Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2009

ĐẾN ISRAEL, NGHE SÓNG LỚP PHẾ HƯNG CỦA LỊCH SỬ

Bài này đã được đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 6/8/2009. Nhưng cái chú thích ở cuối bài, do sơ suất của biên tập viên vào giờ chót, có sai một chữ. Đó là tên bài thơ của Bà Huyện Thành Quan, “Chùa Trấn Bắc” đã bị in sai  thành “Chùa Trấn Quốc”.
Tôi cũng sẽ viết thêm một phần tiếp theo: "Từ Israel nghĩ về Việt Nam", do lịch sử hai nước có quá nhiều điểm tương đồng nhưng trình độ phát triển thì quá chênh lệch.

ĐẾN ISRAEL, NGHE SÓNG LỚP PHẾ HƯNG CỦA LỊCH SỬ

Sóng lớp phế hưng coi đã rộn
(Bà Huyện Thanh Quan – Chùa Trấn Bắc)

Có nhiều cách đi du lịch Israel: đi để nhìn, thấy và cảm nhận những điều mới lạ; đi để tìm hiểu những thế mạnh kinh tế-kỹ thuật của đất nước này, chẳng hạn nền nông nghiệp công nghệ cao hay công nghiệp chế tác kim cương của họ; đi như một tín đồ hành hương về Đất thánh. Tôi chọn cách đi như một người muốn hiểu về lịch sử đầy biến động của miền đất này…

Có lẽ không đâu như ở Israel, một mảnh đất nhỏ hẹp, khô cằn ven Địa Trung Hải và ở rìa của bán đảo Ả rập, diện tích chỉ 20.330km2 (bằng khoảng 1/16 diện tích Việt Nam), khách tham quan lại có cảm nhận đậm đặc đến thế - đậm đặc như nước muối Biển Chết mà người ta có thể thả người trên đó, không sợ bị chìm - về lớp lớp thời gian và lịch sử, về sóng lớp phế hưng của những đế quốc, những nền văn minh, những triều đại chen lấn nhau, xô đẩy nhau, giành giật lẫn nhau, chồng chất lên nhau, đến rồi đi mà dấu tích để lại vẫn còn đó đến nay. Trên mảnh đất nhỏ hẹp này, hầu như đi đến đâu, đụng vào đâu ta cũng gặp phải lịch sử, một lịch sử mà ta có cảm giác rất rõ rệt vẫn còn cất tiếng thì thầm, vang vọng từ nhiều ngàn năm trước.

Nói đến những sóng lớp phế hưng của lịch sử, đầu tiên phải kể đến Jerusalem mà cả nhà nước Israel và Palestine hiện đều coi là thủ đô của mình. Có một Jerusalem mới đang được xây dựng và mở rộng ở phía Tây thành cổ. Và một Jerusalem cổ, một bảo tàng sống về những thời đại đã qua mà vẫn còn để lại ảnh hưởng, chi phối ở tầng sâu những biến động hiện tại trên mảnh đất này. Từ khoảng năm 1000 trước Công nguyên (CN), sau cuộc hành trình đằng đẵng 40 năm từ chốn lưu đày ở Ai Cập trở về, người Do Thái đã thành lập nhà nước của họ và chính David, người hùng đánh bại Goliath của bộ tộc Philistines, đã đánh chiếm Jerusalem để lập nên kinh đô của 12 bộ tộc Do Thái. Nhưng rồi họ lại phân liệt thành hai nhà nước, nhà nước phía Bắc với tên gọi Israel và nhà nước phía Nam với tên gọi Judah, cả hai lần lượt bị tiêu diệt vào năm 722 trước CN và năm 586 trước CN, dân Do Thái một lần nữa bị lưu đày, phân tán. Jerusalem qua tay nhiều đế quốc, nhiều thế lực khác nhau, từ Babylone, Ba Tư đến Hy Lạp, La Mã, Hồi giáo Ả rập rồi các đoàn quân Thập tự chinh Thiên Chúa giáo…, cuối cùng là đế quốc Ottoman-Thổ từ cuối thế kỷ XVI đến tận năm 1917, khi đế quốc Anh được Hội Quốc liên ủy trị vùng đất này. Những bức tường thành cao ngất và hoành tráng bao quanh thành cổ Jerusalem ngày nay là tác phẩm của quốc vương Suleiman (biệt danh The Magnificent) của đế quốc Ottoman-Thổ vào nửa sau thế kỷ XVI. Trước đền thờ Dome of the Rock

Trong thành cổ, trên đỉnh Núi Đền thờ (The Temple Mount), tâm điểm của Jerusalem, là ngôi đền Hồi giáo Golden Dome với cái mái vòm bằng nhôm giát vàng nổi bật trên nền trời Jerusalem và nổi tiếng với sự tích Tiên tri Mohammed cưỡi ngựa bay lên trời từ một tảng đá nay nằm bên trong đền thờ (từ đó nó còn có tên là đền thờ Dome of the Rock), còn người Do Thái thì lại tin là trên tảng đá đó tổ phụ Abraham của họ đã trói và đặt con trai mình là Isaac để sẵn sàng giết và hiến tế cho Thượng đế của họ. Đền thờ được xây dựng vào năm 709 sau CN bởi một quốc vương Hồi giáo trên chính cái nền của ngôi đền thờ thiêng liêng và là biểu tượng của Do Thái giáo và nhà nước Do Thái cổ. Ngôi đền này hai lần được xây dựng rồi bị phá hủy, đầu tiên do Solomon, một minh quân kế tục vua David, cho xây dựng vào thế kỷ thứ X trước CN và bị đế quốc Babylone phá hủy vào năm 586 trước CN. Ngôi đền thứ hai được những người Do Thái trở về từ nơi lưu đày ở Babylone xây dựng cũng tại vị trí cũ vào năm 516 trước CN để rồi lại bị đế quốc La Mã san bằng vào năm 70 sau CN. Ngày nay, những gì còn lại của đền thờ Jerusalem của người Do Thái chỉ là một bức tường nằm dười chân Núi Đền thờ mà du khách thường đi đến đó sau khi đi qua giáo đường Hồi giáo Dome of the Rock. Đó chính là Bức tường phía Tây hay Bức tường Than khóc (Wailing Wall) mà người theo Do Thái giáo xem là nơi thiêng liêng nhất và là nơi họ đến để than khóc cho ngôi đền thờ bị phá hủy, cho sự mất nước và lưu đày, cũng như để cầu xin cả những lợi lộc vật chất cho cuộc sống trần gian của họ. Trước Bức tường Than khóc

Trong khi đó, ngôi đền Hồi giáo Dome of the Rock được xây dựng trên nền ngôi đên thờ của Do Thái giáo và tồn tại đến nay cũng từng bị biến thành nhà thờ và nơi trú đóng của các đạo quân Thập tự chinh vào thế kỷ XI-XII. Kết cục của lớp lớp biến động lịch sử này là thành cổ Jerusalem hiện được chia thành bốn khu vực do người Hồi giáo, người Do thái giáo, người Thiên chúa giáo và người Armenia (đến đây từ thời đế quốc Byzantine thống trị vùng đất này) kiểm soát.

Ngoài ngôi đền Dome of the Rock và Bức tường Than khóc, trong thành cổ, nằm kề bên nhau, sát vách nhau, hoặc cái trên cái dưới là vô số những di tích, những địa điểm lịch sử mà cái này thì thuộc Thiên chúa giáo, cái kia thuộc Chính thống giáo, cái này của Hồi giáo, cái kia của Do thái giáo. Như những chặng đường Via Dolorosa, con đường khổ nạn mà người ta tin là Jesus đã vác thập giá đi qua để đến chỗ bị đóng đinh trên núi Sọ, nay phải ngoằn ngoèo xuyên qua những con phố dốc, nhỏ hẹp, với san sát hai bên là những cửa hàng buôn bán mà đa số là của người Ả rập theo đạo Hồi. Hay như nhà thờ Mộ Thánh (Holy Sepulcher) ở cuối con đường khổ nạn, trên đồi Golgotha (tức núi Sọ), nơi mà người ta tin là địa điểm dựng cây thập giá và có ngôi mộ táng Jesus, năm tôn giáo cùng chia nhau cai quản năm phần trong đó, phần thì do Chính thống giáo Hy Lạp quản lý, phần sát bên lại do Công giáo La Mã hoặc Chính thống giáo Armenia quản lý… Bản thân nhà thờ được xây dựng lần đầu từ thế kỷ thứ IV sau CN, dưới thời đế quốc La Mã, nhưng sau đó bị phá hủy nhiều lần và chỉ được xây dựng lại từ thế kỷ XII, khi quân Thập tự chinh chiếm Jerusalem, và tồn tại đến nay.

Tương tự như vậy, với những địa danh, di tích khác như Bethlehem, nơi có nhà thờ Giáng sinh xây dựng bên trên hang đá nơi Jesus ra đời, nay nằm dưới sự kiểm soát của người Palestine. Muốn đến Bethlehem để thăm nhà thờ Giáng sinh rồi từ đó trở về khu vực do Israel kiểm soát, người ta phải vượt qua chốt kiểm soát nghiêm ngặt đặt tại một cửa ngõ của bức tường cao ngất và dài cả trăm cây số, mà nghe nói phía Israel dựng lên chỉ trong một đêm, nhằm ngăn các phần tử khủng bố từ khu vực của người Palestine xâm nhập vào khu vực do Israel kiểm soát. Hay Jericho, đô thị cổ xưa nhất trên thế giới,nơi Jesus từng đến rao giảng, nay chỉ còn lại ít phế tích bên cạnh đô thị mới, cũng nằm dưới sự cai quản của người Palestine. Cả Bethlehem và Jericho đều nằm ở bờ Tây sông Jordan, khu vực tranh chấp giữa Israel và nước láng giềng Jordan, dù thực tế Israel đang kiểm soát về mặt quân sự vùng đất này từ sau cuộc chiến tranh 6 ngày vào năm 1967.
Bức tường ngăn cách khu vực do Israel kiểm soát với khu vực do người Palestine kiểm soát, trên đường đi Bethlehem

Nhưng nói đến sóng lớp phế hưng, không thể không nhắc đến thành cổ Akko (hay Acre), cảng cổ Jaffa (hay Yafo), Masada - cứ điểm cuối cùng của những người Do Thái kháng chiến chống đế quốc La Mã, hay Caesarea – một thành cổ ven Địa Trung Hải do vua Herod the Great của Do Thái xây dựng dưới thời đế quốc La Mã đô hộ.

Nằm ở phía bắc thành phố cảng Haifa, Akko là một trong những cảng thị cổ xưa nhất có cư dân ở liên tục từ 1500 năm trước Công nguyên (CN) cho đến nay. Akko đầu tiên là một cảng thị của người Phoenicians, sau đó đã qua tay nhiều đế quốc, nhiều thế lực, nhiều triều đại. Người Assyrians chiếm đóng cảng thị này vào khoảng năm 700 trước CN. Vào năm 332 trước CN, nó bị Alexander đại đế sáp nhập vào đế quốc Hy Lạp. Kế đến bị Ptolemy của Ai Cập chiếm đóng và đổi tên thành Ptolemais, để sau đó lại trở thành một thuộc địa của đế quốc La Mã khi La Mã thống trị cả vùng Địa Trung Hải. Đến năm 395 sau CN, khi đế quốc La Mã phân liệt thành đế quốc phía Tây với Rome là trung tâm và đế quốc phía Đông với Bysance (nay là Istanbul, thuộc Thổ Nhĩ Kỳ) là trung tâm, Akko về tay đế quốc Đông La Mã. Đến năm 638 Akko rơi vào tay người Ả rập và nằm dưới sự cai trị của người Ả rập cho đến thế kỷ XII. Tiếp đó là các đoàn quân Thập tự chinh, những người xây dựng nên cả một thành lũy kiên cố và rộng lớn mà người ta thấy còn tồn tại đến nay. Ngay cả Napoléon vào năm 1799 cũng tìm cách đặt chân lên Akko nhưng cuối cùng bị đẩy lùi. Năm 1917 Akko cũng như toàn bộ vùng đất bấy giờ được gọi là Palestine nằm dưới quyền ủy trị của nước Anh và chỉ được giao lại cho Israel khi nhà nước này được thành lập vào năm 1948. Akko nay được xếp hạng là di sản văn hóa của nhân loại.Bao lơn cầu Bridge of Wishes ở Jaffa có 12 cung hoàng đạo theo tử vi phương Tây, đúc bằng đồng, tuyệt đẹp. Trong ảnh là phù điêu Xử nữ. Người ta thường đến cầu này để cầu may mắn. Ai thuộc tuổi nào thì đến chỗ có phù điêu tượng trưng cho tuổi ấy để cầu xin.

Cũng là một cảng thị sầm uất như Akko trước đây nhưng ra đời trước cả Akko, cảng cổ Jaffa nằm ở phía nam Tel-Aviv và là một phần của Tel-Aviv ngày nay. Jaffa gắn liền với truyền thuyết trong Kinh thánh về trận Đại hồng thủy, khi một người con của Noah, người sống sót qua trận hồng thủy, quyết định định cư tại đây, và với truyền thuyết Hy Lạp về câu chuyện tình giữa Perseus và nàng Andromeda xinh đẹp, theo đó chàng Perseus trên con ngựa trắng có cánh đã từ trên trời bay xuống cứu nàng Andromeda, con gái của nhà vua thành Jaffa đang bị vua cha trói vào một tảng đá trên cảng để tế thủy thần. Là cửa ngõ chính nhập khẩu hàng hóa cho thủ đô Jerusalem xưa kia, Jaffa từng bị đánh chiếm, phá hủy rồi xây dựng lại ít nhất 15 lần trong lịch sử 4.000 năm tồn tại của mình bởi những thế lực, những đế quốc muốn làm chủ vùng đất ven biển Địa Trung Hải này, từ Ai Cập đến đế quốc Ottoman-Thổ, từ Napoleon đến quân Anh. Ngày nay Jaffa là một thành phố du lịch nổi bật với những ngôi nhà cổ xây bằng đá màu vàng như mật ong, những biển số nhà bằng gốm xanh da trời tuyệt đẹp, những con tàu sơn nhiều màu sắc thả neo ngoài cảng và những xưởng sáng tác của các nghệ sĩ.
Một bảng hiệu bằng gốm tại cảng cổ Jaffa

Còn Masada gần Biển Chết, nay là một di sản văn hóa nhân loại, là chứng tích của một thời Herod The Great, vua Do Thái, với lối sống xa hoa và ưa thích hoành tráng, đã cho xây dựng cả một lâu đài nguy nga với đầy đủ những tiện nghi đế vương trên một đỉnh núi giữa sa mạc khô cằn. Masada cũng là nơi những người Do Thái chống đế quốc La Mã dùng làm điểm kháng cự cuối cùng để rồi tự sát tập thể trước khi nó rơi vào tay quân La Mã vào năm 73 sau CN. Ngày nay, Masada trở thành một biểu tượng của ý chí bảo vệ lãnh thổ của người Israel, nơi mà các tân binh nam nữ Israel đến luyện tập và hô vang lời thề: “Chúng ta sẽ không để Masada thất thủ một lần nữa”. Trong khi đó, Caesarea bên bờ Địa Trung Hải từng là một đô thị sầm uất được Herod xây dựng nhằm tôn vinh hoàng đế La Mã Augustus Caesar. Chính tại đây đã xảy ra cuộc thảm sát hàng chục ngàn người Do Thái và khơi mào cho cuộc nổi dậy chống quân La Mã chiếm đóng. Đến năm 639 Caesarea rơi vào tay quân Ả rập để đến đầu thế kỷ XII lại vào tay quân Thập tự chinh và cuối cùng bị người Hồi giáo phá hủy. Những gì còn lại hiện nay là một đường dẫn nước đồ sộ trên cao (aqueduct) và một hí trường kiểu La Mã…

Hai nữ quân nhân Israel. Rất xinh.


Còn nhiều nữa những chứng tích về sự hưng phế của các đế quốc, các triều đại xô đẩy nhau trên mảnh đất này, mảnh đất mà du khách nhìn thấy chủ yếu là sỏi đá khô cằn nhưng người Do Thái coi là miền Đất hứa, “miền đất chảy sữa và mật ong”. Phải chăng vì vị trí địa chiến lược của nó, nằm ven Địa Trung Hải, giữa Bắc Phi và Nam Âu, giữa thế giới phương Tây và thế giới Ả rập, mà vùng đất này đã trở thành sân khấu cho sự giành giật qua lại giữa tất cả các đế quốc nổi lên trong và ngoài vùng? Nhìn những chứng tích của những thời đã qua trên mảnh đất nhỏ hẹp này rồi nhìn sóng biển Địa Trung Hải vỗ vào bờ như hàng ngàn năm nay sóng vẫn vỗ, du khách không rứt khỏi được ý nghĩ: những đế quốc ấy, những triều đại ấy, những thế lực ấy, trong thời hưng thịnh của mình đã không bao giờ nghĩ sẽ có ngày diệt vong, nhưng rồi chúng đã bị lịch sử, như sóng biển hết lớp này đến lớp khác cuốn đi. Đế quốc nào, triều đại nào rồi cũng có lúc suy tàn, chỉ khác là chúng đi vào lịch sử như thế nào mà thôi. Chỉ có Địa Trung Hải ngàn năm nay vẫn thế; biển Chết ngàn năm nay vẫn thế, dù gần đây nó có co lại mỗi năm khoảng 1 mét vuông do nước từ sông Jordan đổ vào ít hơn. Hay biển Galilee (thực ra là một hồ nước ngọt) ngàn năm nay vẫn thế, chỉ khác là ven hồ, những thành phố mới, những khu nghỉ mát mới đua nhau mọc lên.


(*) Tour du lịch Israel do công ty du lịch Hương Băng Travel tổ chức thường xuyên, vừa mang tính hành hương vừa mang tính lịch sử-văn hóa.
Địa chỉ công ty: 48/46 Hồ Biểu Chánh, phường 11, quận Phú Nhuận. Văn phòng giao dịch công ty: 402/9A Lê Văn Sỹ, phường 14 quận 3, TPHCM.
ĐT: 399.733.69 – Email:
huongbang-td@vnn.vn
Web: http://www.huongbangtravel.com

Không có nhận xét nào: