Đôi khi, trong đời, ta phải bám víu vào cái gì đó để tin, để sống. Đôi khi ta vẫn thường lặp đi lặp lại trong trí câu hát ấy của Vũ Thành An để tự nhủ mình rằng đời dù sao vẫn còn nhiều người tốt, đời vẫn còn rất nhiều điểm sáng.
Ta đâu hay, ở một nơi nào đó một bà bí thư thứ nhất đại sứ quán lại bị quay phim đang tham gia buôn lậu sừng tê giác, sau khi một tuỳ viên và một tham tán thương mại cũng ở sứ quán ấy đã bị cáo buộc có liên quan đế đường dây buôn lậu này. Là cán bộ ngoại giao, hơn bất cứ người dân thường nào, họ biết cần phải bảo vệ danh dự quốc gia, nếu không làm gì được để tăng uy tín đất nước thì cũng đừng làm gì để hình ảnh đất nước bị hoen ố; biết đất nước mình đã ký công ước quốc tế CITES về bảo vệ động vật hoang dã; biết sức mạnh của phong trào bảo vệ môi trường ở các quốc gia phát triển, vậy mà vì tiền họ vẫn không do dự làm nhục quốc thể.
Ta đâu hay, một phó giám đốc sở bị cáo buộc nhận hối lộ hàng triệu đô la để tạo điều kiện cho một công ty nước ngoài trúng thầu môt loạt hợp đồng tư vấn trong các dự án vay vốn ODA. Nếu không bị lộ, hẳn là con đường hoạn lộ của ông vẫn thênh thang trong khi túi riêng vẫn nặng mà lại vẫn có thể đường hoàng rao giảng cho cấp dưới về đạo đức, về chống tham nhũng.
Mà cả hai trường hợp kể trên lại đều không phải do các cơ quan chống tham nhũng, buôn lậu trong nhà phát hiện mà do người ngoài phát hiện “giùm”!
Còn điều này thì ta hay nhưng đành bó tay: Mỗi ngày hàng triệu người dân thành phố này phải đổ ra đường để đến sở làm trong trạng thái mệt nhoài vì phải chen lấn do những lô cốt choán gần hết mặt đường ở hàng loạt con đường, từ tháng này qua tháng khác; chiều lại, lại tiếp tục chen lấn nhau trong khói bụi hoặc dưới mưa qua những đoạn đường khổ ải để về đến nhà trong trạng thái bơ phờ và căng thẳng. Báo chí có nói, dư luận có kêu thì cũng chỉ như nước đổ lá môn, dường như chẳng ai nghe thấy hoặc có nghe cũng thây kệ. Trong khi đó, một ông lãnh đạo một thành phố lớn khác để vài chục người dân phải thiệt mạng vì lụt lội, lại đổ cho dân “ỷ lại” (dù sau đó ông đã được tạo điều kiện để xin lỗi, trong khi có người lỡ lời còn không có được cái đặc ân này).
Sự kiên nhẫn, sức chịu đựng và lòng tin của những con người phải một mình vật lộn với thiên tai cũng như của những con người ngày ngày bị hành hạ trên những con đường khổ ải như vậy hẳn phải bị bào mòn đi rất nhiều.
Còn trong xã hội, bao cảnh anh em chém nhau vì đất, hay nói như một nhà báo kiêm nhà văn rằng “đất lên, tình người xuống”; cháu giết bà, con đánh mẹ vì tiền; nhà giáo “chống tiêu cực” thì bị nhân viên cùng trường đang đêm tới nhà chửi bới, hành hung. Đến người trồng trọt một nắng hai sương vốn xưa nay chất phác là thế, nay cũng dám trồng thứ rau mà mình thì không dám ăn, trồng chỉ để bán cho người khác ăn…
Đôi khi ta phải tự hỏi mình có bi quan quá không? Cái nhìn có đen tối quá không? Nhưng những điều liệt kê, còn xa mới đầy đủ, ở trên đều có thực cả đấy chứ? Mà nào phải những sự thực xa xăm, lâu lắc gì! Chúng xuất hiện từ khá lâu rồi và vẫn còn lặp đi lặp lại, dưới hình thức này hay hình thức khác.
Nhưng ta lại tự bảo mình: Hãy nhìn xung quanh mình xem, vẫn còn khối người tốt đấy chứ. Bạn bè mình, đồng nghiệp mình: anh A, anh B, cô C... vẫn tốt đấy chứ; thầy cô cũ của mình vẫn là những con người đáng kính; cả sếp của mình, ông D, bà H... cũng là những người tốt đấy chứ! Và cả những người không quen biết, chỉ gặp thoáng qua, có biết bao nhiêu người tử tế, cho mình cảm giác tin cậy! Phải, có không ít những con người như vậy xung quanh ta, và đó cũng là sự thực, nhưng sao điều đó vẫn không đủ sức xua tan cái cảm giác âu lo, bực bội, thiếu tin tưởng trong xã hội mà chỉ ai cố tình bịt mắt mới không nhìn thấy.
Vậy làm gì bây giờ? “Hãy cố yêu người mà sống” - ta vẫn thường mượn câu hát trên trong “Bài không tên số 5” của Vũ Thành An để tự nhủ đi nhủ lại với mình, như một sự bấu víu, rằng đời vẫn còn nhiều người tốt, còn nhiều điểm sáng. “Hãy cố yêu người mà sống” dù đời có qua lâu hay qua mau, bởi không yêu người, yêu đời nữa thì còn có lý do gì để sống? Biết thế, nhưng rồi mình lại phải tự “phản biện” với chính mình: Cố yêu người thì được rồi, dù người không phải lúc cũng dễ yêu, như khi ta bị một kẻ chạy xe ấu đâm ta té nhào rồi lại còn phải nghe một câu chửi thề ném lại phía sau: “Đồ mắc dịch!”, hay như khi ta cảm thấy bị phản bội.
Yêu người thì được, nhưng còn những gì đã đưa đẩy con người vào chỗ “khó yêu” đến thế - không chỉ là chuyện nhỏ nhặt đâm xe rồi buông một câu chửi rủa - liệu có yêu nổi không, có tiếp tục yêu được không?
2 nhận xét:
"Hãy cố yêu người mà sống", có lẽ không cần phải gượng gạo như vậy anh ơi. Nên giản dị như Phùng Quán : "Yêu ai cứ bảo là yêu/Ghét ai cứ bảo là ghét...". Nhưng để sống được thì nhất định phải tin. Nếu anh gặp 100 người, cả 100 người đều xấu, thì cũng phải tin rằng người thứ 101 anh sẽ gặp là một người tốt.
Nếu đọc kỹ bài "Lời mẹ dặn" của Phùng Quán và đặt nó trong bối cảnh ra đời của nó, sẽ thấy tác giả mượn lời mẹ dặn chủ yếu là để tuyên ngôn thái độ của mình đối với cường quyền chứ không phải là với nhân quần, với đông đảo những con người bình thường mà nhà thơ là một người giữa họ. Với cường quyền, thái độ dứt khoát như của PQ là tất nhiên. Nhưng với đông đảo những con người bình thường, sao việc cố yêu họ dù họ có thể có cái chưa tốt (do môi trường xã hội, do "cơ chế")lại là "gượng gạo"? Ghét cái xấu, cái ác, nhưng không thể ghét bỏ con người. Vả lại, không thể tách bạch người này là tốt 100% (trừ phi là thánh nhân), người kia là xấu 100%, người này là "trắng" 100%, người kia là "đen" 100% .Trong mỗi con người, thiên thần và ác quỷ, cái thiện và cái ác luôn tồn tại và đấu tranh với nhau. Và gặp môi trường xã hội tốt thì cái tốt nảy nở, gặp môi trường xã hội xấu thì cái xấu lấn lướt. Cho nên theo tôi, với những con người bình thường, dù có mặt này mặt khác khiến ta "khó yêu" thì cũng phải cố mà yêu lấy họ để cứu lấy con người. Bằng cách phải triệt tiêu nguyên nhân gây ra cái xấu, cái ác,làm thay đổi môi trường đẩy đưa con người đến tội lỗi, đến chỗ làm ác.
Những "nam thanh nữ tú" Hà Nội vừa cướp phá phố hoa thật đáng ghét, đúng vậy, nhưng không thể ghét bỏ họ. Hãy nghĩ, điều gì đã đưa đẩy họ đến hành vi đáng ghét đó. Xã hội chúng ta đang đi về đâu và vì sao như vậy?
Đăng nhận xét