Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2009

ĐỪNG ĐỂ ĐẮC TỘI VỚI MAI SAU


Hai cơn bão số 9 và 11 năm 2009 sẽ phải được ghi nhận trong lịch sử thời tiết nước ta như là những cơn bão kèm theo lũ dữ gây thiệt hại nặng nề về người và của. Hiện tượng mới chưa từng thấy là lũ đến ngay, cấp tập cùng với bão, và thiệt hại do lũ gây ra thậm chí còn nặng nề hơn thiệt hại do bão. Riêng thiệt hại về sinh mạng, mỗi cơn bão lũ đã cướp đi hơn 100 người, cả chết và mất tích, dù trước khi đổ bộ vào nước ta bão đã di chuyển qua Biển Đông hết mấy ngày.
Lũ đến nhanh, cấp tập không chỉ do mưa từ đầu nguồn đổ xuống nhanh vì rừng bị đốn hạ nhiều mà còn vì các hồ thuỷ điện, thay vì tích nước, lại xả lũ đúng vào lúc lũ bên ngoài dâng cao. Ở Quảng Nam, trong cơn bão số 9, là hồ thuỷ điện A Vương; ở Phú Yên, trong cơn bão số 11, là hồ thuỷ điện sông Ba Hạ. Nếu ở Quảng Nam lũ chủ yếu nhấn chìm những vùng quê thì ở Phú Yên lũ nhấn chìm ngay chính thành phố thủ phủ Tuy Hoà. Phải nói thiệt hại này do thiên nhiên gây ra chỉ một phần, phần còn lại là do chính con người, do chính chúng ta gây ra.
Sau cơn bão số 9 và lũ đi kèm, dư luận và các nhà khoa học còn chưa hết báo động về nguy cơ từ hệ thống thuỷ điện dày đặc trên các con sông ở miền Trung và Tây nguyên thì cơn bão số 11 và lũ đi kèm lại ập đến. Và cả hai lần, người ta chỉ được nghe những lời giải thích, phân trần từ những đơn vị xây dựng và khai thác thuỷ điện. Nhưng nước cũng là một loại tài nguyên, giống như các loại tài nguyên khác như than, khoáng sản… và nó phải được quy hoạch và quản lý nhằm sử dụng, khai thác một cách hợp lý và hiệu quả nhất trong mối quan hệ với các lĩnh vực khác như sản xuất nông nghiệp, dân sinh và sự bền vững về môi trường. Ở đây ta thấy ngành điện chỉ biết đến ngành điện, do đó mà thả sức phát triển thuỷ điện mặc cho tác hại gây ra cho sự cân bằng sinh thái, cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Cũng không thể đổ lỗi cho sự phân cấp, vì phân cấp không đồng nghĩa với chia cắt, mặc cấp nào biết cấp đó, mà phân cấp bao giờ cũng được đặt trong một hệ thống thống nhất và khi sự cố xảy ra ở một cấp tác động tới cả hệ thống thì tổ chức, cá nhân đứng đầu hệ thống phải có ngay giải pháp cho cả hệ thống. Vả chăng, một con sông, dù chảy qua nhiều địa phương, làm gì có chịu phân cấp? Nước sông dù chảy qua đâu cũng chỉ một. Cho nên quy hoạch và sử dụng các dòng sông phải đặt trong một hệ thống thống nhất và trong mối quan hệ với các lĩnh vực khác như đã nói ở trên.
Thuỷ điện không thể chỉ biết đến thuỷ điện. Khai thác than không thể chỉ biết moi than lên bán. Than, khoáng sản hay nước, rừng đều là những tài nguyên có hạn và việc khai thác, sử dụng một cách hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm đòi hỏi một sự quy hoạch, quản lý thống nhất, dù thực tế hiện nay mỗi loại tài nguyên lại do một bộ chuyên ngành quản lý và chịu trách nhiệm tổ chức khai thác mà thiếu sự phối hợp chung, khiến khi tai hoạ xảy ra không biết ai là người chịu trách nhiệm cuối cùng. Theo chúng tôi, chịu trách nhiệm cuối cùng về việc quy hoạch, khai thác, sử dụng tài nguyên cũng như về sự phối hợp giữa các ngành, không ai khác hơn là bộ Tài nguyên và Môi trường.
Thiên nhiên, cũng như con người, có giới hạn chịu đựng của nó. Khai thác bừa bãi thì thiên nhiên cạn kiệt hoặc quay trở lại trả đũa con người, không chỉ trong hiện tại như ta đã thấy. Vì vậy, để không di hại cho đời sau, để không đắc tội với mai sau, cần có một cơ quan chịu trách nhiệm cuối cùng về việc quy hoạch, khai thác, sử dụng một cách hợp lý, bền vững các loại tài nguyên, trong đó có nước.

Không có nhận xét nào: