Quanh vụ scandal công ty tư vấn Nhật PCI được cho là đã hối lộ quan chức Việt Nam để giành được hợp đồng tư vấn hai dự án lớn ở TPHCM, có nhiều điều khó hiểu quanh phản ứng của phía Việt Nam . Nói “được cho là” bởi tòa án Nhật cũng như tòa án Việt Nam chưa xử những người liên quan, tuy thật ra viện công tố Nhật đã khởi tố, bắt giam những người liên quan ở PCI và những người này đã thú nhận khá nhiều vi phạm (pháp luật Nhật) cũng như khai ra tên quan chức Việt Nam mà họ nói họ đã đưa hối lộ.
Điều khó hiểu về phía Việt Nam là:
1) Cho tới nay, cơ quan điều tra vẫn chưa vào cuộc mặc dù lãnh đạo Việt Nam vẫn luôn tuyên bố coi chống tham nhũng là một ưu tiên hàng đầu và ban chỉ đạo chống tham nhũng có đủ ban bệ từ cấp trung ương tới tỉnh thành. Điều mà người dân mong đợi là mỗi khi nghe có nguồn tin báo xảy ra tham nhũng ở đâu đó, cơ quan điều tra nhanh chóng vào cuộc, còn kết quả điều tra sau đó cho thấy nghi vấn đúng hay không là chuyện khác, nhưng điều mong đợi đó đã không xảy ra. Trung ương chỉ yêu cầu TPHCM kiểm tra, báo cáo, và kết quả là Sở Kế hoạch Đầu tư và Ban quản lý dự án đại lộ Đông Tây TPHCM – chính cái ban quản lý mà người lãnh đạo của nó bị người của công ty PCI khai là nhận 820.000 USD tiền mặt trao tay để được tạo điều kiện trúng thầu – báo cáo rằng việc tổ chức đấu thầu đã diễn ra theo đúng luật pháp Việt Nam.
2) Rất nhanh chóng, ngay từ khi những thông tin về vụ này mới lộ ra trên báo chí, lãnh đạo TPHCM đã có công văn gửi trung ương đề nghị không cho báo chí nói gì về vụ này. Tại sao lãnh đạo TPHCM phải làm như vậy? Giả sử việc nhận tiền của PCI chỉ liên quan tới một vài cá nhân tầm tầm nào đó, lãnh đạo TP sẽ hoàn toàn có lợi khi để cơ quan pháp luật điều tra tới nơi tới chốn, có mất cũng chỉ mất vài người mà TP lại ghi điểm và được tiếng kiên quyết chống tham nhũng. Nhưng xét mức độ phản ứng nhanh chóng của TP trong việc đề nghị trung ương cấm báo chí nói về vụ việc, có lẽ giả định trên là sai. Một giả định khác là lãnh đạo TPHCM sợ nếu vụ này nổ lớn ra sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thi công đại lộ Đông Tây và hầm Thủ Thiêm mà TP đang rất cần. Nhưng sợ như vậy e rằng là không hiểu về cơ chế làm việc của nước ngoài: với họ, ai sai thì người ấy chịu trách nhiệm, còn công việc thì vẫn cứ phải tiến hành, không phải như ở ta, một trưởng phòng đi vắng là cả phòng tê liệt; mặt khác, dù báo chí Việt Nam không đề cập (vì không được phép), liệu có thể cấm báo chí Nhật, báo chí nước ngoài đề cập, liệu có thể bịt mắt được dân Nhật là những người đóng thuế để chính phủ của họ có tiền cho vay ODA? Thế thì vì sao lãnh đạo TP phải mau chóng đề nghị trung ương bịt miệng báo chí vậy? Một câu hỏi cho tới nay chưa có câu trả lời và có lẽ sẽ chẳng bao giờ có câu trả lời trừ phi mọi chuyện được làm sáng tỏ tới cùng.
3) Tin báo chí đưa nói là ông Hồ Xuân Sơn, thứ trưởng ngoại giao trả lời báo chí về vụ này, nhưng thực ra đọc hết bản tin nào có thấy tờ báo nào đặt câu hỏi nào? Thực chất đó là một bài viết của ông Sơn đưa cho TTXVN đăng nhưng khoác áo một cuộc trả lời báo chí. Chuyện thường tình ở xứ ta. Bản tuyên bố của ông Sơn thể hiện quan điểm của chính phủ Việt Nam về nghi vấn PCI hối lộ quan chức Việt Nam . Ở đây thôi không bàn về các nội dung khác trong tuyên bố của ông Sơn mà chỉ muốn nhấn mạnh một điều khó hiểu: là nhà ngoại giao, ông Sơn chẳng lẽ thiếu hiểu biết về thể chế chính trị và định chế báo chí của các nước phương Tây (về mặt thể chế chịnh trị Nhật cũng không khác các nước phương Tây) đến mức có thể đề nghị đại sứ Nhật tại Việt Nam và chính phủ Nhật yêu cầu báo chí Nhật thôi không đề cập đến vụ này mà đợi đến khi có kết luận cuối cùng rồi hãy đưa tin, kẻo làm tổn hạy quan hệ giữa hai nước (!?). Nhật làm gì có ban tuyên giáo và bộ thông tin “vạch lề phải cho báo chí” để ra lệnh cho báo chí làm chuyện đó. Báo chí là của tư nhân, về nguyên tắc là độc lập và chỉ chịu trách nhiệm trước độc giả (và tất nhiên cả luật pháp). Họ còn phê phán cả thủ tướng nữa là! Chưa nói như ở Mỹ (Bill Clinton) hay Pakistan gần bên ta (Musharaf), tổng thống của họ còn có thể bị quốc hội luận tội như chơi!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét