Thứ Hai, 5 tháng 7, 2010

CHẲNG CÒN GÌ THIÊNG ?


(Nhân Ủy ban Kiểm tra trung ương vừa kết luận có sai phạm trong vụ xây tượng đài Điện Biên Phủ, đăng lại một bài đã đăng ngày 10/4 năm nay).

Phiên tòa xử vụ “rút ruột” tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ (gọi một cách vắn tắt) đã phải tạm ngưng để điều tra, làm rõ thêm những số liệu chưa thống nhất về mức độ bị “rút ruột”, những cáo buộc đưa và nhận hối lộ,v.v… Bản án vẫn chưa được tuyên. Tuy nhiên, với những gì mà các bị cáo đã khai tại phiên tòa, và với hiện trạng tượng đài đang bị vây bọc giữa lô nhô giàn giáo để dậm vá, sửa chữa sau gần 6 năm khánh thành, một người bình thường không thể không đặt câu hỏi: Vì sao điều ấy (việc rút ruột) lại có thể xảy ra với một công trình mang ý nghĩa lịch sử thiêng liêng như công trình tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, một chiến thắng được xem là “chấn động địa cầu”, kết quả của cuộc kháng chiến cam go và đầy hy sinh của toàn dân tộc? Phải chăng, với những người trực tiếp hay gián tiếp liên quan tới việc “rút ruột” này, lịch sử chẳng là cái gì, và chẳng có cái gì là thiêng liêng cả? Bởi, với một người bình thường, “ăn” vào lịch sử, “ăn” cả vào những cái được coi là thiêng liêng, chỉ nghĩ đến thôi đã phải rụt tay lại. Vậy nhưng vẫn có người “ăn” được. Phải chăng hiện tượng “ăn được chỗ nào là ăn” đã phổ biến đến mức, ngay cả với một công trình mang ý nghĩa lịch sử thiêng liêng như tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, người ta cũng không chừa?
Mà họ, những người toa rập với nhau để “rút ruột” tượng đài, nào phải đâu là những công dân bình thường? Họ là những người có vai vế, có địa vị xã hội, có học thức, là phó giám đốc sở văn hóa thông tin, phó giáo sư, tiến sĩ, giám đốc công ty mỹ thuật… Tức những người thường rao giảng về cái đẹp và lẽ ra phải bảo vệ cái đẹp; hiểu biết lịch sử và lẽ ra phải góp phần tôn vinh lịch sử, chí ít cũng phải hiểu được đâu là cái thiêng liêng không thể tơ hào, không thể xâm phạm.
Nhân vụ án này, nhiều người đã nói đến chuyện niềm tin. Phải, nhớ lại 6 năm trước, khi tượng đúc xong và được vận chuyển về Điện Biên vào kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, báo chí đã tường thuật háo hức như thế nào, công chúng đã quan tâm theo dõi như thế nào để rồi sau đó ít lâu mới hay niềm tin của mình đã bị “rút ruột” như thế nào. Quả thật, đây là một đòn đánh vào niềm tin của người dân vào những giá trị thiêng liêng, cao đẹp. Ở đây, chuyện ăn gian chính xác bao nhiêu tấn đồng không quan trọng bằng chuyện niềm tin bị đánh cắp. Mà khi niềm tin bị đánh cắp, khi người ta -  nhất là người trẻ - cảm thấy không còn tin được nữa, kể cả vào những cái vốn được coi là thiêng liêng, thì hậu quả xã hội sẽ khôn lường. Những điều thiêng liêng khác, chẳng hạn như mạng sống con người, cũng sẽ bị coi rẻ. Việc người ta lấy mạng nhau chỉ vì một va quẹt nhỏ trên đường, việc học sinh đâm chết bạn trong lớp chỉ vì một xích mích nhỏ - những sự việc như thế xảy ra ngày càng nhiều - phải chăng phản ánh sự chới với, mất niềm tin đó?
Và điều nghịch lý là, trong khi có những cái cần giải thiêng để con người sống theo lý tính hơn là chỉ theo cảm tính và niềm tin mù quáng, thì không được giải thiêng; ngược lại, có những điều thiêng liêng cần gìn giữ, bảo vệ thì có người, lẽ ra phải góp phần gìn giữ, bảo vệ lại chẳng coi ra gì và tìm cách “ăn” cả vào đấy. Trách sao ta không tránh khỏi phải chứng kiến những đảo lộn đau lòng.

Không có nhận xét nào: