Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2012

Nghĩ từ những đám cưới “khủng”

Họ có tiền thì họ xài, xài ra sao là quyền của họ. Những người khác, ngược lại,  nhiều lúc thấy chối mắt khi nhìn xung quanh thấy còn biết bao cảnh đời chật vật, cơm chưa đủ ăn, áo chưa đủ ấm, chạy ăn từng bữa. Đó cũng là quyền của số đông chưa được chia sẻ miếng bánh mà tự do hóa kinh tế mang lại. Nhưng biết sao được, muốn người mới giàu có xài tiền mà không vô tình làm đau những người còn thiếu thốn trăm bề, có khi phải đợi họ đi qua cơn say xài cho thật thỏa thích đồng tiền mà họ phải vất vả (hoặc không vất vả) mới kiếm được, cũng không loại trừ cơn say khoe của mới làm ra mà trước đây chưa lâu hẳn không ai dám khoe. Đợi một đời, có khi vài ba đời – cho đến khi họ giật mình nhìn lại, suy nghĩ về nguồn gốc đồng tiền của họ, và nếu không có gì phải áy náy lương tâm, lúc ấy họ sẽ nghĩ về cách xài sao cho hữu ích hơn, nếu không muốn nói là sao cho có “văn hóa” hơn, trước hết là cho chính bản thân họ, con cái họ, sau nữa là cho xã hội. Văn hóa không thể đến trong ngày một ngày hai, nó là chuyện tích lũy một đời, vài đời. Tích lũy tài sản đã khó, tích lũy văn hóa còn đòi hỏi thời gian nhiều hơn. Vậy nên người viết ở đây không muốn nhìn những đám cưới “khủng” được nói đến nhiều trong thời gian qua dưới góc nhìn “văn hóa”. Thế nhưng, nhìn dưới góc độ quản lý xã hội, quản trị quốc gia, rõ ràng ở đây đang có vấn đề. Vấn đề không phải ở bản thân các đám cưới “khủng” chi phí hàng chục tỉ đồng, mà vấn đề đằng sau các đám cưới ấy. Chúng tôi muốn nói đến sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội đang ngày một gia tăng, ngày một lồ lộ, và vai trò của những nhà hoạch định chính sách trước sự phân hóa ấy.
Nguyên đại biểu Quốc hội, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trân trong bài viết “Bàn thêm về khoảng cách giàu nghèo ở Việt Nam” (Vietnamnet 24.5.2010) cho biết: “Theo số liệu thống kê, hệ số chênh lệch thu nhập bình quân đầu người của nhóm 20% cao nhất so với nhóm 20% thấp nhất trong cả nước năm 1990 là 4,1 lần, năm 1991 là 4,2 lần, năm 1993 là 6,2 lần, năm 1994 là 6,5 lần, năm 1995 là 7,0 lần, năm 1996 là 7,3 lần, năm 1999 là 7,6 lần, năm 2002 là 8,1 lần và năm 2004 là 8,4 lần. Trong 14 năm, hệ số chênh lệch tăng lên 2,05 lần. Một chỉ số khác về khoảng cách giàu nghèo trong xã hội là tỷ trọng tổng thu nhập của 40% số hộ có thu nhập thấp nhất (nhóm 1 và nhóm 2) trong tổng thu nhập (của cả 5 nhóm). Theo quy ước mà Bộ Tài chính sử dụng, nếu tỷ trọng này nhỏ hơn hay bằng 12% thì bất bình đẳng  cao; nằm trong khoảng 12 - 17%,  bất bình đẳng vừa; nếu lớn hơn hay bằng 17% là tương đối bình đẳng. Số liệu thống kê cho kết quả: tỷ trọng này của Việt Nam năm 1995 là 21,1%; năm 1996 là 21%; năm 1999 là 18,7%; năm 2002 là 18%, năm 2004 là 17,4%. Trong 9 năm, sự chênh lệch về thu nhập giữa các nhóm hộ từ tương đối bình đẳng đang tiến dần về bất bình đẳng vừa”.
Còn chuyên gia về đói nghèo của Chương trình Phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam, ông Nguyễn Tiên Phong nhận định: “Bất bình đẳng ở Việt Nam đang tăng nhanh, đặc biệt giữa các nhóm giàu nhất và nghèo nhất. Chính sự gia tăng khoảng cách về thu nhập trung bình của hộ gia đình giữa nhóm 20% người giàu nhất và 20% người nghèo nhất (từ 8,34 lần năm 2006 lên 9,24 lần năm 2010) là nguyên nhân gia tăng của hệ số Gini (chỉ số đo sự bất bình đẳng về thu nhập của xã hội) từ 0,42 năm 2004 lên 0,43 năm 2010”. Ông nói tiếp: “So với các nước khác, trong giai đoạn 2005-2008, Việt Nam là nước có khoảng cách thu nhập giữa nhóm 20% người giàu nhất và 20% người nghèo nhất cao thứ nhì châu Á (8,9 lần), chỉ sau Philippines, cao hơn cả Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Hàn Quốc và Campuchia. Đáng lưu ý là hệ số Gini của Việt Nam ngang bằng hoặc cao hơn so với hệ số Gini của nhiều nước có GDP/đầu người cao hơn nhiều so với của Việt Nam. Và trong khi hệ số Gini của một số nước trong khu vực (như Thái Lan và Malaysia) giảm thì của Việt Nam lại tiếp tục tăng (hệ số Gini bằng 1 là mức bất bình đẳng cao nhất)” - (Giàu nghèo do số hay chính sách chưa đủ? - TBKTSG 6.10.2011).
Đó là thực trạng. Thế còn phản ứng chính sách ở những cơ quan quyền lực cao nhất? GSTS Nguyễn Ngọc Trân khi còn là đại biểu Quốc hội từng nhận xét: “Báo cáo bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2009 và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 của Chính phủ, cũng như báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung của Ủy ban Kinh tế tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội đề cập đến vấn đề giảm nghèo nhưng không có một thông tin nào về khoảng cách giàu nghèo trong xã hội”. Tình hình đến nay chắc cũng không có gì thay đổi. Vì sao như vậy? Ông Nguyễn Tiên Phong đưa ra một lý giải: Có thể nhận thấy rằng Nhà nước luôn có hai dòng chính sách: chính và phụ. Dòng chính nhằm phục vụ tăng trưởng theo kinh tế thị trường và dòng thứ hai (các chính sách, chương trình hỗ trợ người nghèo, yếu thế, thu nhập thấp) được áp dụng với mong muốn bù đắp lại sự bất công, thiếu hụt nảy sinh trong quá trình phát triển. Câu hỏi là liệu những chính sách dòng chính có thể làm tốt hơn việc giảm sự bất bình đẳng hay không? Dòng chính sách phụ có đủ để “trám, vá” những “lỗ hổng” mà dòng chính chưa xử lý được (hoặc trong vài trường hợp là gây ra) hay không? Tôi phải nói, nếu cứ làm như hiện nay thì không đủ (…) Cái đáng nói ở đây là Nhà nước/Chính phủ, thông qua luật lệ và chính sách, có tạo ra được cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người trong việc tiếp cận công ăn việc làm và các dịch vụ xã hội hay không?... Tên đúng của những “lý do” bất bình đẳng đó là thất bại chính sách.”
Vấn đề là người dân, xuất phát từ tình cảm đạo đức, có thể mong mỏi, trông đợi lòng hảo tâm, hành động từ thiện của người giàu; nhưng Nhà nước, với tư cách là Nhà nước, người đảm bảo phúc lợi cho tất cả công dân, không thể trông đợi lòng tốt của người giàu mà phải thiết kế được những chính sách hữu hiệu để điều tiết thu nhập của người giàu nhằm san sẻ cho người nghèo, đảm bảo công bằng xã hội; những chính sách khuyến khích đồng tiền của người giàu chảy vào những công trình có ích cho cộng đồng (như tài trợ cho giáo dục, phát triển cộng đồng, làm từ thiện) thay vì đổ vào những chi tiêu phô trương, hợm hĩnh. Nhưng, với nền kinh tế chủ yếu là tiền mặt, với bộ phận kinh tế ngầm không nhỏ, liệu Nhà nước có nắm được thu nhập thật của người giàu để điều tiết? Với sự thực thi pháp luật yếu kém, liệu Nhà nước có ngăn được nhà giàu trốn lậu thuế, chưa nói đánh thuế vào tài sản của họ? Với chính sách thuế không khuyến khích người có thu nhập cao bỏ tiền làm từ thiện, đóng góp cho cộng đồng, bằng cách không tính các khoản đóng góp đó vào thu nhập chịu thuế, liệu Nhà nước có đang khuyến khích người giàu chi xài xả láng?
Nếu tất cả những chính sách, biện pháp trên được thực hiện, có lý do để tin rằng những đám cưới “khủng”, những chi xài phô trương của người giàu, của những đại gia sẽ giảm đi rất nhiều. 

Không có nhận xét nào: