Mục “Ý kiến” trên TBKTSG chỉ khoảng 650 chữ, dài hơn thì không lọt vô khung, ngắn hơn thì thừa diện tích, trình bày không đẹp. Chỉ 650 chữ hàng tuần, nhưng sao mà khó!
Cái khó đầu tiên là đề tài. Viết cái gì tuần này cho mục “Ý kiến” lắm khi là một cơn ác mộng nho nhỏ đối với ba, bốn cây “bỉnh bút” trong toà soạn (mục này ký tên chung là Thời báo Kinh tế Sài Gòn nhưng do ba, bốn người luân phiên viết). Viết cái gì để đáp ứng đúng điều mà độc giả đang trông đợi được đọc tuần này (chứ không phải điều gì khác, cũng không phải tuần nào khác, lúc nào khác)? Nói cách khác, vấn đề đặt ra phải “rơi” đúng thời điểm. Và tìm cho ra vấn đề không phải là dễ. Nó đòi hỏi người viết và cả toà soạn phải bắt mạch được tâm lý, nhu cầu, sự mong đợi hay bức xúc của người đọc ở từng thời điểm cụ thể. “Nhạy” hay không là ở chỗ đó. “Ăn” hay không là ở chỗ đó. Người đọc, hay xã hội nói chung, đang băn khoăn, mong đợi một tiếng nói góp phần lý giải một hiện tượng nào đó, thúc đẩy giải quyết một vấn đề nào đó mà bài báo lại đi nói chuyện đâu đâu thì đó là cách làm cho người đọc sớm xa rời tờ báo.
Có đề tài rồi, viết như thế nào là cái khó thứ hai. Chính ở chỗ này thể hiện quan điểm, chính kiến đúng đắn hay sai lạc, sâu sắc hay hời hợt của một tờ báo trước những vấn đề đang đặt ra, trước những câu hỏi chưa có lời giải đáp, những ý kiến còn trái chiều, những luồng suy nghĩ còn phân vân. Cũng chính vì thế mà mục xã luận hay ý kiến của các tờ báo thường được nhiều người tìm đọc tuy không phải là loại bài hấp dẫn nhất, và nó cũng góp phần tạo nên uy tín của một tờ báo. Cái khó ở đây là trước một sự kiện, một hiện tượng hay vấn đề đặt ra, phải nắm được bản chất sâu xa của nó để có thể đề xuất với người đọc một cách nhìn, cách lý giải hợp lý, hợp quy luật khách quan, góp phần thúc đẩy sự việc chuyển biến, xã hội phát triển. Điều này càng khó khi nền kinh tế, và xã hội nói chung, đang chuyển đổi từ hình thái này sang hình thái khác, từ cơ chế vận hành này sang cơ chế vận hành khác, từ bao cấp, phi thị trường sang thị trường, từ thị trường hoang dã sang thị trường văn minh hơn.
Cái khó tiếp theo là cách thể hiện. Có quan điểm đúng rồi, còn phải lập luận sao cho thuyết phục. Lôgich, chặt chẽ, cô đọng, ngắn gọn nhưng đầy đủ, đó là những yêu cầu của mục xã luận hay ý kiến. Ở đây đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối của thông tin, sự chuẩn xác của ngôn ngữ, của từng từ “đặt xuống”. Chính vì vậy mà để viết ra 650 chữ có khi phải suy nghĩ lao lung, phải kiểm tra lại từng nguồn tin, nguồn tư liệu liên quan đến đề tài, đảm bảo tuyệt đối không để xảy ra sai sót. Về hành văn, ở đây không có chỗ cho sự dông dài, sự màu mè. Những chi tiết đắt giá, thường rất cần ở những thể loại khác, ở đây lại chỉ được sử dụng hết sức chọn lọc, khi nó góp phần gia tăng sức nặng của lập luận. Nhiều phóng viên có sở trường viết những thể loại khác như phóng sự, tường thuật, kể cả phân tích, bình luận dài, khi được đề nghị tham gia viết mục “Ý kiến” cũng không khỏi cảm thấy khó khăn, lúng túng.
Nhiều độc giả phản hồi cho biết họ thích mục “Ý kiến” trên TBKTSG. Phải nói rằng, dù hết sức cố gắng, toà soạn biết không phải lúc nào mình cũng đáp ứng được mong đợi của bạn đọc. Có nhiều đề tài chưa được đề cập, vì lý do này hoặc lý do khác. Có nhiều ý kiến “chưa tới”, chưa thật thấu đáo, sâu sắc, thuyết phục. Có nhiều ý tưởng, vì nhiều lý do, chưa được triển khai đến cùng. Có điều, toà soạn vẫn luôn tâm niệm: 650 chữ hàng tuần của mục “Ý kiến” phải luôn nhắm đúng điều mà bạn đọc mong đợi và phải góp phần thúc đẩy cuộc sống, thúc đẩy hiện thực tốt hơn lên.
Bài này viết về cái khó của 650 chữ, nhưng đã dài hơn 800 chữ. Vì vậy, xin phép độc giả được khép lại tại đây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét