Thứ Năm, 22 tháng 7, 2021

NGHĨ TỪ 25.200 TỈ ĐỒNG VÀ NHỮNG CON SỐ KHÁC

Agribank, ngân hàng quốc doanh lớn cuối cùng chưa cổ phần hóa đúng hẹn 2020, vừa chính thức công bố báo cáo tài chính riêng lẻ và hợp nhất năm 2020. Theo đó, lợi nhuận sau thuế năm 2020 của ngân hàng này là 10.382 tỷ đồng, giảm 4,7% so với năm 2019 (trong khi thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự tăng 6%, đạt 112 nghìn tỷ đồng). Tuy nhiên Agribank đã chi tới hơn 4.500 tỷ đồng cho hoạt động quản lý công vụ, trong đó, gần 2.000 tỉ đồng (chính xác là hơn 1.965 tỷ) chi cho các hội nghị, lễ tân, khánh tiết năm qua.

Năm năm trước, tại một hội thảo về Luật về hội do Liên hiệp các Tổ chức khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức, Viện trưởng Viện chính sách, pháp luật và phát triển, tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao cho biết dựa trên một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR, Đại học Kinh tế, Đại học quốc gia Hà Nội) thì tổng ngân sách nhà nước mỗi năm ước chi cho các hội, đoàn thể là 14.000 tỉ đồng. Đặc biệt, theo ông Hoàng Ngọc Giao, nếu tính đủ cả chi phí kinh tế - xã hội, tức gồm cả đất đai, nhà cửa, xe cộ và các tài sản khác thì theo nghiên cứu trên,  tổng chi phí cho toàn bộ hệ thống các hội đoàn mỗi năm dao động từ 45.600-68.100 tỉ đồng.

 

Gần 2.000 tỉ đồng một năm cho việc tổ chức hội nghị, lễ tân ở một ngân hàng quốc doanh; 14.000 tỉ đồng một năm từ ngân sách cho các hội đoàn, trong đó có những hội đoàn mà người dân rất ít khi nghe đến hoạt động của họ, là những con số không hề nhỏ nếu biết rằng, trong đại dịch Covid-19 đang làm điêu đứng nền kinh tế và cuộc sống của toàn bộ người dân, để có 150 triệu liều vaccine cho khoảng 75 triệu dân để đạt miễn dịch cộng đồng, chỉ cần có khoảng 25.200 tỉ đồng. Nguồn tin chính thức cho biết, ngân sách đã chuẩn bị được hơn 14.000 tỉ đồng nhưng vẫn còn thiếu khoảng 11.000 tỉ đồng. Do vậy Quỹ vaccine phòng chống covid-19 được thành lập nhằm huy động sự đóng góp của người dân và doanh nghiệp (hay còn gọi là xã hội hóa) và từ khi ra đời vào ngày 26-5 cho tới 17h ngày 18-6 mới huy động được 5.722 tỉ đồng.

 

Mặc dù đại dịch Covid-19 xảy ra từ đầu năm 2020 nhưng theo tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, trong dự toán ngân sách nhà nước 2021 vẫn không hề có khoản nào dành cho vaccine (trong dự toán có 20.611 tỷ đồng dành cho chi thường xuyên các lĩnh vực y tế, dân số và gia đình nhưng theo luật, không thể lấy ngân sách này để mua hay sản xuất vaccine được). Và phải đến tháng 5-2021 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới ra nghị quyết sử dụng 12.100 tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi năm 2020 đưa qua để mua vaccine phòng dịch.

 

Những con số dẫn ở trên cho thấy nguồn lực ngân sách đã không được dự trù cho những tình huống khẩn cấp về y tế công như đại dịch hay những trường hợp phải cứu nguy khẩn cấp cho doanh nghiệp và người dân bị tác động nặng nề bởi dịch bệnh trong khi lại hào phóng cho những khoản chi mà hiệu quả kinh tế và xã hội không thật rõ ràng, nói thẳng ra là lãng phí, hoang phí. Chi cho lễ tân, lễ hội, tượng đài, cổng chào, băng rôn, khẩu hiệu… ở nhiều cấp khác nhau, chưa ai thống kê đầy đủ nhưng hẳn chiếm phần không nhỏ trong ngân sách. Và quan trọng là chúng đập vào mắt người dân như biểu tượng của sự lãng phí trong khi ta vẫn luôn miệng nói đất nước còn nghèo, ngân sách khó khăn mỗi khi hữu sự.

 

Đại dịch Covid-19 do vậy phải trở thành dịp để xem xét lại một cách thấu đáo, triệt để việc chi tiêu, phân bổ ngân sách và rộng hơn là nguồn lực quốc gia. Cần lấy hiệu quả kinh tế - xã hội, việc nâng cao đời sống người dân làm tiêu chí tối thượng đối với mỗi đồng ngân sách chi ra, mỗi nguồn lực được phân bổ thay vì những thứ hình thức, không hoặc chưa cần thiết. Có như vậy mới có phát triển bền vững, mới không bị bất ngờ khi khủng hoảng hay tai họa ập đến. 

Không có nhận xét nào: