Ngành công nghiệp báo in ở Mỹ đang trải qua những ngày ảm đạm, cũng có thể coi là một cuộc khủng hoảng còn sâu sắc hơn cả khi truyền hình xuất hiện. “Thủ phạm”: internet, báo trên mạng và blog.
Cristal Williams, giám đốc dự án của Hiệp hội chủ bút Mỹ (ASNE) cho biết: số người đọc báo in ở Mỹ đang giảm, thu nhập của các tờ báo Mỹ cũng giảm theo. Trước sức ép của cổ đông đòi phải có lợi nhuận nhiều hơn, nhiều công ty sở hữu các tờ báo đã buộc các tờ báo của họ phải thu hẹp nội dung, cắt giảm bớt phóng viên, như tờ San Francisco Chronicle các đây khoảng một tháng đã thông báo sa thải 25% nhân viên. Hệ quả: hai lĩnh vực khó khăn nhất hiện nay của báo chí Mỹ là đưa tin quốc tế và đào tạo phóng viên trẻ. Nhiều tờ báo đã buộc phải cắt giảm số phóng viên đưa tin từ chiến trường
Cú sốc internet không chỉ làm chấn động giới báo in mà còn tác động tới cả các trường dạy báo chí. “Con gái tôi không đọc báo in nữa, dù tôi là một nhà báo lâu năm. Nó chỉ lướt web, chat và làm đủ thứ với chiếc laptop. Một tờ báo cũng là một doanh nghiệp, nếu không làm ra tiền, báo sẽ chết”, Giáo sư Neil Henry thuộc trường báo chí Đại học
Cũng dẫn thí dụ con gái mình không đọc báo in nữa mà chỉ lướt web và đọc những tin giải trí trên mạng, nhà nghiên cứu về đạo đức truyền thông của Trung tâm nghiên cứu đạo đức ứng dụng thuộc Đại học Santa Clara, San Jose, California – Jerry Ceppos nêu ra năm vấn nạn mà báo chí Mỹ đang phải đối mặt, trong đó có sự sụt giảm số lượng người đọc và quảng cáo; sự phát triển của cái mà ông gọi là những “phương tiện truyền thông không đáng tin cậy” và sự lấn át của giải trí đối với tin tức. Dẫn thí dụ thu nhập từ quảng cáo của Dow Jones trong quý giảm tới 21% so với cùng kỳ và việc tờ San Jose Mercury News đã phải đóng cửa văn phòng ở Hà Nội để tiết giảm chi phí, ông chỉ ra “thủ phạm” của bức tranh đen tối nói trên: báo chí trên mạng.
Ngành công nghiệp báo chí Mỹ đang làm gì để đối phó với cú sốc internet? Trước hết là phải chia sẻ nguồn lực để song song với báo in là làm báo trên mạng. Nhưng không phải báo mạng nào cũng có thể mang lại thu nhập từ việc bán nội dung và bán quảng cáo như báo in. Ngoại trừ WSJ Online và NYT với phần Times Select bán được, rất nhiều báo mạng khác vẫn đang được cho đọc miễn phí. Ngay cả WSJ Online cũng đang đứng trước áp lực của dư luận đòi phải cho đọc miễn phí phần breaking news (tin mới nhất). Washington Post thì từ một tờ báo có số phát hành trên 1 triệu bản, nay đã sụt xuống dưới mức 1 triệu, và để cố gắng giữ người đọc đã mở rộng hoạt động với những trung tâm giáo dục sinh viên. NYT thì đa dạng hóa nội dung để thu hút quảng cáo với sự tập trung cao vào mảng du lịch, thời trang, doanh nghiệp nhỏ, văn hóa nghệ thuật trong đó đặc biệt mục đọc sách rất được người đọc chú ý. Nhiều tờ báo làm cả chương trình truyền hình và phát thanh rồi đưa các clip lên báo online để “câu” độc giả. Có tờ báo như Oakland Tribune ở California thì chủ trương phát triển thành một chùm báo bằng cách mua lại hoặc cho ra đời thêm những tờ báo mới, nhỏ tập hợp quanh một tờ báo chính, vừa đáp ứng sát sườn nhu cầu của người đọc từng địa phương lại vừa có thể chia sẻ tin tức, bài vở giữa các tờ báo trong cùng nhóm, qua đó
tiết giảm được chi phí.
Dù sao, không khí bi quan vẫn đang bao trùm ngành báo in truyền thống ở Mỹ. Nói như Jerry Ceppos ở Đại học Santa Clara khi được hỏi ông có hình dung lối ra nào cho báo chí truyền thống: “Chúng ta đang ở giữa dòng và còn phải tiếp tục quan sát, tiếp tục theo dõi”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét