Những con số tổn thất, lãng phí trong lĩnh vực chi tiêu công và trong hoạt động của doanh nghiệp nhà nước do Kiểm toán nhà nước công bố hôm 1-7 vừa qua, dù chưa đầy đủ (mới chỉ là kết quả kiểm toán ở một số địa phương, một số bộ ngành, một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước) và dù chẳng còn khiến ai ngạc nhiên, nhưng một lần nữa vẫn làm chúng ta đau. Đau vì năm này qua năm khác ngân sách quốc gia tiếp tục bị phung phí do sự chi tiêu vô tội vạ của không ít tổ chức, cơ quan nhà nước. Đau vì nền kinh tế và người dân tiếp tục phải trả giá cho phần lớn tài nguyên vật lực, tài sản quốc gia do các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nắm giữ mà kinh doanh lỗ lã và những khoản đầu tư tốn kém do các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tiến hành mà hiệu quả mang lại không tương xứng và lại là một trong những nhân tố gây ra nạn lạm phát hiện nay.
Thất thoát ngân sách, lạm chi, chi sai…, Nhà nước không phải không ý thức rõ thực trạng có thể nói là phổ biến này nhưng rõ ràng là cho tới nay vẫn chưa tìm ra phương sách ngăn chặn có hiệu quả, mặc bao nhiêu chỉ thị, nghị quyết, bao nhiêu cuộc vận động. Phải chăng cần tìm đúng nguyên nhân và phương thuốc chữa trị ở chính cơ chế hoạt động của bộ máy?
Với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, vấn đề dường như lại là sự ưu ái quá đáng, sự nương tay quá đáng, là sự tin tưởng chưa được thực tế chứng minh, là sự lưu luyến cái khả năng, cái “sức mạnh can thiệp thị trường” của những “quả đấm” này. Thực tế, như nhiếu chuyên gia kinh tế và tổ chức tư vấn đã chứng minh, các tập đoàn và tổng công ty nhà nước chẳng những không đóng được vai trò đầu đàn lôi kéo các doanh nghiệp khác thâm nhập thị trường thế giới khi cơ hội mở ra với việc Việt Nam gia nhập WTO mà ngược lại còn quay ra cạnh tranh với doanh nghiệp nội địa khác ngay trên sân nhà trong những lĩnh vực vốn không phải thế mạnh của họ; không chứng tỏ được sức mạnh can thiệp thị trường của mình, ngược lại còn tước đi của những doanh nghiệp khác cơ hội phát triển khi được ưu ái ban phát hầu hết tài nguyên, nguồn vốn của nền kinh tế. Chiếm nhiều tài nguyên, nhiều nguồn lực, đầu tư nhiều mà hiệu quả không tương xứng, khó khăn cho nền kinh tế mà các đơn vị này mang lại như chúng ta đang phải chứng kiến, là tất nhiên.
Như vậy, với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, phương thuốc phải chăng là trước hết dứt khoát với sự vương vấn về “sức mạnh can thiệp thị trường” của chúng, sau đó là buộc chúng hoạt động theo cơ chế thị trường, phải trả chi phí thị trường cho những khoản đầu tư của mình, không ưu ái, không bảo lãnh, buộc chúng phải cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Đó là một liều thuốc đắng đối với những hy vọng ấp ủ lâu nay, nhưng tình hình hiện nay đã cho thấy đó là liều thuốc cần uống để chữa trị những khuyết tật mang tính cơ cấu của nền kinh tế, để thoát khỏi cái bẫy một nền kinh tế kém hiệu quả, để phát triển bền vững và cũng chính là để các tập đoàn, tông công ty nhà nước thực sự mạnh lên qua thử thách trong cạnh tranh bình đẳng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét