Xin phép đưa lại một bài báo trên Người Lao động ngày 17/9/2007.
Để nhớ một thời. Để nhớ mọi người.
Nguyễn Kim Ngân là người tôi yêu mến trong phong trào SVHS tại Sài Gòn trước 30/4/1975, dù không thân anh. Anh âm thầm, khiêm tốn đóng góp cho phong trào.
Anh không có máu "lãnh tụ" như nhiều lãnh tụ học sinh, sinh viên khác.
Cảm ơn NLD và tác giả Trần Hoàng Nhân.
(Ảnh: Nguyễn Kim Ngân bên căn nhà vách đất ở Phú Yên)
Bài thơ Người mẹ Bàn Cờ của Nguyễn Kim Ngân (được nhạc sĩ Trần Long Ẩn phổ nhạc) gắn liền với phong trào đấu tranh ở đô thị của học sinh – sinh viên miền Nam trước năm 1975. Nhạc sĩ Trần Long Ẩn thì ai cũng biết, còn Nguyễn Kim Ngân sống rất lặng lẽ bằng nghề dạy học cho đến lúc nhận sổ hưu
Nguyễn Kim Ngân sống thanh bần đến độ muốn in một tập thơ riêng cho cả cuộc đời cũng không đủ tiền. Và thật may mắn, doanh nhân Nguyễn Tiến Toàn (chủ doanh nghiệp xe lăn Kiến Tường) vừa tài trợ cho ông ra mắt tập thơ Sông chảy bên trời (NXB Văn học).
Một thời để nhớ
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước (cha là liệt sĩ thời kháng chiến chống Pháp, gia đình là căn cứ cách mạng), cậu sinh viên khoa triết Tây – ĐH Văn Khoa Sài Gòn - Nguyễn Kim Ngân nhanh chóng hòa nhập cùng phong trào yêu nước và tầng lớp tiến bộ xuống đường đòi hòa bình, độc lập. Một trong những lần xuống đường, sau khi bị cảnh sát dã chiến đàn áp, Nguyễn Kim Ngân cùng bao bè bạn khác lánh vào nhà dân.
Ở trong nhà dân, ông được các má nhận làm con, các chị nhận làm chồng để tránh sự truy bắt. Và bài thơ Người mẹ Bàn Cờ ra đời từ đấy như một lời tri ân những bà má đã che chở Nguyễn Kim Ngân và cả phong trào sinh viên tranh đấu. Nhà thơ cho biết: “Tôi viết rất ít, tới giờ tôi cũng chỉ có gần 100 bài thơ.
Thường thì tôi viết khi nào cuộc đời mình có sự kiện gì, không thì thôi. Nhưng dường như tôi viết nhiều về phụ nữ, những người đã chịu thiệt thòi rất nhiều bất kể thời nào”. Người mẹ Bàn Cờ ra đời năm 1970, sang năm 1971 đã cất cánh bay trên khung nhạc của Trần Long Ẩn hòa vào không khí tranh đấu của thế hệ trẻ đô thị một thời bằng những ca từ rừng rực: “Người Việt Nam Bàn Cờ/ Tình Việt Nam như tơ/ Đồng Việt Nam lầy lội/ Giặc đợi chết từng giờ”. Nhắc về một thời hào khí tuổi trẻ rần rật chảy trong huyết quản, người đàn ông da đã nhàu, trán đã nhăn, tóc đã bạc... Nguyễn Kim Ngân cứ như sắp bật khóc vì thương nhớ bạn bè, những người đã ngã xuống.
Bạn bè không ai quên ông, những dịp kỷ niệm ngày Sinh viên học sinh (9 -1), ông thường được bè bạn ưu ái dành cho ngồi ghế đại biểu dù ông không quyền chức, không danh tiếng như nhiều người đồng trang lứa.
Sau giải phóng, ông về Phú Yên dạy học ở Trường THPT Nguyễn Huệ. Nhưng chắc vì số ông lận đận, nên dạy học cũng không yên thân. Ngành giáo dục địa phương không chấp nhận bằng cử nhân triết Tây, vì vậy mà tuy ông là cử nhân nhưng chỉ hưởng lương tú tài. Thế rồi, địa phương mở thêm một trường cấp 3 mới, ông được điều về “xây móng xây nền” trường này. Tưởng rằng yên ổn, nhưng lại cũng vì cái tính ông hay “đấu tranh”, thích “trắng đen rõ ràng” và vì cái bằng triết Tây nên năm 1980 ông chính thức về làm giáo viên cấp 2 ở làng (huyện Sông Cầu – Phú Yên) cho đến tháng 9 – 2006 về hưu.
Hai vai gánh đất cất nhà
Căn nhà vách đất hiện gia đình Nguyễn Kim Ngân vẫn sinh sống tại quê nhà do một tay ông xây dựng năm 1987. Không thể tưởng tượng ông nhà thơ nhỏ người này lại gánh từng gánh đất đổ nền nhà, chặt từng cây tre, vác từng khúc gỗ dựng kèo dựng cột. Nhìn quanh xóm, chỉ mỗi nhà ông còn vách đất. Thời buổi kinh tế thị trường và đô thị hóa, nhà nhà lo làm giàu, những gia đình hàng xóm quanh ông đã xây nhà xi măng hoặc cất lầu, nhà nào cũng quay ra mặt lộ. Riêng ông nhà thơ, nhà giáo được nhiều người trong huyện, tỉnh biết danh vẫn cứ ở nhà đất.
Nhưng nhà đất vẫn chưa bằng cái cách xây ngôi nhà quay lưng ra mặt đường. Hỏi hướng nhà sao tréo ngoe thế này? Ông thật thà: “Trước mặt nhà có con rạch nhỏ, hướng Nam gió mát. Gió từ rạch thổi lên chẳng sướng sao mà phải quay mặt ra đường tù mù, bụi bặm”. Chúng tôi để ý thấy ngôi nhà sáng sủa tự nhiên dù ngoài trời lúc đó mù mịt sắp mưa, nhà sáng nhờ nhiều cửa sổ.
Mái ấm thanh bần của nhà thơ Nguyễn Kim Ngân xuất phát từ đồng lương nhà giáo quá eo hẹp. Những đồng lương của ông không đủ gởi cho cậu con cả hiện đang học đại học tại TPHCM thì lấy đâu mà xây nhà mới trong khi ông còn hai con nhỏ nữa (ngoài 40 tuổi ông mới cưới vợ). Vì sinh kế gia đình, Nguyễn Kim Ngân đã mấy phen “âm mưu” làm giàu bằng cách đi nuôi tôm trong 3 tháng hè. Khổ nỗi, đời ông dạy học, làm thơ đều được tiếng nhưng chuyển sang làm kinh tế thì chẳng được miếng nào, lại còn mang nợ.
Nông dân vùng duyên hải Phú Yên mấy năm nay nuôi tôm đều mất mùa, tôm chết người cũng muốn chết theo, nhiều gia đình tan nát vì tôm. Ấy thế, ông lại tự nhận mình rất giàu, vì theo ông: “Tất cả mọi thứ tôi đều có trong đầu”. Ông vẽ cho chúng tôi thấy mơ ước của mình rằng sẽ xây một căn nhà mới bên cạnh căn nhà đất cho vợ con.
Ông không thể bỏ căn nhà đất vì đó là kỷ vật của đời ông, nhiều bè bạn khuyên ông nên giữ ngôi nhà đất như một loại bảo tàng nông thôn. Ông “chơi rất sang” với vườn cây cảnh do ông tạo dựng khiến các đại gia săn cây cảnh đi ô tô đến ngả giá. Vậy mà ông không bán nhưng lại tặng nếu gặp người biết quý trọng cây như mạng con người.
Trong cuốn sách Tiếng hát những người đi tới (do NXB Trẻ, Báo Tuổi Trẻ, Báo Thanh Niên phối hợp xuất bản năm 1993, giới thiệu thơ, văn, nhạc, họa của phong trào sinh viên - học sinh miền Nam chống Mỹ từ năm 1960 đến 1975) có giới thiệu vài dòng về Nguyễn Kim Ngân kèm bức hình ông chụp thời ấy. Nhìn bức hình tuổi trẻ Nguyễn Kim Ngân và so sánh với ông bây giờ, vẫn một con người mà thời gian chỉ có thể làm cho cũ đi mà thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét