Vì sao một bé gái 14 tuổi lại nghĩ đến việc tự đặt cho mình cái biệt danh dữ dằn: “ sói”, rồi cầm đầu một băng nhóm, đa số vẫn còn trong tuổi vị thành niên, chuyên thực hiện những hành vi tội ác mà trước nay chỉ những kẻ tội phạm già đời, chai sạn mới có gan thực hiện: bắt cóc, cướp của, hãm hiếp tập thể rồi quay phim nhằm khống chế, buộc nạn nhân bán thân để trở thành cỗ máy kiếm tiền cho cả bọn?
Khi tự đặt cho mình cái tên My “sói”, cô bé tuổi 14 đã nghĩ gì trong đầu?
Chúng ta không biết. Nhưng, bằng cách tự khoác lên mình cái lốt sói ở tuổi 14, có vẻ như cô bé đã tự xác định cho mình một cách thế tồn tại trong xã hội này: phải trở thành sói với kẻ khác. Cái biệt danh “sói” vang lên vừa như là cái nhìn, là sự tổng kết, đánh giá hoặc là sự phán xét của cô bé về xã hội, rằng: không làm gì có tình yêu, tình thương, không làm gì có chuyện “người yêu người, sống để yêu nhau” trong xã hội mà rất nhiều khi người ta đối xử với nhau như sói; vừa như một tuyên ngôn sống từ đó trở đi của cô bé: vậy thì, để tồn tại trong xã hội, ta - My “sói” cũng sẽ đối xử với mọi người như sói.
Cái nhìn của cô bé về xã hội khởi đầu từ gia đình. Chưa đầy một tuổi, cha mẹ ly dị, sống với ông bà đến 11 tuổi, ông bà theo nhau qua đời, chỗ nương tựa cuối cùng không còn, cô bé hoàn toàn bơ vơ. Đến sống với bố khi bố đã có gia đình riêng, rồi với mẹ khi mẹ đã ly dị đời chồng thứ hai, cô bé cũng không sống nổi. Tìm đâu ra tình yêu thương? Hẳn cô bé đã nhìn cuộc đời qua sự thiếu vắng tình yêu đó. Và thế là bắt đầu chuỗi ngày bỏ nhà đi hoang, kết bè kết nhóm và trượt dần vào con đường phạm tội.
Còn nhà trường, thầy cô? Chúng ta không có thông tin về những ngày My “sói” cắp sách đến trường cho đến lớp 7. Nhưng, với những gì chúng ta biết về nhà trường hiện nay, về cuộc sống đầy lo toan của thầy cô thì, dù có muốn, họ cũng chẳng thể nào có đủ tâm lực và thời gian làm tròn vai trò của những nhà giáo dục thực thụ, biết chăm lo cho sự trưởng thành nhân cách của từng đứa học trò chứ không chỉ là người truyền đạt như một cái máy một số kiến thức. Thật khó mà hình dung có bàn tay nào đó tận tụy, chịu thương chịu khó dìu dắt từng bước đi cho những học sinh “cá biệt” như My “sói”. Ngoài cuộc sống vật chất của gia đình phải lo, những thành tích thi đua phải đạt, việc bỏ công sức chăm lo cho sự trưởng thành nhân cách của những học sinh như My “sói” chưa chắc đã được ghi nhận như là một thành tích. Và, ở tuổi của mình, My “sói” chắc hẳn cũng đã nhìn xã hội qua nhà trường ấy, một nhà trường không dung nạp được cô bé.
Còn xã hội? Nếu có quan tâm đến những gì diễn ra trong xã hội, ở tuổi của mình, hẳn cô bé cũng sẽ không thiếu dịp để thất vọng trước không ít thực tế đi ngược với những gì người lớn tìm cách làm cho cô bé tin. Thực tế, cái xã hội gần gụi nhất mà cô bé tiếp xúc, gia nhập và nhanh chóng trở thành một trong những đầu đàn là những băng nhóm thanh thiếu niên kiếm sống, lừa đảo, phạm tội nơi các quán internet. Và thế là, để tồn tại trong môi trường ấy, My “sói” đã không ngần ngại trở thành sói với những cô bé cùng trang lứa. Hãy nghe My “sói” giải thích vì sao cô bé có thể, và phải, trở thành sói. Tại nhà tạm giữ Công an quận Đống Đa, Hà Nội, khi phóng viên báo Gia đình & Xã hội hỏi: "Cháu bé thế này thì làm sao để chỉ cần "hô" một câu là cả băng nhóm lao vào thi hành mệnh lệnh? Nhìn các bạn gái khác bị đánh đập, hãm hiếp, cháu có nghĩ đến một ngày nào đó sẽ có kẻ làm như vậy với cháu không?", My đáp: "Con sợ lắm chứ, nhưng phải giấu nỗi sợ vào trong để chẳng ai nhận ra. Có như thế thì bọn nó mới sợ mình cô ạ!". Và: “Con tự coi mình là đứa trẻ lạc loài. Phải bằng mọi cách để tự làm chủ đời mình, nhất thiết con phải "xù lông" lên thì mới tồn tại được…”
Con ngựa hoang chưa chịu vết thù nào trên lưng trừ vết thương tâm lý do gia đình bất hạnh, đã lạnh lùng gây những vết thù trên lưng những con ngựa khác. Không tin có tình yêu thương trong xã hội, không tin vào bất cứ thứ gì ngoài việc phải làm cho kẻ khác sợ mình để đạt được mục đích, cô bé “tuổi khăn quàng đỏ” - như ta thường nói - đã “giấu nỗi sợ vào trong”, “xù lông” lên làm sói để săn mồi và để những con sói khác không thể hại đến mình.
Câu hỏi đặt ra: với chiều hướng phát triển như hiện nay của xã hội, với khoảng cách quá lớn giữa lời nói và việc làm của người lớn (hãy nghĩ tới vụ Sầm Đức Xương và Nguyễn Trường Tô ở Hà Giang), với những cú sốc gia đình ngày càng tăng mà trẻ nhỏ phải hứng chịu, phải chăng chúng ta rồi sẽ còn phải chứng kiến sự xuất hiện của những con sói vị thành niên tiềm tàng khác?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét