa thì phải đổ bỏ sữa như vừa qua ở Lâm Đồng. Đó là những công nhân vắt kiệt sức trong nhà máy để đổi lấy đồng lương nhiều khi không đủ tái tạo sức lao động và là nạn nhân khá thường xuyên của những vụ ngộ độc tập thể sau những bữa ăn nghèo nàn dinh dưỡng ở nhà máy. Đó là những người mẹ vì quá nghèo, không lối thoát, phải tự tử để cho con sống hoặc những thiếu niên tự tử để đỡ gánh nặng cho mẹ cha đang bế tắc trong cuộc mưu sinh cho gia đình. Là những phụ nữ hoặc tự mình hoặc bị lừa bởi những đường dây buôn người để bán thân đổi lấy đồng tiền trong những tụ điểm mại dâm trá hình ở xứ người như vụ 136 phụ nữ Việt bị cảnh sát bắt “xỏ xâu” (chữ của tờ Petro Times) ở Malaysia mới đây, hay những cô dâu bị đánh dập, bị giết hại ở Hàn Quốc, Đài Loan hoặc mất tích một cách bí ẩn như vụ 100 cô dâu Việt biến mất không dấu vết ở Trung Quốc… Và còn nhiều cảnh đời u tối khác nữa. Với họ và người thân, mùa xuân hẳn không về hoặc có về đấy nhưng không trọn vẹn, và “đời xuân mới” hẳn còn xa.
Nông dân Việt Nam vốn được coi là cần cù, lam lũ; nông dân nhiều vùng như miền Tây còn được tiếng là nhạy bén với thị trường, với cái mới, vậy mà bao nhiêu năm nay vẫn loay hoay với bài toán thị trường tiêu thụ, với đầu ra cho sản phẩm, được mùa thì rớt giá, mất mùa giá lên  thì hàng hóa cũng không còn để bán, cứ thế năm này qua năm khác. Lỗi có phải ở họ hay ở nền sản xuất nông nghiệp nói chung chưa thích ứng tốt với cơ chế thị trường, sản xuất đứt rời với tiêu thụ, trong đó có lỗi của những chính sách còn bất cập, những kế hoạch tái cơ cấu sản xuất và thị trường nông nghiệp chậm chạp khiến nông dân mãi không cất cánh lên được, mãi là con tin của những lực lượng làm giàu trên lưng họ, dù họ nuôi sống cả nước và còn góp phần không nhỏ vào thành tích xuất khẩu? Cũng chính do nền kinh tế nông nghiệp quẩn quanh chưa tìm ra lối đi mới ấy đã đẩy không ít hộ nông dân vào hoàn cảnh bi đát, gây không ít bi kịch mẹ chết cho con, con chết cho mẹ cha được sống mà ai cũng biết.
Với công nhân, nhất là công nhân khu vực đầu tư nước ngoài, chính sách thu hút đầu tư bằng lao động rẻ được duy trì quá lâu, vô hình trung đã trói chặt họ vào mức sống chỉ đủ để tồn tại, nói chi nghĩ đến tương lai, đến tích lũy, đến chất lượng sống ngày càng phải được nâng cao.
Và những phụ nữ Việt phải mưu sinh bằng cách bán thân ở xứ người - không ít trong số đó hẳn ra đi từ những gia đình không thể tìm ra sinh kế ở nông thôn hoặc từ những gia đình rơi vào hoàn cảnh cùng quẫn ở đô thị - phải chăng không là một vấn đề kinh tế-xã hội gây ra nỗi đau âm thầm cho mọi người Việt? Bởi có ai không muốn sống cuộc đời tử tế, có ai không muốn được tiếng sạch sẽ, thơm tho? Nhưng cơ hội đã không đến với họ, đã bay đi đâu mất khi những đồng tiền ngân khố quốc gia thay vì được dùng để mở mang giáo dục, việc làm, nghề nghiệp, nâng cao sức khỏe cho nông dân, cho người nghèo đô thị thì đã chui tọt vào những cái túi nhũng lạm.

Mùa xuân là mùa của hy vọng. Liệu có thể hy vọng trong chương trình nghị sự đất nước những năm tới đây, những phận người bèo bọt, những vấn đề kinh tế-xã hội cụ thể sẽ được lưu tâm hơn giữa những khái niệm cao xa và những con số đẹp đẽ. Để những mùa xuân sau ngày càng ngọt ngào, bớt đắng đau…  

Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013

BẮT ĐẦU “CUỘC CHIẾN” NƯỚC


“Cướp nước” -  một quan chức sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Đà Nẵng đã nói thẳng như vậy về việc nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 chuyển nguồn nước từ nơi này sang nơi khác nhằm vận hành nhà máy điện, gây ra tình trạng khát nước cho thành phố Đà Nẵng và cả một vùng sản xuất nông nghiệp của Đà Nẵng và Quảng Nam. Đà Nẵng dự định đưa vấn đề tranh chấp nguồn nước ra trước Quốc hội. Không chỉ Đăk Mi 4 với Đà Nẵng, Quảng Nam, tranh chấp nguồn nước còn diễn ra giữa một số nhà máy thủy điện khác với các tỉnh Gia Lai, Phú Yên…Khỏi cần nói, “cuộc chiến” này dự báo sẽ ngày càng gay gắt khi tình trạng khô hạn càng kéo dài, khốc liệt. Bởi không có điện, người ta vẫn sống được, dù khổ sở; không có nước, con người không thể tồn tại. Không có nước, những đô thị như Đà Nẵng, Kontum sẽ chết khát, nông dân các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên sẽ không thể làm nông nghiệp ( trong bốn yếu tố của sản xuất nông nghiệp – nước, phân, cần, giống – nước là yếu tố đầu tiên) và do đó không có thu nhập để sống.
“Cuộc chiến” nước - cứ tưởng chuyện chỉ có thể xảy ra tận đâu bên Trung Đông xa xôi, ở những xứ sở sa mạc đất đai khô cằn, nơi từng xảy ra những cuộc chiến giành nguồn nước, nơi mà nước có khi còn đắt hơn cả xăng. Hay là chuyện giữa các quốc gia bên dòng Mekong, nơi mà hàng loạt đập thuỷ điện được xây dựng ở thượng nguồn đang đe doạ nguồn nước, hệ sinh thái và nguồn sống của nhiều triệu người ở các quốc gia ven và hạ lưu con sông này. Đó thực ra cũng không còn là mối đe dọa xa xôi mà đã gây tác hại thực sự khi năm kia có đoạn trên sông Mekong ở Lào nước gần như cạn kiệt và lũ, cùng với nó là phù sa, là tôm cá đổ về Cửu Long ở nước ta ngày càng hiếm, càng ít. Không, “cuộc chiến” nguồn nước – như có tờ báo đã báo động trong một bài xã luận trên trang nhất mới đây – giờ đang thực sự nổ ra ngay trong nước ta, giữa một số địa phương với ngành thuỷ điện.
Không đến nỗi như các nước Trung Đông nhưng rõ ràng Việt Nam không phải là quốc gia dồi dào về nguồn nước. Hình ảnh những con sông quê dạt dào nước tưởng như bất tận, nặng phù sa và ăm ắp cá tôm mà mỗi người Việt Nam đã quen từ tấm bé rõ ràng nay đã lùi vào dĩ vãng - với sự phát triển của công nghiệp, của thủy điện, sự tàn phá rừng đầu nguồn, đào bới bừa bãi tài nguyên làm mất đi thảm thực vật, và tác động của những quốc gia đầu nguồn các con sông. Rồi người Việt Nam sẽ phải tập sống trong sự tiết kiệm và sử dụng hợp lý hơn nguồn nước ngày càng khan hiếm, eo hẹp. Tuy nhiên, giáo dục ý thức tiết kiệm, sử dụng hợp lý nước không phải là chuyện ngày một ngày hai mà là chuyện lâu dài, mặc dù cần khởi động sớm. Chính vì thiếu nước, phải tiết kiệm, Israel đã phát minh ra hệ thống tưới nhỏ giọt, Việt Nam tại sao không? Nhưng điều cần làm ngay là một chính sách và cơ chế chia sẻ, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước ở tầm quốc gia giữa các ngành, các địa phương; là sự cân nhắc thấu đáo việc cấp phép cho các dự án sử dụng nguồn nước sao cho hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan.
Rõ ràng đang có sự cắt khúc, đứt đoạn trong quản lý nguồn nước, quản lý các sông ngòi và toàn bộ lưu vực sông giữa các bộ ngành liên quan và các địa phương mà thiếu một cơ quan quản lý tổng hợp có tiếng nói cuối cùng. Trong sự quản lý cắt khúc, đứt đoạn đó, sự tác động đến hệ sinh thái, môi trường của các dự án thường là yếu tố ít được quan tâm nhất, làm hình thức, chiếu lệ nhất. Chính vì sự quản lý cắt khúc ấy mà có những con sông dày đặc các dự án thủy điện; có những dự án trên một con sông chảy qua nhiều tỉnh như sông Đồng Nai, tỉnh này thì cho phép làm, tỉnh khác lại phản đối. Hoặc, như nói ở trên, là sự tranh chấp nguồn nước giữa ngành thủy điện và các địa phương.  Vì vậy đã đến lúc cần có cơ quan quản lý tổng hợp từng lưu vực sông, có trách nhiệm cân nhắc tác động nhiều mặt, từ kinh tế đến hệ sinh thái, môi trường, xã hội và đời sống của cộng đồng dân cư trước khi cấp phép cho một dự án khai thác thủy năng.

Một nguồn nước, một con sông, một hệ sinh thái cũng như một con người, có ngưỡng chịu đựng của nó. Giành nhau khai thác cạn kiệt, quá ngưỡng chịu đựng của nó trước sau gì cũng mang lại thảm họa mà những lợi ích trước mắt sẽ không thể bù đắp được. Chính ở đây cần đến vai trò của Nhà nước như là người điều phối nhằm sử dụng khôn ngoan, hợp lý, tiết kiệm và bền vững nguồn nước. Và cơ quan quản lý tổng hợp đóng vai trò đó chẳng những cần sáng suốt, cần có đủ quyền mà còn cần sự vô tư, không để bị chi phối bởi bất cứ nhóm lợi ích nào.

Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2012

NHỮNG THÔNG ĐIỆP TRÁI NGƯỢC


Như chỉ chờ có thế, Quốc hội Việt Nam vừa thông qua luật biển – một việc bình thường của một quốc gia ven biển và lẽ ra phải làm từ lâu sau khi tham gia Công ước về luật Biển Liên Hiệp Quốc 1982 (UNCLOS) – Trung Quốc đã cấp tập phản ứng bằng một loạt những hành động gây hấn, khiêu khích, đe doạ xem ra đã được tính toán từ trước: nâng cấp hành chính cái gọi là “thành phố Tam Sa” mà họ đã thành lập từ năm 2007 bao gồm trong đó cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, thành lập chính quyền để quản lý “thành phố” này, lập đơn vị quân đồn trú đặt trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, xua đội tàu đánh cá lớn xuống Trường Sa đánh bắt trái phép, gọi thầu dầu khí trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, cho tàu chiến xuống biển Đông tuần tra “sẵn sàng chiến đấu”, giở giọng đe doạ không úp mở trên báo chí. Không chỉ gây hấn với Việt Nam, Trung Quốc trước đó cũng đã gây hấn với Philippines sau khi cho tàu bè xâm phạm vùng biển của nước này.
Với Việt Nam, những hành động ức hiếp của Trung Quốc không phải hôm nay mới diễn ra mà đã kéo dài từ nhiều năm qua. Đầu năm 2005, tàu tuần tra của Trung Quốc đã bắn thẳng vào ngư dân Thanh Hóa đang đánh bắt trong vùng biển của Việt Nam ở vịnh Bắc bộ, cách đường ranh giới trên biển đến 10 hải lý, làm chết 9 ngư dân và bị thương 7 người, 8 ngư dân sống sót bị bắt đưa về Hải Nam, bị vu là cướp biển. Những năm sau đó, nhất là từ sau khi Trung Quốc đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt hàng năm trên biển Đông và cho đến tận hôm nay, ngư dân Việt Nam đánh bắt trên vùng biển Việt Nam ở biển Đông liên tục bị bắt giữ, đánh đập, cướp tài sản, tịch thu tàu thuyền, đòi tiền chuộc. Năm 2011, Trung Quốc hai lần cho tàu hải giám cắt cáp tàu thăm dò địa chấn của Việt Nam ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Họ cũng nhiều lần đe doạ các công ty dầu khí nước ngoài muốn hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí với Việt Nam khiến các công ty này phải rút lui.
Những hành động đó của Trung Quốc đã gây nên nỗi bức xúc lớn nơi người dân Việt Nam và gây nên nỗi lo ngại về chủ quyền đất nước, sự toàn vẹn lãnh thổ bị đe doạ. Chính vì vậy, người dân đã rất vui mừng khi Quốc hội thông qua luật biển, trong đó khẳng định lại Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Nhưng càng vui mừng trước quyết định của Quốc hội bao nhiêu, người dân lại càng âu lo, thấp thỏm, bối rối bấy nhiêu trước những tín hiệu, những thông điệp không rõ ràng hoặc theo chiều hướng ngược lại với xác quyết của Quốc hội, với mối lo hiển hiện trên biển Đông. Khi tình hình biển Đông đã căng như dây đàn sau hàng loạt hành động gây hấn cấp tập, khi nhiều người cảm nhận mối đe doạ đối với chủ quyền đất nước đã ở trước ngõ, khi giới truyền thông và các nhà sử học, luật gia trong nước đang ra sức đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa bằng cách vạch rõ sự vô căn cứ về mặt pháp lý và lịch sử của “đường lưỡi bò” trên biển Đông thì người ta lại tổ chức những hội nghị rình rang bày tỏ lòng biết ơn với nước láng giềng và tình cảm thắm thiết giữa hai nước, hai quân đội. Với truyền thống tốt đẹp của người Việt, ơn thì phải nhớ, phải trả, tất nhiên, nhưng giờ có phải là lúc thích hợp để nói chuyện ơn nghĩa khi người “làm ơn” đã lật lọng, công khai gây hấn mà lại giở giọng vu khống ta, khiêu khích, đe doạ ta, và lộ mặt là kẻ xâm lấn? Những tín hiệu, những thông điệp trái ngược đó khiến người dân bối rối, không biết nên hiểu thế nào, nên tin vào đâu. Dư luận nước ngoài, vốn gần như thống nhất phê phán sự sai trái của Trung Quốc qua những hành động hung hăng vừa qua, chắc cũng phải tự hỏi Việt Nam đang muốn gì?
Tháng 11 năm ngoái, trong một lần trả lời chất vấn trước Quốc hội, ông Thủ tướng có đề cập đến quan điểm của Việt Nam trong việc giải quyết tranh chấp biển Đông. Trong một dịp gặp gỡ cử tri, ông Tổng bí thư cũng có nói mấy câu hiếm hoi gì đó về việc bảo vệ chủ quyền. Nhưng, sau những hành động mới nhất của Trung Quốc, tình hình đã khác. Nhiều người ước muốn, giá như có ai đó ở cấp nguyên thủ quốc gia đĩnh đạc xuất hiện trên truyền hình hoặc trước Quốc hội để trình bày một cách rõ ràng, rành mạch trước quốc dân về điều gì đã và đang diễn ra, quan điểm và lập trường của nhà nước ta ra sao, ta sẽ làm gì để bảo vệ biên cương và ích lợi của mình ở biển Đông. Một việc cần thiết như thế để đoàn kết lòng người, để gửi đến người dân một thông điệp rõ ràng, không thể mơ hồ, vậy mà xem ra quá khó. Thay vào đó người dân chỉ được thông tin về việc hai bộ ngoại giao và quốc phòng “trả lời kiến nghị” của cử tri liên quan đến những vấn đề trên. Sao lại chỉ là một sự “trả lời kiến nghị” thay vì giải trình trách nhiệm và trình bày đường hướng xử lý vấn đề ở cấp cao nhất?
Và như thế, trước những tín hiệu, những thông điệp trái ngược, không nhất quán, lòng người vẫn khó thể yên.