Thứ Ba, 17 tháng 6, 2008

“ĐỔI MỚI TỪ BÊN TRONG”

Nền kinh tế nước ta đang phải đối mặt với những khó khăn lớn mà biểu hiện là lạm phát cao; thâm hụt ngân sách và thâm hụt thương mại lớn; thị trường chứng khoán tuột dốc và thị trường địa ốc đóng băng; thị trường tài chính, thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng có nhiều biến động …

Nguyên nhân khách quan và chủ quan, nguyên nhân trực tiếp và sâu xa đã được nêu ra, phân tích. Trong đó, đáng chú ý là những nguyên nhân chủ quan, sâu xa mà kết luận của Bộ Chính trị ngày 5-4 đã chỉ ra như : Những yếu kém vốn có của nền kinh tế đã dồn tích từ nhiều năm nhưng chậm được xử lý, khắc phục. Cơ cấu kinh tế chậm cải thiện.Tình trạng đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước vẫn còn dàn trải, không đảm bảo tiến độ, còn nhiều thất thoát, hiệu quả thấp... chậm được khắc phục. Tỉ lệ chi đầu tư từ khu vực nhà nước (ngân sách nhà nước, tín dụng nhà nước, doanh nghiệp nhà nước) lớn, nhưng hiệu quả thấp. Chủ trương thí điểm thành lập tập đoàn đa ngành chưa được nhận thức thống nhất để thực hiện tốt. Một số tập đoàn đã đầu tư rộng sang nhiều ngành, nghề, lĩnh vực không thuộc chuyên ngành, thế mạnh của mình, nhất là vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản, chứng khoán... Những hoạt động đầu tư này đã gây khó khăn cho quản lý nhà nước đối với hoạt động của các tập đoàn, khó khăn cho ngân hàng nhà nước trong quản lý lưu thông tiền tệ…

Những nguyên nhân sâu xa ấy đòi hỏi, bên cạnh những biện pháp chống lạm phát trước mắt, phải tiến hành những cải cách về cơ cấu nếu muốn sớm thoát ra khỏi tình hình hiện nay. Nói cách khác, như TBKTSG từng nhiều lần đề cập, đây là dịp để tiến hành những cải cách từ bên trong cơ cấu kinh tế (đặc biệt là tình trạng nguồn lực quốc gia tập trung trong tay một số đối tượng sử dụng kém hiệu quả) và cả bộ máy, cơ chế quản lý nhà nước gắn liền với cơ cấu ấy.

Cách nay hơn một năm, vào tháng 2-2007, ngay sau khi Việt Nam trở thành thành viên WTO, giữa không khí lạc quan bốn bề lúc ấy, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người từng chủ trương thành lập các tập đoàn kinh tế kiểu chaebol của Hàn Quốc nhưng cũng chính ông sau này, nhìn thẳng vào thực tế, đã cảnh báo: “Cần thận trọng với việc thành lập các tập đoàn kinh tế” (TBKTSG 26-7-2007), trong một bài trả lời phỏng vấn của Tạp chí Cộng sản từng nói: “…trở thành thành viên WTO không có nghĩa là chúng ta đã ở đích đến cuối cùng mà thực chất chỉ là bắt đầu một hành trình mới. Hành trình, với nhiều cơ hội và không ít thách thức. Đó là những thách thức từ bên trong và của chính mình. Những điều kiện từ bên ngoài là rất quan trọng, nhưng thực tế hơn 20 năm qua cho thấy, chính sự đổi mới từ bên trong mới là yếu tố quyết định để gặt hái những thành công…. Chúng ta không thể nào thắng trong cuộc cạnh tranh toàn cầu khi mà ngay từ sân nhà các doanh nghiệp của chúng ta tiếp tục phải chi phí cho sự cồng kềnh, kém hiệu quả của bộ máy nhà nước và tiếp tục bị hạch sách bởi tham nhũng.”

Những khó khăn hiện nay phải chăng chính là sự lặp lại lời cảnh báo đó, và giờ là lúc, không thể chậm trễ hơn, thực sự bắt tay vào nhiệm vụ khó khăn “đổi mới từ bên trong” ấy?

Không có nhận xét nào: