Thứ Bảy, 15 tháng 8, 2009

TỪ ISRAEL NGHĨ VỀ VIỆT NAM

“Bên bờ sông Babylon, ta ngồi ta khóc ta nhớ Zion”.
Đó là lời ca ai oán của dân Do Thái thuở bị lưu đày sang Babylon. Zion là một ngọn núi nằm bên ngoài thành Jerusalem và được xem như một biểu tượng của đất nước Do Thái (cũng từ đó phong trào phục quốc của người Do Thái cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX có tên là phong trào Zion, chủ nghĩa Zion).
Nhưng kiếp nạn của dân Do Thái chưa phải đã hết sau khi trở về từ Babylon. Từ thế kỷ thứ II sau CN, sau khi cuộc nổi dậy cuối cùng chống đế quốc La Mã bị đè bẹp, dân Do Thái bắt đầu thời kỳ gọi là Diaspora, bị lưu tán khắp nơi trong gần 2000 năm, cho đến tận năm 1948 khi họ tái lập được nhà nước của mình. Trong thời kỳ Diaspora dài dằng dặc ấy, người Do Thái sống cảnh lưu đày, bị cô lập trong những khu ghetto khép kín ở các đô thị khắp châu Âu, nhưng vẫn cố gắng duy trì cộng đồng tôn giáo, văn hóa, lối sống, tập quán của mình và nuôi hy vọng một ngày trở về Đất hứa, trở về núi Zion. Cuối cùng, nương theo thời thế và cục diện thế giới sau chiến tranh thế giới thứ II, với phong trào phục quốc Zion làm nòng cốt, ước mơ trở về quê hương của họ đã trở thành hiện thực. Các đế quốc từng chinh phục mảnh đất Israel hưng thịnh rồi suy tàn, các triều đại đến rồi đi, chỉ có khát vọng tái lập quốc của dân tộc Do Thái là vẫn dai dẳng qua bao nhiêu thế kỷ dù họ bị lưu tán, bị tàn sát như 6 triệu người Do Thái đã bị tàn sát trong các trại tập trung của Đức quốc xã, 15 triệu trẻ em Do Thái bị chết trong những cuộc tàn sát (pogroms) khắp châu Âu. Như vậy, xét về mặt bị đọa đày và khổ đau vì bị mất nước, bị bắt làm nô lệ cho người ngoài, giữa dân tộc Do Thái và dân tộc Việt Nam, xem ra chưa biết ai bị đày đọa, khổ đau hơn ai.

Ngoài ra, trong lịch sử và Kinh thánh của người Do Thái cũng có nhiều câu chuyện khá gần với lịch sử và truyền thuyết của dân tộc Việt Nam: câu chuyện chàng David nhỏ bé nhưng thông minh đánh bại người khổng lồ Goliath khiến ta liên tưởng đến câu chuyện Phù Đổng từ một cậu bé vươn vai thành một dũng sĩ đánh bại giặc Ân xâm lược nước ta; hay câu chuyện tình bi thảm giữa Samson, người hùng của dân Do Thái và Delilah, một phụ nữ ngoại tộc (người đã ăn cắp được bí mật về sức mạnh phi thường của Samson trong cuộc chiến chống bộ tộc Philistines thù địch khiến cuối cùng Samson phải trả giá bằng chính mạng sống của mình còn dân Do Thái thì bị ngoại nhân thống trị) có cái gì đó giống như câu chuyện tình Trọng Thủy – Mỵ Châu và bí mật về chiếc nỏ thần bị Trọng Thủy đánh cắp, dẫn đến việc An Dương Vương mất nước và Mỵ Châu bị vua cha chém (*).

Samson và Delilah, của danh họa Rubens

Nếu Việt Nam từng bị mất nước, bị rơi vào vòng nô lệ trong 1.000 năm Bắc thuộc và 100 năm bị Pháp đô hộ, hai lần bị chia cắt lâu dài và trải qua nhiều cuộc kháng chiến gian khổ chống xâm lược thì dân Do Thái nhiều lần bị bắt làm nô lệ không phải ngay trên đất nước mình mà bị lưu đày khỏi quê hương đến những đất nước xa lạ. Nếu dân tộc Việt Nam có thể tự hào vì nhiều lần kiên cường, bất khuất chống ngoại xâm trong suốt chiều dài lịch sử của mình thì người Do Thái cũng từng kiên cường chống xâm lược La Mã cho đến khi nhà nước của họ bị diệt vong, nhưng họ vẫn bền bỉ nuôi dưỡng ý chí phục quốc cho đến ngày thành công.

Gần hơn, nếu Việt Nam giành lại được độc lập năm 1945 từ tay thực dân Pháp thì Israel cũng tuyên bố độc lập vào năm 1948,sau khi nổi dậy chống chính quyền ủy trị của Anh. Cái khác là, trong khi Việt Nam phải tiến hành hai cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập, thống nhất đất nước thì Israel, bị bao vây giữa những nước Ả rập thù địch, đã buộc phải dựa vào cái ô che chắn của cường quốc mạnh nhất thế giới và sự ủng hộ về nhân lực, tài chính, chất xám của cộng đồng Do Thái ở khắp nơi trên thế giới để tập trung xây dựng tiềm lực quân sự, kinh tế, khoa học kỹ thuật để trở thành một quốc gia phát triển như ngày nay, với thu nhập bình quân đầu người trên 27.000 đôla (năm 2008), đứng hàng thứ 25 trên thế giới, theo World Bank.

Israel hằng năm vẫn nhận được 3 tỉ đôla viện trợ Mỹ và 500 triệu đôla của nước Đức như một sự đền bù cho những khổ đau mà Đức quốc xã đã gây ra cho người Do Thái trong Thế chiến II. Tuy vậy, đó không phải là tất cả. Dù lúc nào cũng phải căng mình ra đối phó với các quốc gia Ả rập láng giềng, gần như ở trong trạng thái chiến tranh thường trực, tài nguyên thiên nhiên ít ỏi chứ không có “rừng vàng biển bạc” như Việt Nam (trước đây), kinh tế Israel vẫn phát triển với những ngành mũi nhọn như công nghệ viễn thông liên lạc, công nghệ máy tính, chế tác kim cương, nông nghiệp công nghệ cao. Viện công nghệ Technion ở thành phố cảng Haifa là một viện nghiên cứu công nghệ cao nổi tiếng quốc tế của Israel với hai giáo sư của trường từng đoạt giải Nobel hóa học, được thành lập từ năm 1912, tức 36 năm trước ngày nhà nước Israel được thành lập. Còn Đại học Hebrew ở Jerusalem đã được những người Do Thái theo phong trào Zion thai nghén từ năm 1884, đặt viên đá đầu tiên vào năm 1918 và khai trương năm 1925, tức 23 năm trước khi thành lập nhà nước Israel. Trong hội đồng quản lý đầu tiên của trường có tên của những nhà khoa học lừng danh như Albert Einstein, Sigmund Freud, Martin Buber… Trường có hai người đoạt giải Noel kinh tế, hai người tốt nghiệp từ trường này đoạt giải Nobel hóa học,một người đoạt Nobel vật lý.

Điều đó cho thấy tầm nhìn của người Do Thái và việc họ đặt trọng tâm phát triển vào đâu trong một đất nước ít tài nguyên thiên nhiên lại nằm trong vòng vây của những láng giềng thù địch. Cũng cần nói thêm, dù ở trong tình trạng chiến tranh thường trực và phải thường xuyên đối phó với những cuộc tấn công khủng bố, Israel vẫn là một nước dân chủ đại nghị.


(*) Theo Cựu ước (Kinh thánh của người Do Thái), Samson được Chúa ban cho sức mạnh phi thường nhằm giải thoát dân Do Thái khỏi ách thống trị của người Philistines. Sức mạnh của Samson nằm ở bảy mớ tóc trên đầu mà Samson đã hứa với Chúa sẽ không bao giờ cắt. Nhưng vì chiều lòng Delilah, Samson đã tiết lộ bí quyết sức mạnh của mình cho vợ, bị vợ lén cắt bảy mớ tóc lúc ngủ và vì thế mất hết sức mạnh và bị quân địch bắt. Cuối cùng, khi bị giải ra trước công đường, Samson, lúc này tóc đã bắt đầu mọc lại, đã giật sập công đường, giết nhiều quân địch và cùng chết dưới đống đổ nát. Câu chuyện tình Samson – Delilah đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều loại hình nghệ thuật ở phương Tây và đã hai lần được dựng thành phim.

2 nhận xét:

Nặc danh nói...

Vietnam - Israel Super Connecting: http://www.espromote.com/forums/forumdisplay.php?f=55

gió bay trên đồi nói...

bài viết hay quá, đáng suy ngẫm