Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2007

NẾU TRỊNH HÒA VẪN TIẾP TỤC GIONG THUYỀN ĐI BIỂN...


Thì bộ mặt của thế giới ngày nay có lẽ đã khác.

Hay đúng hơn,bàn cờ thế giới có lẽ vẫn thế,những vấn đề đặt ra cho các quốc gia ngày nay có lẽ vẫn thế,chỉ có điều là những quân cờ trên bàn cờ thế giới sẽ hoán đổi vị trí cho nhau.Phương Tây sẽ không phải là những người mang vốn liếng đi đầu tư ở nước ngoài, chuyển giao công nghệ ra nước ngoài mà ngược lại sẽ là người nhận đầu tư,nhận chuyển giao công nghệ.Người mang vốn liếng và công nghệ ra nước ngoài đầu tư và chuyển giao sẽ là Trung quốc và những nước Châu Á khác (trừ trường hợp Nhật bản đã đứng trong danh sách này).Người suốt 13 năm ròng thương thuyết để được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới cũng sẽ không phải là Trung quốc và người đặt điều kiện sẽ không phải là Mỹ mà ngược lại, v.v...

Tất nhiên, như một câu tục ngữ Pháp nói, với những chữ "nếu" người ta có thể cho cả Paris vào trong một cái lọ. Lịch sử là lịch sử. Thế nhưng nhìn lại lịch sử, đặt ra những giả thiết, thật ra cũng là để rút bài học cho ngày hôm nay và cả ngày mai.
Giữa thế kỷ 15, thiên niên kỷ thứ hai, khi nhà buôn,nhà hàng hải,nhà thám hiểm Trung quốc Trịnh Hòa cùng với đội tàu buôn của mình đặt chân đến cảng Aden ở Trung Đông, Trung quốc đã đi trước Châu Au hàng thế kỷ xét về mặt kỹ thuật,kinh tế,chính trị trong khi Châu Au vẫn đang chìm trong "đêm dài Trung cổ". Điều gì sẽ xảy ra nếu Trịnh Hòa tiếp tục giong thuyền vòng qua mũi Hảo vọng rồi tiến lên phía bắc, đến Châu Au ?
Tiếc thay,điều đó đã không xảy ra.Những cuộc tranh giành quyền lực phe phái trong triều đình nhà Minh đã dẫn đến hậu qủa là những chuyến đi biển như thế bị cấm và Trung quốc đóng cửa với giao thương bên ngoài.

Các nhà sử học vẫn còn tranh cãi về nguyên nhân nào khiến phương Tây có thể bành trướng mạnh mẽ từ nửa sau của thiên niên kỷ này,nhưng hầu như mọi người đều nhất trí rằng chính sự co cụm, tự cô lập của Trung quốc từ giữa thế kỷ 15 trong khi Châu Au đang chuẩn bị cho những chuyến thám hiểm đầu tiên của mình đã là nhân tố chính làm nên diện mạo của thế giới ngày nay.

Học giả Wang Gungwu, Giám đốc Viện Đông Á ở Singapore, nguyên Phó Giám đốc Viện Đại học Hồng kông, trong một bài báo trên Tạp chí Kinh tế Viễn Đông cho rằng có một sợi dây gần như xuyên suốt toàn bộ thiên niên kỷ này ở Châu A, đó là cuộc đấu tranh dai dẳng giữa các nhà cai trị và tầng lớp thương nhân mà nhà cầm quyền luôn coi như là một thứ tai họa cần thiết,một thứ tai họa buộc phải chấp nhận.Chính vì thế mà họ luôn tìm cách hạn chế và kiểm soát việc buôn bán.Và sự thắng thế của chính trị đối với thương mại trong hầu hết thiên niên kỷ thứ hai ở Châu Á đã bóp nghẹt sự tăng trưởng kinh tế cũng như sự nở rộ của khoa học và văn hóa đi kèm theo nó.Thất bại của Trung quốc trong việc tiến vào kỷ nguyên công nghiệp
trước Châu Âu cũng bắt nguồn từ đó, mặc dù như đã nói ở trên, về nhiều mặt Trung quốc đã đi trước Châu Âu hàng thế kỷ.

Qủa thực, ngay từ thiên niên kỷ thứ nhất sau Công nguyên các dân tộc ven biển ở Nam và Tây Á (chủ yếu là Ấn Độ,Ba Tư và sau đó là các nhà nước Ả rập) trên đường đến các cảng Trung quốc, đã dẫn đầu trong buôn bán với lục địa Đông Nam Á và quần đảo Indonesia. Trên đường đi buôn bán của họ, họ đã để lại những tác phẩm vĩ đại từ bàn tay con người. Đó là những đền đài nổi tiếng như Borobudur (kiến trúc Ấn Độ,xây dựng từ thế kỷ thứ 9 trên đảo Java,Indonesia) và Angkor Wat (Campuchia) mà người ta coi là những thí dụ về ảnh hưởng của những thương nhân đi biển.Không những thế, các thương nhân còn mang theo mình những tư tưởng,những định chế ảnh hưởng lên đời sống tôn giáo,chính trị và nghệ thuật trong vùng mà họ đến buôn bán.Sự phát triển của thương mại tác động đến văn minh là thế.

Tuy nhiên, ở Châu Á thương mại qua đường biển phải vật lộn trong hàng thế kỷ với các nhà nước nông nghiệp vốn thích sự ổn định hơn là sự dịch chuyển và đặt ưu tiên cho việc bảo vệ đường biên giới trên bộ chống lại sự xâm lăng của bên ngoài. Cả Trung quốc và An Độ đếu thiết lập những hệ thống giá trị xem quyền lực chính trị là thống soái,xem nhẹ tầm quan trọng của biển và thương mại qua đường biển. Ở Trung quốc,thang giá trị đó là sĩ-nông-công-thương, ở An Độ thương nhân cũng bị coi là giai tầng hạ đẳng. Với thời gian, cả những nước láng giềng cũng bị ảnh hưởng bởi hệ thống giá trị này và những cảng thị phồn thịnh một thời nhờ buôn bán ở Java,ở ven biển miền trung Việt Nam và ở thung lũng Menam thuộc miền trung Thái Lan ngày nay cũng lây nhiễm những thành kiến tương tự.

Trong thế kỷ thứ 10, thương mại phát triển mạnh ở các tỉnh miền Nam Trung quốc như Quảng Đông, Phúc Kiến và Triết Giang , mở ra một kỷ nguyên hoạt động hàng hải tấp nập của người Trung quốc dựa trên những quan hệ chính thức với các vuơng quốc Champa, Khmer và các cảng thị ở Sumatra và bán đảo Malay. Với sự hỗ trợ trước hết là của triều đình Nam Tống (1127-1279) và sau đó là của các viên quan lại ở vùng Hoa Nam của đế quốc Nguyên Mông, người Trung quốc đã thiết lập được sự hiện diện thương mại mạnh mẽ tại các quốc gia ven biển ở phía Nam trước khi các nhà buôn phương Tây đặt chân đến đây vào thế kỷ thứ 16. Một thế kỷ trước khi những người Bồ Đào Nha đầu tiên đặt chân đến vùng này vào năm 1508, nhà Minh (1368-1644) đã chứng tỏ sức mạnh trên biển của họ bằng cách giao cho Trịnh Hòa cầm đầu bảy chuyến đi biển lớn trong khoảng thời gian từ 1405 đến 1435. Tuy vậy những chuyến thám hiểm ấy không phản ánh một sự thay đổi nào trong chính sách bóp nghẹt thương mại của nhà Minh. Ngược lại, chúng chỉ thể hiện ý muốn của triều đình nắm độc quyền ngoại thương và không muốn cho tư nhân nhúng tay vào. Chính sách ấy được nhà Minh duy trì trong gần 200 năm và mãi cho đến năm 1567 mới được nới lỏng phần nào khi, đứng trước tình hình buôn bán qua đường biển ngày càng tấp nập do người Bồ Đào Nha cầm đầu ở ngoài khơi bờ biển Trung quốc, triều đình buộc phải cho phép một số nhà buôn Trung hoa được ra nước ngoài buôn bán.
Trong vùng Đông Nam Á cũng vậy, mọi cố gắng nhằm xây dựng những vương quốc thương mại dù là của người Java, người Chăm, người Khmer, người Malay hay người Thái đều tỏ ra uổng công vô ích. Các nhà cai trị của họ luôn coi quyền lực chính trị mới là nguồn gốc mang lại sự giàu có do buôn bán chứ không bao giờ có chuyện ngược lại.

Trong khi đó, vào cuối thế kỷ 16,người Châu Au đã tăng cường sự có mặt trong vùng và họ chẳng những mang tới những con tàu mạnh hơn, những phương pháp hải chiến mới hơn mà còn mang tới những hệ thống chính trị mới ủng hộ tầng lớp thương nhân và cho phép họ có vai trò lớn hơn trong chính quyền. Đó là kết qủa của sự thay đổi căn bản trong mối quan hệ giữa thương mại và quyền lực đã khởi đầu từ giữa thiên niên kỷ thứ hai ở Châu Au mà nguồn gốc lâu đời phải lần ngược lên tới những đế quốc thương mại phồn thịnh một thời quanh Địa Trung Hải. Qua thế kỷ 18 –19 thì tư tưởng trọng thương đã biến đổi các chính quyền ở khắp Châu Au.Những thiết chế ra đời từ các tư tưởng đó đã tạo cơ sở cho sự xuất hiện của chủ nghĩa đế quốc.

Và với việc Trịnh Hòa và những người như Trịnh Hòa, không chỉ ở Trung quốc mà cả ở những nước Châu Á khác, bị cấm đi biển, cấm giao thương với bên ngoài, thì khi những đạo quân phương Tây kéo tới họ nhanh chóng bị khuất phục là lẽ đương nhiên. Vẫn còn cho mình là trung tâm của vũ trụ, họ không biết được thế giới đã biến đổi đến mức nào, phương Tây đã có những bước tiến về mặt kỹ thuật ra sao. Ở Việt Nam, khi những con người lỗi lạc, có đầu óc thức thời, nhận ra được ưu thế kỹ thuật của phương Tây và muốn cải cách như Nguyễn Trường Tộ ở nửa sau thế kỷ 19 thì đất nước đã rơi vào tay thực dân Pháp; hoặc một nhà nho có đầu óc canh tân như Phạm Phú Thứ, đến khi cùng phái bộ Phan Thanh Giản qua Pháp và Tây Ban Nha điều đình và nhận ra các nước Châu Âu
"Cây hoa,sông núi qua song kính,
"Dây điện chạy ven lộ, phố, đài.
"Bát chính rõ ràng làm được tốt,
"Tứ đoan thâm thúy chẳng truyền hay.
"Phương Đông giá sớm thêm cơ xảo,
"Pha-lý,Long-đôn chửa hẳn tài."(*)
thì mọi sự cũng đã rồi.

Cho mãi đến thế kỷ cuối cùng của thiên niên kỷ này,và có nước thì tận cuối thế kỷ cuối cùng của thiên niên kỷ,lần đầu tiên trong lịch sử tầng lớp thương nhân mới có được vị trí xứng đáng ở các quốc gia và lãnh thổ Châu Á,điển hình là Nhật, Hồng Kông, Singapore, Đài .Vì thế mà họ giàu.

Bước vào thiên niên kỷ sắp tới, khi kinh tế và thương mại trở nên toàn cầu hóa, Châu Á - theo học giả Wang Gungwu - vẫn đứng trước những thách thức rất lớn,đồng thời cơ hội cũng rất lớn : hoặc là xem trọng những Trịnh Hòa của thời đại mới và đạt đến phồn vinh hơn hoặc là quay trở lại những giá trị cũ và tiếp tục thua kém tụt hậu trên bàn cờ thế giới.
__________________________________________
* Paris, London

Không có nhận xét nào: