Việc một số hãng tàu nước ngoài mới đây từ chối vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu qua sông Thị Vải đến cảng Gò Dầu cho doanh nghiệp trong các khu công nghiệp nằm dọc đoạn sông này, vì theo họ, nước sông ô nhiễm nặng khiến vỏ tàu bị ăn mòn, đã cho thấy tác hại nghiêm trọng của nạn ô nhiễm môi trường đối với không chỉ đời sống người dân mà ngay cả đối với sản xuất. Hậu quả của ô nhiễm không còn là câu chuyện ở thì tương lai, với người phải trả giá là con cháu chúng ta theo như cách nói quen thuộc lâu nay, mà đã xảy ra nhãn tiền, ngay trước mắt người đang sống hôm nay. Điều trớ trêu là chính các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp lại trở thành nạn nhân của nạn ô nhiễm do chính mình gây ra. Một câu hỏi đặt ra: với cách thức sản xuất không màng tính đến hệ quả đối với môi trường của khá đông doanh nghiệp hiện nay, liệu những gì sản xuất ra có đủ bù đắp thiệt hại gây ra cho môi trường sống và chi phí để giải quyết hậu quả ô nhiễm ?
Chưa ai tính ra một cách tương đối đầy đủ những con số này. Chưa ai tính ra con số thiệt hại từ các cơn lũ quét, lũ ống xảy ra ngày càng dày do rừng bị triệt hạ; chưa ai tính ra những con số thiệt hại về người và của do sản xuất hóa chất gây ra cho những “làng ung thư”; chưa ai tính ra những thiệt hại mà nông dân nuôi tôm cá bên những con sông, những dòng kênh bị nước thải công nghiệp giết chết, phải hứng chịu; chưa ai tính ra những chi phí chữa bệnh, phục hồi sức khỏe mà người dân nạn nhân của ô nhiễm công nghiệp và ô nhiễm đô thị phải bỏ ra. Ngay như đề xuất cứu sông Thị Vải bằng cách đào một con kênh dài 14-16 kilômét nối từ con sông này qua sông Đồng Nai của Cảng vụ Bà Rịa Vũng Tàu và tỉnh Đồng Nai không biết sẽ tiêu tốn hết bao nhiêu tiền và liệu có giải quyết được căn cơ tình trạng ô nhiễm hay không.
Thiết tưởng đã đến lúc phải tăng cường năng lực cho các cơ quan nghiên cứu về môi trường để cả xã hội cũng như doanh nghiệp có đầy đủ thông tin và ý thức được một cách rõ ràng cái giá phải trả cho việc tăng trưởng mà hy sinh môi trường, cũng như tăng cường năng lực và quyền hạn cho Thanh tra môi trường và Cục Cảnh sát môi trường trong việc xử lý kiên quyết hơn các vi phạm. Bởi, chẳng hạn với sông Thị Vải, từ nhiều năm nay báo chí đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực để báo động về mức độ ô nhiễm của con sông này nhưng mọi việc đâu vẫn hoàn đấy và tình trạng ô nhiễm chỉ ngày càng tồi tệ hơn. Cách đây ba năm, vào tháng 12- 2005, một số hộ dân thuộc huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu nuôi tôm cá bên con sông này, sau một đêm thức dậy, đã trở nên trắng tay vì cá tôm chết trắng do nước sông, thiệt hại cả trăm triệu đồng mỗi hộ. Báo chí đưa tin rồi mọi việc sau đó lại rơi vào im lặng. Không thể tiếp tục duy trì tình trạng doanh nghiệp sản xuất được lợi còn nông dân và những thành phần khác phải gánh chịu hậu quả. Đó là chưa nói, đến một lúc nào đó chính những doanh nghiệp này cũng có thể phải gánh chịu hậu quả do chính mình gây ra, như việc hãng tàu nước ngoài từ chối vận chuyển hàng vào cảng Gò Dầu nói ở trên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét