Thứ Hai, 4 tháng 10, 2010

Đất và lòng dân


Thảo luận báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2010 tại cuộc họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hôm 27.9, chủ nhiệm Ủy ban Tài chính -  Ngân sách Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu một băn khoăn có lẽ không chỉ của riêng ông trong bối cảnh hiện nay: những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước khá cao, năm 2010 khoảng 6,7% (theo giá cố định), thu nhập đầu người cũng tăng, vậy thì nguyên nhân nào khiến người dân “toan lo nghèo khó, côi cút làm ăn” lại phải kéo nhau lên huyện, lên tỉnh, thậm chí lên Trung ương để khiếu kiện?
Nói ngắn gọn, kinh tế tăng trưởng, sao lòng dân chưa yên?
Bởi, theo báo cáo của Chính phủ, tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2010 vẫn tiếp tục tăng so với năm 2009. Theo đó, các bộ, ngành và địa phương đã tiếp nhận và xử lý 157.797 đơn khiếu nại, tố cáo (tăng 29,8%) về 112.063 vụ việc (tăng 17%). Số lượt công dân đến các cơ quan Nhà nước khiếu nại, tố cáo gia tăng với 379.989 lượt người (tăng 23,7%), khiếu kiện đông người cũng tăng 43,11% - báo cáo nêu rõ.

Như nhiều năm trước đây, nội dung khiếu nại chủ yếu vẫn tập trung vào lĩnh vực đất đai (69,9%). Còn tố cáo chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, vi phạm pháp luật, mà đứng hàng đầu vẫn là về quản lý đất đai.

Ông Hiển nêu tiếp câu hỏi: chi cho quản lý hành chính tăng, biên chế cũng có xu thế tăng lên, lương cũng tăng… tại sao không đi đôi với tăng hiệu quả giải quyết công việc và giải quyết khiếu nại, tố cáo? Nguyên nhân thuộc về cơ chế hay tốc độ tăng trưởng kinh tế quá nóng, phát triển kinh tế chưa đi đôi với giải quyết vấn đề xã hội?
Cũng theo ông Hiển, nếu chỉ đổ tại cơ chế mà không quan tâm đến con người thì rất khó có thể cải thiện được tình hình. Nhiều cán bộ xã làm sai không biết là sai vì mới chỉ học hết trung học, cán bộ huyện cũng yếu nên đơn thư khiếu nại, tố cáo cứ tích tụ lại và dồn lên cấp cao hơn. Nhiều ý kiến thảo luận cho rằng, tình hình khiếu nại, tố cáo không giảm và vẫn diễn biến phức tạp phản ánh tình trạng kém hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước; năng lực, trình độ cũng như phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức.
Đúng là cơ chế, con người, năng lực, trình độ, phẩm chất cán bộ công chức… tất cả đều có phần của nó trong nguyên nhân làm cho khiếu nại, tố cáo ngày càng tăng. Nhưng mấu chốt có lẽ không phải ở đó, bởi những nguyên nhân kể trên ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý nhà nước ở tất cả các lĩnh vực chứ không riêng lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo. Mấu chốt vấn đề là ở tỉ lệ gần 70% nội dung đơn thư khiếu nại là về đất đai: thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Đất, hay chính xác hơn, những quy định luật pháp về đất đai chính là cái nút cần phải gỡ, nếu muốn giải quyết tình trạng khiếu kiện kéo dài và ngày càng tăng.
Dù, theo Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng, “đừng nghĩ rằng sửa được chính sách trong luật Đất đai thì khiếu nại tố cáo giảm đi, bởi như nghị định 69 năm 2009, tăng mức đền bù gấp 1,5 đến 5 lần, người bị thu hồi sau được lợi hơn những người trước, khiếu nại, tố cáo về đất đai sẽ tiếp tục gia tăng”, thì có lẽ không ai không đồng tình rằng những quy định trong luật Đất đai năm 2003 và nghị định 69 như: “Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi được bồi thường bằng đất có cùng mục đích sử dụng; nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền tính theo giá đất cùng mục đích sử dụng” (giá do chính quyền áp đặt) chính là nguồn gốc của hầu hết khiếu kiện của nông dân.
Với quy định này, mặc dù là đồng sở hữu chủ đất đai trên danh nghĩa (đất đai thuộc sở hữu toàn dân) nhưng khi bị buộc phải giao đất cho người khác, đồng sở hữu chủ là nông dân lại không có quyền thương lượng về giá đối với mảnh đất mà mình “sở hữu”. Nếu được quyền thương lượng, hẳn nông dân sẽ không bán mảnh đất của mình “theo giá đất cùng mục đích sử dụng” (đất nông nghiệp) mà theo giá kỳ vọng có dự án tương lai, và chủ đầu tư dự án, nắm chắc là có lời mới xin đầu tư, cũng sẽ phải mua theo giá kỳ vọng đó. Nhưng điều đó đã không xảy ra khi Nhà nước, lấy tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân, buộc nông dân giao lại đất với giá do Nhà nước áp đặt để rồi, cùng mảnh đất đó, khi qua tay chủ dự án và được chuyển đổi mục đích sử dụng, có thể lập tức được bán lại với giá gấp hàng trăm lần. Lợi ích từ đất đai “sở hữu toàn dân” thay vì được chia đều lại chỉ chảy chủ yếu vào túi nhà đầu tư và những cán bộ được nhà đầu tư lại quả. Đó là một nghịch lý và là nguồn gốc của bất công, của khiếu kiện kéo dài khiến lòng dân chưa yên, dù kinh tế nhìn chung có tăng trưởng – một sự tăng trưởng mà lợi ích chưa được chia đều.  
Riêng trong vấn đề này, phải đồng ý với ông chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn khi ông nhấn mạnh: Phải sửa luật Đất đai càng nhanh càng tốt, chừng nào không sửa luật Đất đai thì không thể thay đổi thực trạng (khiếu kiện của dân). Ông Đàn cũng đề nghị xem lại nghị định 69 liên quan đến quy định về đền bù giải phóng mặt bằng. Xa hơn và căn bản hơn, để tránh sự lợi dụng khái niệm “sở hữu toàn dân” trong việc quy hoạch sử dụng, thu hồi, đền bù giải toả đất đai của các cấp chính quyền, cần xác lập lại một cách đúng đắn hơn, phù hợp với thực tế hơn các hình thức sở hữu đối với đất đai như nhiều nhà nghiên cứu đã đề xuất, bao gồm sở hữu công (sở hữu quốc gia, sở hữu của chính quyền trung ương và địa phương), sở hữu tư nhân, sở hữu tập thể hay cộng đồng.

Không có nhận xét nào: