Thứ Ba, 23 tháng 11, 2010

LÀM GÌ ĐỂ BẢO VỆ NHÂN PHẨM CỦA CÔNG DÂN?


Hai cô gái mại dâm bị bắt, chẳng những không được ném cho cái quần, cái áo mặc vào che thân trước khi lập biên bản, còn bị quát mắng và buộc phải đứng thẳng, ngẩng mặt, dang hai tay để 4-5 người hành xử quyền lực công chụp ảnh trong tình trạng lõa lồ. Cuối clip, như không chịu đựng nổi nữa sự tủi nhục tận cùng, một cô ngồi phịch xuống giường, ôm mặt bật khóc. “Mày khóc cái gì?” Lại quát.
Công an tỉnh Quảng Ninh đã xác định cái video clip ghi cảnh bắt hai cô gái mại dâm gây bức xúc dư luận mấy ngày qua là do một số cán bộ công an thuộc đội cảnh sát điều tra tội phạm trật tự xã hội thuộc công an thị xã Cẩm Phả thực hiện. Và cái clip đó, sau khi được chuyền tay trong một số cán bộ công an thị xã Cẩm Phả, đã được tung lên mạng internet. Xem clip, không thể tránh khỏi ý nghĩ: tàn nhẫn. Hay nói như thạc sĩ tâm lí học Nguyễn Minh Đức, viện Khoa học giáo dục Việt Nam, đó là sự vô nhân đạo. Những khái niệm nhân phẩm, nhân quyền hay nhân đạo dường như xa lạ với những người thực thi quyền lực công này, và dường như cách hành xử đó đối với họ là hết sức bình thường. Bởi nếu không, đã phải có ai đó trong số họ sau khi xem lại clip thấy không ổn và huỷ nó đi. Đàng này không…
Dù có phạm tội, hai cô gái ấy vẫn là những công dân, những con người có nhân phẩm. Vả chăng tội mại dâm, bán thân nuôi miệng đâu phải là tội hình sự ghê gớm gì như giết người cướp của hay xâm phạm an ninh quốc gia. Đại diện cho nhà nước hành xử quyền lực công sao có thể xưng hô, có thể quay phim xúc phạm nhân phẩm công dân, vi phạm quyền nhân thân một cách thô bạo như vậy? Phải chăng một khi được trao quyền lực vào tay, những người này tin rằng mình có thể hành xử với công dân ra sao cũng được? Với danh nghĩa bảo vệ luật pháp, bảo vệ đạo đức xã hội, họ đã vi phạm pháp luật, chà đạp đạo đức, luân thường xã hội .

Tác hại của vụ này là không nhỏ, trước hết là đối với hình ảnh của những người đại diện cho quyền lực công, cho luật pháp, cho trật tự và đạo đức xã hội. Mặt khác, với cách hành xử thô bạo, tàn nhẫn như vậy của những người đại diện cho quyền lực công với công dân, người ta có quyền đặt câu hỏi: liệu có phải ngạc nhiên khi bạo lực ngày càng có xu hướng lan tràn trong xã hội? Và liệu có mối liên hệ gì chăng giữa cách hành xử thô bạo với các cô gái mại dâm trong clip này với những trường hợp một số công dân vi phạm pháp luật, chẳng hạn luật giao thông, bị đánh tại chỗ hoặc bị bắt về đồn rồi đột tử một cách khó hiểu?
Ngành công an đã phản ứng nhanh chóng trước sự việc này, đã sớm tìm ra những người xem thường nhân phẩm, vi phạm quyền nhân thân của công dân qua việc quay và chuyền tay nhau cái clip kia. Nhưng chỉ trừng phạt người có hành vi xâm phạm nhân phẩm, quyền nhân thân của công dân và người phát tán “tài liệu mật” là chưa đủ. Để không xảy ra nữa những vụ tương tự, cần đảm bảo, trước khi trao quyền lực công vào tay ai đó, người ấy phải được dạy và nắm chắc cách hành xử đúng mực, đúng quy định của pháp luật với mọi công dân. Hơn thế, cần củng cố hoặc bổ sung những thiết chế luật pháp và xã hội hữu hiệu chứ không chỉ trên giấy để đảm bảo quyền nhân thân, nhân phẩm của công dân được bảo vệ trong mọi hoàn cảnh.
Người viết bài từng mong cái clip kia là giả, là dàn dựng để khỏi phải bàn về nó. Nhưng gây bức xúc dư luận xã hội trong trường hợp này lại không phải là những người đưa tin mà chính là một số người được trao nhiệm vụ thực thi quyền lực công. Cuộc sống không chỉ có một mặt. Và người đưa tin có thể nào làm như không biết?


*Theo báo Dân Trí, ông Lê Hồng Anh, bộ trưởng Công an cho rằng “việc bắt người, giữ người phải đảm bảo chứng cứ, cho nên việc quay phim, chụp ảnh là nằm trong nghiệp vụ. Tuy nhiên, việc đưa clip lên mạng là vi phạm”.

*Còn theo báo Người Lao động, Trung ương Hội LHPN Việt Nam cũng cho biết sẽ phối hợp với cơ quan chức năng để làm rõ và có văn bản nêu ý kiến chính thức để bảo vệ nhân phẩm phụ nữ. Nói với NLĐ, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB-XH) Nguyễn Văn Minh cho biết, quy trình bắt quả tang các đối tượng mại dâm không cho phép quay phim khỏa thân như vậy.

Thứ Hai, 4 tháng 10, 2010

Lỡ tàu


“Bây giờ chúng ta mong muốn anh (Ngô Bảo) Châu về nước làm việc. Tại sao những người như anh ấy phải quay về Việt Nam? Điều ấy được nói ra đã muộn mất 20 năm rồi. Nay Việt Nam không còn cơ hội dùng những người như vậy với tư cách các nhà khoa học nữa. Việt Nam đã lỡ con tàu đó rồi… Việt Nam đã mất ba thế hệ khoa học rồi”. Đó là những câu nói đượm buồn và đầy vẻ tiếc nuối cho chính đất nước chúng ta của Giáo sư Pierre Darriulat, một nhà vật lý hàng đầu quốc tế, viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Pháp, người đã thành lập phòng thí nghiệm vật lý tia vũ trụ đầu tiên của Việt Nam đặt tại Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân, đào tạo các nhà nghiên cứu trẻ về vật lý tia vũ trụ, người - như chính ông tự nói về mình- “đã sống ở Việt Nam hơn mười năm và đang cống hiến phần còn lại của cuộc đời tôi cho Việt Nam” (Trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần ra ngày 12-9-2010).
Bernard Tan, giáo sư - tiến sĩ, trưởng khoa công nghệ thông tin Đại học Quốc gia Singapore (NUS) , chủ tịch Hội Quản trị hệ thống thông tin quốc tế, giảng dạy tại nhiều đại học danh tiếng thế giới, và là biên tập viên một số tạp chí có uy tín về khoa học thông tin và khoa học quản lý, khẳng định: “Hễ người giỏi là chúng tôi (NUS) tiếp nhận, mời gọi”. Ông cho hay: “Singapore không có tài nguyên, nên chính sách nhân lực là quan trọng nhất, là nguồn tài nguyên quý nhất. Ngay từ khi đất nước mới độc lập (1965), ưu tiên số một của chính phủ là làm cho mỗi người dân trở thành những công dân có khả năng cao hơn, giỏi hơn. Trong những thập kỷ vừa qua, chính phủ đã tập trung tối đa cho phát triển giáo dục, nghiên cứu, lập ra những trường đại học chất lượng cao để thu hút sinh viên giỏi, đồng thời đưa người giỏi ra nước ngoài học. Với một nước nhỏ, dân số ít, phải kiên trì với chính sách này trong nhiều năm, Singapore mới có đủ nhân tài để phát triển như hôm nay… Mới đây, nhân Quốc khánh Singapore, chính phủ đã ban hành quyết định Phủ thủ tướng sẽ là cơ quan điều phối hai vấn đề: quản trị dân số và quản trị tài năng” (Trả lời phỏng vấn báo Sài Gòn Tiếp Thị ra ngày 10-9-2010).
Tất cả những thông tin, ý kiến này thật ra không hoàn toàn mới. Nhiều người Việt Nam, nhà khoa học Việt Nam, cả các nhà lãnh đạo cũng biết và từng nói. Nhưng năm này qua năm khác, hết kế hoạch này đến kế hoạch khác, thế hệ này qua thế hệ khác, đất nước vẫn chưa thoát ra khỏi mớ bòng bong cải cách giáo dục, vẫn chưa có được một chiến lược đào tạo và sử dụng tài năng, hay nói như ông Bernard Tan, “quản trị tài năng”. Chúng ta nói rất hay khi mượn lại một câu của tiền nhân: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” và nói xong rồi thì chẳng có một kế hoạch thực hiện nào cả. Nóng lòng thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển trước ta, có người hô “phải đi tắt, đón đầu” mà không chú trọng đến tri thức. Đi tắt, đón đầu mà không có tri thức thì rất dễ sụp hố. Như - chỉ để lấy ví dụ mới nhất - Vinashin muốn nhanh chóng phình to, trở thành tập đoàn đóng tàu có tên tuổi trong khi quản trị công ty kém cỏi, đã lâm cảnh phá sản và trở thành gánh nặng cho quốc gia, phải được nhà nước giải cứu bằng tiền ngân sách.
Cho nên, từ muốn (ý chí chủ quan) đến biết (tri thức đúng, cần thiết) và hành động (có kế hoạch cụ thể, chặt chẽ chứ không phải là hô khẩu hiệu) để phát triển đất nước là những chặng đường không thể tuỳ tiện bỏ qua, làm liều, đặc biệt là khâu biết. Mà muốn biết thì phải học, phải mời người giỏi dạy cho và phải trọng dụng người giỏi. Chân lý thật đơn giản như ông bà ta nói “muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”. Vậy mà trong thực tế, trong các nấc thang của bộ máy quản trị quốc gia, không phải bao giờ người ta cũng hành động như vậy. Nạn chạy chức chạy quyền, tay chân bè phái, đố kỵ và trù dập người tài, người cương trực là một bí mật mà ai cũng biết. Trong môi trường đó, liệu người tài và cương trực có thể tồn tại mà không đánh mất mình? Và ở phạm vi quốc gia, ai “quản trị các tài năng”?
“Việt Nam đã lỡ con tàu đó rồi”, lời nhận xét của GS Darriulat nghe sao mà nhức nhối. Điều gì đã khiến chúng ta lỡ con tàu phát triển khoa học, tri thức và sử dụng nhân tài để thu hẹp khoảng cách tụt hậu với các nước dù đất nước đã có 35 năm hoà bình (nền độc lập của Singapore chỉ dài hơn 10 năm), nguồn lực tăng gấp đôi (từ hai miền chia cắt thành một đất nước thống nhất)? Đó là câu hỏi cần trả lời khi đất nước lại sắp sửa bước vào một chặng đường mới với bao kỳ vọng xen lẫn âu lo: làm thế nào để 20 năm sau chúng ta không còn phải nghe lại câu nói nhức nhối “các bạn đã lỡ con tàu đó rồi”.

Đất và lòng dân


Thảo luận báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2010 tại cuộc họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hôm 27.9, chủ nhiệm Ủy ban Tài chính -  Ngân sách Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu một băn khoăn có lẽ không chỉ của riêng ông trong bối cảnh hiện nay: những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước khá cao, năm 2010 khoảng 6,7% (theo giá cố định), thu nhập đầu người cũng tăng, vậy thì nguyên nhân nào khiến người dân “toan lo nghèo khó, côi cút làm ăn” lại phải kéo nhau lên huyện, lên tỉnh, thậm chí lên Trung ương để khiếu kiện?
Nói ngắn gọn, kinh tế tăng trưởng, sao lòng dân chưa yên?
Bởi, theo báo cáo của Chính phủ, tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2010 vẫn tiếp tục tăng so với năm 2009. Theo đó, các bộ, ngành và địa phương đã tiếp nhận và xử lý 157.797 đơn khiếu nại, tố cáo (tăng 29,8%) về 112.063 vụ việc (tăng 17%). Số lượt công dân đến các cơ quan Nhà nước khiếu nại, tố cáo gia tăng với 379.989 lượt người (tăng 23,7%), khiếu kiện đông người cũng tăng 43,11% - báo cáo nêu rõ.

Như nhiều năm trước đây, nội dung khiếu nại chủ yếu vẫn tập trung vào lĩnh vực đất đai (69,9%). Còn tố cáo chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, vi phạm pháp luật, mà đứng hàng đầu vẫn là về quản lý đất đai.

Ông Hiển nêu tiếp câu hỏi: chi cho quản lý hành chính tăng, biên chế cũng có xu thế tăng lên, lương cũng tăng… tại sao không đi đôi với tăng hiệu quả giải quyết công việc và giải quyết khiếu nại, tố cáo? Nguyên nhân thuộc về cơ chế hay tốc độ tăng trưởng kinh tế quá nóng, phát triển kinh tế chưa đi đôi với giải quyết vấn đề xã hội?
Cũng theo ông Hiển, nếu chỉ đổ tại cơ chế mà không quan tâm đến con người thì rất khó có thể cải thiện được tình hình. Nhiều cán bộ xã làm sai không biết là sai vì mới chỉ học hết trung học, cán bộ huyện cũng yếu nên đơn thư khiếu nại, tố cáo cứ tích tụ lại và dồn lên cấp cao hơn. Nhiều ý kiến thảo luận cho rằng, tình hình khiếu nại, tố cáo không giảm và vẫn diễn biến phức tạp phản ánh tình trạng kém hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước; năng lực, trình độ cũng như phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức.
Đúng là cơ chế, con người, năng lực, trình độ, phẩm chất cán bộ công chức… tất cả đều có phần của nó trong nguyên nhân làm cho khiếu nại, tố cáo ngày càng tăng. Nhưng mấu chốt có lẽ không phải ở đó, bởi những nguyên nhân kể trên ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý nhà nước ở tất cả các lĩnh vực chứ không riêng lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo. Mấu chốt vấn đề là ở tỉ lệ gần 70% nội dung đơn thư khiếu nại là về đất đai: thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Đất, hay chính xác hơn, những quy định luật pháp về đất đai chính là cái nút cần phải gỡ, nếu muốn giải quyết tình trạng khiếu kiện kéo dài và ngày càng tăng.
Dù, theo Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng, “đừng nghĩ rằng sửa được chính sách trong luật Đất đai thì khiếu nại tố cáo giảm đi, bởi như nghị định 69 năm 2009, tăng mức đền bù gấp 1,5 đến 5 lần, người bị thu hồi sau được lợi hơn những người trước, khiếu nại, tố cáo về đất đai sẽ tiếp tục gia tăng”, thì có lẽ không ai không đồng tình rằng những quy định trong luật Đất đai năm 2003 và nghị định 69 như: “Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi được bồi thường bằng đất có cùng mục đích sử dụng; nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền tính theo giá đất cùng mục đích sử dụng” (giá do chính quyền áp đặt) chính là nguồn gốc của hầu hết khiếu kiện của nông dân.
Với quy định này, mặc dù là đồng sở hữu chủ đất đai trên danh nghĩa (đất đai thuộc sở hữu toàn dân) nhưng khi bị buộc phải giao đất cho người khác, đồng sở hữu chủ là nông dân lại không có quyền thương lượng về giá đối với mảnh đất mà mình “sở hữu”. Nếu được quyền thương lượng, hẳn nông dân sẽ không bán mảnh đất của mình “theo giá đất cùng mục đích sử dụng” (đất nông nghiệp) mà theo giá kỳ vọng có dự án tương lai, và chủ đầu tư dự án, nắm chắc là có lời mới xin đầu tư, cũng sẽ phải mua theo giá kỳ vọng đó. Nhưng điều đó đã không xảy ra khi Nhà nước, lấy tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân, buộc nông dân giao lại đất với giá do Nhà nước áp đặt để rồi, cùng mảnh đất đó, khi qua tay chủ dự án và được chuyển đổi mục đích sử dụng, có thể lập tức được bán lại với giá gấp hàng trăm lần. Lợi ích từ đất đai “sở hữu toàn dân” thay vì được chia đều lại chỉ chảy chủ yếu vào túi nhà đầu tư và những cán bộ được nhà đầu tư lại quả. Đó là một nghịch lý và là nguồn gốc của bất công, của khiếu kiện kéo dài khiến lòng dân chưa yên, dù kinh tế nhìn chung có tăng trưởng – một sự tăng trưởng mà lợi ích chưa được chia đều.  
Riêng trong vấn đề này, phải đồng ý với ông chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn khi ông nhấn mạnh: Phải sửa luật Đất đai càng nhanh càng tốt, chừng nào không sửa luật Đất đai thì không thể thay đổi thực trạng (khiếu kiện của dân). Ông Đàn cũng đề nghị xem lại nghị định 69 liên quan đến quy định về đền bù giải phóng mặt bằng. Xa hơn và căn bản hơn, để tránh sự lợi dụng khái niệm “sở hữu toàn dân” trong việc quy hoạch sử dụng, thu hồi, đền bù giải toả đất đai của các cấp chính quyền, cần xác lập lại một cách đúng đắn hơn, phù hợp với thực tế hơn các hình thức sở hữu đối với đất đai như nhiều nhà nghiên cứu đã đề xuất, bao gồm sở hữu công (sở hữu quốc gia, sở hữu của chính quyền trung ương và địa phương), sở hữu tư nhân, sở hữu tập thể hay cộng đồng.

Thứ Năm, 5 tháng 8, 2010

LÀM SÓI


Vì sao một bé gái 14 tuổi lại nghĩ đến việc tự đặt cho mình cái biệt danh dữ dằn: “ sói”, rồi cầm đầu một băng nhóm, đa số vẫn còn trong tuổi vị thành niên, chuyên thực hiện những hành vi tội ác mà trước nay chỉ những kẻ tội phạm già đời, chai sạn mới có gan thực hiện: bắt cóc, cướp của, hãm hiếp tập thể rồi quay phim nhằm khống chế, buộc nạn nhân bán thân để trở thành cỗ máy kiếm tiền cho cả bọn?
Khi tự đặt cho mình cái tên My “sói”, cô bé tuổi 14 đã nghĩ gì trong đầu?
Chúng ta không biết. Nhưng, bằng cách tự khoác lên mình cái lốt sói ở tuổi 14, có vẻ như cô bé đã tự xác định cho mình một cách thế tồn tại trong xã hội này: phải trở thành sói với kẻ khác. Cái biệt danh “sói” vang lên vừa như là cái nhìn, là sự tổng kết, đánh giá hoặc là sự phán xét của cô bé về xã hội, rằng: không làm gì có tình yêu, tình thương, không làm gì có chuyện “người yêu người, sống để yêu nhau” trong xã hội mà rất nhiều khi người ta đối xử với nhau như sói; vừa như một tuyên ngôn sống từ đó trở đi của cô bé: vậy thì, để tồn tại trong xã hội, ta - My “sói” cũng sẽ đối xử với mọi người như sói.
Cái nhìn của cô bé về xã hội khởi đầu từ gia đình. Chưa đầy một tuổi, cha mẹ ly dị, sống với ông bà đến 11 tuổi, ông bà theo nhau qua đời, chỗ nương tựa cuối cùng không còn, cô bé hoàn toàn bơ vơ. Đến sống với bố khi bố đã có gia đình riêng, rồi với mẹ khi mẹ đã ly dị đời chồng thứ hai, cô bé cũng không sống nổi. Tìm đâu ra tình yêu thương? Hẳn cô bé đã nhìn cuộc đời qua sự thiếu vắng tình yêu đó. Và thế là bắt đầu chuỗi ngày bỏ nhà đi hoang, kết bè kết nhóm và trượt dần vào con đường phạm tội.
Còn nhà trường, thầy cô? Chúng ta không có thông tin về những ngày My “sói” cắp sách đến trường cho đến lớp 7. Nhưng, với những gì chúng ta biết về nhà trường hiện nay, về cuộc sống đầy lo toan của thầy cô thì, dù có muốn, họ cũng chẳng thể nào có đủ tâm lực và thời gian làm tròn vai trò của những nhà giáo dục thực thụ, biết chăm lo cho sự trưởng thành nhân cách của từng đứa học trò chứ không chỉ là người truyền đạt như một cái máy một số kiến thức. Thật khó mà hình dung có bàn tay nào đó tận tụy, chịu thương chịu khó dìu dắt từng bước đi cho những học sinh “cá biệt” như My “sói”. Ngoài cuộc sống vật chất của gia đình phải lo, những thành tích thi đua phải đạt, việc bỏ công sức chăm lo cho sự trưởng thành nhân cách của những học sinh như My “sói” chưa chắc đã được ghi nhận như là một thành tích. Và, ở tuổi của mình, My “sói” chắc hẳn cũng đã nhìn xã hội qua nhà trường ấy, một nhà trường không dung nạp được cô bé.
Còn xã hội? Nếu có quan tâm đến những gì diễn ra trong xã hội, ở tuổi của mình, hẳn cô bé cũng sẽ không thiếu dịp để thất vọng trước không ít thực tế đi ngược với những gì người lớn tìm cách làm cho cô bé tin. Thực tế, cái xã hội gần gụi nhất mà cô bé tiếp xúc, gia nhập và nhanh chóng trở thành một trong những đầu đàn là những băng nhóm thanh thiếu niên kiếm sống, lừa đảo, phạm tội nơi các quán internet. Và thế là, để tồn tại trong môi trường ấy, My “sói” đã không ngần ngại trở thành sói với những cô bé cùng trang lứa. Hãy nghe My “sói” giải thích vì sao cô bé có thể, và phải, trở thành sói. Tại nhà tạm giữ Công an quận Đống Đa, Hà Nội, khi phóng viên báo Gia đình & Xã hội hỏi: "Cháu bé thế này thì làm sao để chỉ cần "hô" một câu là cả băng nhóm lao vào thi hành mệnh lệnh? Nhìn các bạn gái khác bị đánh đập, hãm hiếp, cháu có nghĩ đến một ngày nào đó sẽ có kẻ làm như vậy với cháu không?", My đáp: "Con sợ lắm chứ, nhưng phải giấu nỗi sợ vào trong để chẳng ai nhận ra. Có như thế thì bọn nó mới sợ mình cô ạ!". Và: “Con tự coi mình là đứa trẻ lạc loài. Phải bằng mọi cách để tự làm chủ đời mình, nhất thiết con phải "xù lông" lên thì mới tồn tại được…”
Con ngựa hoang chưa chịu vết thù nào trên lưng trừ vết thương tâm lý do gia đình bất hạnh, đã lạnh lùng gây những vết thù trên lưng những con ngựa khác. Không tin có tình yêu thương trong xã hội, không tin vào bất cứ thứ gì ngoài việc phải làm cho kẻ khác sợ mình để đạt được mục đích, cô bé “tuổi khăn quàng đỏ” - như ta thường nói - đã “giấu nỗi sợ vào trong”, “xù lông” lên làm sói để săn mồi và để những con sói khác không thể hại đến mình.
Câu hỏi đặt ra: với chiều hướng phát triển như hiện nay của xã hội, với khoảng cách quá lớn giữa lời nói và việc làm của người lớn (hãy nghĩ tới vụ Sầm Đức Xương và Nguyễn Trường Tô ở Hà Giang), với những cú sốc gia đình ngày càng tăng mà trẻ nhỏ phải hứng chịu, phải chăng chúng ta rồi sẽ còn phải chứng kiến sự xuất hiện của những con sói vị thành niên tiềm tàng khác?

Thứ Hai, 5 tháng 7, 2010

CHẲNG CÒN GÌ THIÊNG ?


(Nhân Ủy ban Kiểm tra trung ương vừa kết luận có sai phạm trong vụ xây tượng đài Điện Biên Phủ, đăng lại một bài đã đăng ngày 10/4 năm nay).

Phiên tòa xử vụ “rút ruột” tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ (gọi một cách vắn tắt) đã phải tạm ngưng để điều tra, làm rõ thêm những số liệu chưa thống nhất về mức độ bị “rút ruột”, những cáo buộc đưa và nhận hối lộ,v.v… Bản án vẫn chưa được tuyên. Tuy nhiên, với những gì mà các bị cáo đã khai tại phiên tòa, và với hiện trạng tượng đài đang bị vây bọc giữa lô nhô giàn giáo để dậm vá, sửa chữa sau gần 6 năm khánh thành, một người bình thường không thể không đặt câu hỏi: Vì sao điều ấy (việc rút ruột) lại có thể xảy ra với một công trình mang ý nghĩa lịch sử thiêng liêng như công trình tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, một chiến thắng được xem là “chấn động địa cầu”, kết quả của cuộc kháng chiến cam go và đầy hy sinh của toàn dân tộc? Phải chăng, với những người trực tiếp hay gián tiếp liên quan tới việc “rút ruột” này, lịch sử chẳng là cái gì, và chẳng có cái gì là thiêng liêng cả? Bởi, với một người bình thường, “ăn” vào lịch sử, “ăn” cả vào những cái được coi là thiêng liêng, chỉ nghĩ đến thôi đã phải rụt tay lại. Vậy nhưng vẫn có người “ăn” được. Phải chăng hiện tượng “ăn được chỗ nào là ăn” đã phổ biến đến mức, ngay cả với một công trình mang ý nghĩa lịch sử thiêng liêng như tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, người ta cũng không chừa?
Mà họ, những người toa rập với nhau để “rút ruột” tượng đài, nào phải đâu là những công dân bình thường? Họ là những người có vai vế, có địa vị xã hội, có học thức, là phó giám đốc sở văn hóa thông tin, phó giáo sư, tiến sĩ, giám đốc công ty mỹ thuật… Tức những người thường rao giảng về cái đẹp và lẽ ra phải bảo vệ cái đẹp; hiểu biết lịch sử và lẽ ra phải góp phần tôn vinh lịch sử, chí ít cũng phải hiểu được đâu là cái thiêng liêng không thể tơ hào, không thể xâm phạm.
Nhân vụ án này, nhiều người đã nói đến chuyện niềm tin. Phải, nhớ lại 6 năm trước, khi tượng đúc xong và được vận chuyển về Điện Biên vào kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, báo chí đã tường thuật háo hức như thế nào, công chúng đã quan tâm theo dõi như thế nào để rồi sau đó ít lâu mới hay niềm tin của mình đã bị “rút ruột” như thế nào. Quả thật, đây là một đòn đánh vào niềm tin của người dân vào những giá trị thiêng liêng, cao đẹp. Ở đây, chuyện ăn gian chính xác bao nhiêu tấn đồng không quan trọng bằng chuyện niềm tin bị đánh cắp. Mà khi niềm tin bị đánh cắp, khi người ta -  nhất là người trẻ - cảm thấy không còn tin được nữa, kể cả vào những cái vốn được coi là thiêng liêng, thì hậu quả xã hội sẽ khôn lường. Những điều thiêng liêng khác, chẳng hạn như mạng sống con người, cũng sẽ bị coi rẻ. Việc người ta lấy mạng nhau chỉ vì một va quẹt nhỏ trên đường, việc học sinh đâm chết bạn trong lớp chỉ vì một xích mích nhỏ - những sự việc như thế xảy ra ngày càng nhiều - phải chăng phản ánh sự chới với, mất niềm tin đó?
Và điều nghịch lý là, trong khi có những cái cần giải thiêng để con người sống theo lý tính hơn là chỉ theo cảm tính và niềm tin mù quáng, thì không được giải thiêng; ngược lại, có những điều thiêng liêng cần gìn giữ, bảo vệ thì có người, lẽ ra phải góp phần gìn giữ, bảo vệ lại chẳng coi ra gì và tìm cách “ăn” cả vào đấy. Trách sao ta không tránh khỏi phải chứng kiến những đảo lộn đau lòng.

Thứ Sáu, 2 tháng 7, 2010

KỲ VỌNG ODA ?


Những ngày này, mọi kỳ vọng phát triển dường như đang được dồn hết cho viện trợ phát triển chính thức (ODA). Không thể phủ nhận, trong điều kiện đất nước còn nghèo, xuất phát điểm để phát triển rất thấp, ODA đã đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong vài thập niên qua, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, bên cạnh những cái lợi mà ai cũng thấy, sự quá lệ thuộc vào ODA cũng đem đến nhiều bất lợi như nhiều nhà phân tích đã chỉ ra (phải dành tiền để trả nợ lâu dài, sự lệ thuộc về giao thầu thi công, mua thiết bị, công nghệ, chi phí cao cho chuyên gia… và những nhượng bộ khác).
Ngoài ra, điều quan trọng không kém nhưng ít được nhắc tới là việc quá nhấn mạnh đến vai trò của ODA trong phát triển sẽ khiến chúng ta bỏ quên việc khai thác, bồi bổ nội lực trong dân. Nội lực được hiểu không chỉ là nguồn lực vật chất mà còn là tri thức và kỹ năng khoa học, công nghệ. Không chăm lo bồi bổ, khai thác nguồn nội lực này, về lâu dài đất nước có nguy cơ phụ thuộc bên ngoài về mọi mặt.
Một điều quan trọng khác là hiệu quả sử dụng ODA. Chính phủ và một số nhà tài trợ cho tới nay vẫn khẳng định Việt Nam sử dụng hiệu quả vốn vay ODA. Tuy nhiên, một số vụ tham nhũng liên quan đến ODA mà ai cũng biết và những số liệu khác khiến chúng ta không thể chủ quan. Một nghiên cứu về quản lý và sử dụng ODA của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương mới đây đã đi đến kết luận: “Tuy công tác thu hút và sử dụng ODA ở Việt Nam trong gần hai thập kỷ qua đã đạt được những kết quả tích cực, song vẫn còn tồn tại những hạn chế và bất cập, ảnh hưởng đến hiệu quả và tác động của ODA đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và xóa đói giảm nghèo của đất nước”.
Vẫn theo nghiên cứu này, những hạn chế và bất cập trong việc quản lý và sử dụng ODA thể hiện ở một số mặt chủ yếu, trong đó đáng kể nhất là sự chậm trễ trong việc giải ngân. Tỷ lệ giải ngân/ vốn cam kết có xu hướng ngày càng giảm sút trong những năm gần đây. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ vốn ODA giải ngân/vốn ODA cam kết trong các năm từ 2006 đến 2009 đạt tương ứng là: 40,2%; 40,1%; 38,1% và 37,2%. Sự chậm trễ này diễn ra ở nhiều dự án quan trọng và ở hầu hết các bộ, ngành, địa phương. Tại Hội nghị CG giữa kỳ diễn ra tại Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) mới đây, WB đã chỉ ra 10 dự án “đặc biệt có vấn đề” về tiến độ giải ngân, thuộc sự quản lý của các bộ khác nhau. “Tình trạng giải ngân chậm đã không chỉ ảnh hưởng tới cân đối ngân sách chung và kế hoạch phát triển của các ngành, mà còn làm mất đi những lợi thế về chi phí vốn, lãng phí chi phí cơ hội của vốn ODA, lãng phí nguồn vốn giá rẻ như ODA”, công trình nghiên cứu nói trên khẳng định. Ngoài ra, còn có những bất cập về chính sách thu hút và sử dụng ODA, những bất cập trong quản lý nhà nước về vốn ODA, khu vực tư nhân chưa thể tiếp cận được nguồn vốn này trong khi nhiều doanh nghiệp nhà nước giải ngân rất thấp.
Tất cả những điều trên nhắc chúng ta rằng, trong khi tranh thủ nguồn ngoại lực ODA cho công cuộc phát triển đất nước, cần luôn nhớ nó không phải là “của trời cho”, vô điều kiện, có thể sử dụng phung phí, và cần luôn nhớ việc bồi bổ, khai thác nguồn nội lực mới là kế sách phát triển lâu dài.

HIỆN ĐẠI HÓA VÀ CÁI BẰNG DỎM


Là giám đốc sở, nếu ông không biết cái bằng tiến sĩ mà ông đã bỏ 17.000 đôla để mua từ cái công ty “Đại học Nam Thái Bình Dương” ấy là bằng dỏm thì điều ấy chứng tỏ ông rất thiếu thông tin, thiếu hiểu biết, và như vậy liệu có xứng đáng làm giám đốc sở văn hóa ở đất nước đang muốn xây dựng “xã hội học tập” này?
          Là giám đốc sở, nếu ông biết đó là bằng dỏm mà vẫn mập mờ đánh lận con đen, báo với tổ chức như đó là bằng thiệt và dùng nó để thăng quan tiến chức thì ông đã gian dối với tổ chức và với mọi người, và càng không xứng làm giám đốc sở văn hóa ở đất nước ngàn năm văn hiến này.
          Là giám đốc sở văn hóa mà làm như ông, sao có thể trách học sinh cứ đến mùa thi lại chạy đến các “chợ phao”, sao có thể dẹp được các “chợ luận văn” phục vụ cho những kẻ muốn có bằng mà không muốn học?
          Và nếu không bị phát hiện, hẳn rồi ông cũng sẽ được mời, với tư cách tiến sĩ, tham gia hoặc đứng đầu hội đồng khoa học này, ủy ban thẩm định kia và đưa ra những lời vàng ngọc về đủ thứ giá trị, trong khi cái giá trị căn bản là sự trung thực, tấm bằng thiệt và tri thức thiệt thì ông không có.
          Đó là nói riêng về ông giám đốc sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh Phú Thọ. Nhưng, như mọi người đều biết, sử dụng bằng cấp dỏm hoặc bằng thiệt mà học dỏm đâu chỉ có ông giám đốc sở VHTTDL ở Phú Thọ. Không ít quan chức ở nhiều địa phương khác cũng đã và đang bỏ tiền mua bằng cấp để có điều kiện tiến thân cao hơn hoặc ít nhất cũng để chứng tỏ “giá trị” của mình. Chính ông giám đốc này cho biết có một số cán bộ ở Hà Nội, Thái Nguyên cũng “học” để lấy bằng như ông.
Giải thích về hiện tượng hay vấn nạn này, nhiều người đã phân tích về tâm lý sính bằng cấp, sính ngoại của người Việt Nam; về nghịch lý bằng cấp và chức vụ (được “cơ cấu” trước, có chức trước rồi mới lo “chạy” bằng); về quy trình tuyển chọn, đề bạt quan chức . Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Nó còn nói lên một cái gì đó sâu xa hơn vẫn tồn tại dai dẳng trong xã hội Việt Nam. Đó là, trong khi chúng ta hô hào hiện đại hóa thì cái tâm lý xã hội thâm căn cố đế của chúng ta, kể cả trong  bộ máy công quyền vẫn chuộng hình thức, hư học, hư danh hơn là thực chất, thực học; chuộng bằng cấp, dù là bằng cấp dỏm, hơn là tri thức thiệt, năng lực thiệt. Hà Nội chẳng đã từng dự định buộc 100% cán bộ cốt cán phải có bằng tiến sĩ đó sao?
Nhưng làm sao có thể hiện đại hóa đất nước, hiện đại hóa xã hội bằng tri thức dỏm, bằng cấp dỏm, bằng những thứ hư danh? Có thể bỏ 17.000 đôla để mua cái bằng dỏm nhưng làm sao có thể bỏ tiền để mua tri thức thiệt nhằm hiện đại hóa đất nước nếu không đổ mồ hôi, sôi nước mắt học, học và học? Rồi đất nước sẽ đi về đâu, nền học thuật nước nhà sẽ đi về đâu nếu đất nước đầy rẫy những ông tiến sĩ có bằng dỏm hoặc bằng thật mà học dỏm? Hiện đại hóa chắc chắn là không, mà đất nước sẽ ngày càng đi đến chỗ lụn bại vì làm gì có tri thức thiệt, tầng lớp trí thức thiệt để tiến hành hiện đại hóa? Bởi hiện đại hóa, nhất là hiện đại hóa xã hội, là sự thay đổi từ bên trong, trên nền tảng tri thức tiếp thu được chứ làm gì có thứ hiện đại hóa vay mượn, càng không thể có thứ hiện đại hóa dựa trên tri thức dỏm, bằng cấp dỏm mua được bằng tiền.
Nền tảng tri thức của một đất nước, một xã hội như cái vốn để phát triển. Thực tiễn phát triển của nhiều quốc gia cho thấy nó còn quan trọng hơn tài nguyên và những nguồn lực vật chất khác. Nghĩ tới một ngày nào đó người chủ của đất nước này kiểm tra lại lưng vốn của mình nhằm chuẩn bị đầu tư lớn và nhận ra, thay vì những đồng tiền vàng lại chỉ là một mớ giấy lộn, lúc ấy chắc chỉ còn biết khóc ròng. Để không có cái ngày ấy, đã đến lúc xã hội chúng ta cần đoạn tuyệt với cái tâm lý chuộng hư danh, hình thức để theo đuổi những giá trị thực, bắt đầu bằng học thiệt, tri thức thiệt, bằng cấp thiệt.

Thứ Sáu, 7 tháng 5, 2010

ĐÊM VÂN PHONG NGHE TIẾNG BÌM BỊP KÊU


Khoảng mười giờ đêm, trăng 17 lấp ló sau những đám mây. Ngoài kia, ngoài bãi cát ven đảo Hòn Ông, thủy triều bắt đầu âm thầm dâng. Bỗng nghe trong đêm tĩnh mịch vang lên tiếng kêu “bip, bip, bip” của những con chim bìm bịp. Tiếng kêu nghe mênh mang, gợi nhớ vùng sông nước miền Tây nhưng đây lại là ở giữa vịnh Vân Phong. Không ngờ trên đảo Hòn Ông này cũng được nghe chim bìm bịp kêu cùng con nước lớn ròng.
          Hòn Ông là một đảo nhỏ nằm cách bãi Đầm Môn chỉ khoảng 15 – 20 phút đi tàu. Trên đảo là một khu nghỉ dưỡng và trung tâm huấn luyện lặn biển nhỏ. Khu nghỉ dưỡng được xây dựng hài hòa với thiên nhiên trên đảo, với tối thiểu xi măng và tối đa vật liệu từ thiên nhiên như mái lá dừa, cột tre, cửa bằng gỗ hoặc phên tre, lối đi rải cát sỏi, không bê tông hóa. Bãi tắm được giữ hết sức sạch sẽ và cá từng đàn tung tăng trong làn nước trong xanh ngay sát bãi tắm. Từ Hòn Ông đi tàu ra gần cửa biển, lặn ngắm san hô đủ màu sắc hoặc neo tàu, nhảy xuống tắm trong nước vịnh ấm áp giữa hè thật không còn gì thú bằng. Có lẽ vì du khách lui tới còn ít nên vịnh Vân Phong cũng như Hòn Ông vẫn còn giữ được vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, sự trong lành và hệ sinh thái đặc thù, quý giá của mình. Có lẽ cũng vì vậy mà du khách còn được nghe tiếng bìm bịp kêu mỗi khi nước lên.
           Nghĩ đến đó mới thấy hú hồn khi suýt tí nữa người ta đã cấp phép cho cái dự án nhà máy thép kia ở cái vịnh có một không hai này của Việt Nam, và mừng vì cuối cùng dự án đã bị gạt bỏ. Có những hệ sinh thái một khi đã bị hủy hoại sẽ mãi mãi không thể phục hồi được nữa. Còn nhà máy thép, không có nhà máy này sẽ có nhà máy khác, không đặt ở địa điểm này sẽ đặt ở địa điểm khác, có thể ít thuận lợi hơn về mặt vận chuyển nguyên liệu, thành phẩm, nhưng so với một hệ sinh thái có thể bị mất đi vĩnh viễn thì những nhà hoạch định chính sách đã sáng suốt khi chọn bảo toàn hệ sinh thái. Chúng ta cấn phát triển, cần công nghiệp hóa, nhưng không phải với bất ký giá nào, nhất là khi cho dù trả giá nào cũng không thể phục hối một hệ sinh thái đã mất. Đó không chỉ vì trách nhiệm với hôm nay mà còn cả với thế hệ mai sau.
           Những ngày này, đi tàu trên vịnh, nhìn về phía vũng Đầm Môn người ta đã thấy một số cọc trụ lớn được đóng xuống đáy vũng, và trên bờ, vật liệu bắt đầu được tập kết. Dự án cảng trung chuyển container quốc tế bắt đầu được khởi động. So với dự án nhà máy thép, cảng trung chuyển là một dự án phát triển được nhiều người đồng tình vì lợi ích kinh tế lớn và vì nó ít gây ô nhiễm. Dự án cảng nằm trong một khu kinh tế bao gồm nhiều dự án khác, trong đó có cả du lịch. Thật tuyệt biết bao nếu những dự án phát triển này không gây tổn hại cho hệ sinh thái và môi trường vịnh Vân Phong, nếu những dự án du lịch trong nước được triển khai ở đây nhanh hơn, bài bản hơn, hiệu quả hơn. Bởi, trong khi khu nghỉ dưỡng và lặn biển Hòn Ông được xây dựng hài hòa với thiên nhiên và cảnh quan trên đảo, được người nước ngoài quản lý sạch sẽ, ngăn nắp, chu đáo thì ở phía đối diện, bên kia vịnh, trên Bãi Tây do một công ty du lịch địa phương quản lý, rác rến đã bắt đầu xuất hiện trên bãi tắm và những công trình xây dựng dường như không theo một ý đồ nào và cảnh quan nhìn vào là thấy ngay sự thiếu chăm sóc.
Đêm trên đảo Hòn Ông, nằm nghe tiếng bìm bịp kêu mênh mang cùng với tiếng sóng vỗ nhẹ vào bãi cát ngoài kia khi triều lên, bỗng thấy dâng lên nỗi nhớ quê hương, dù mình đang ở ngay trên quê hương chứ đâu xa, và rộn lên niềm ước mơ quê hương vừa giàu vừa đẹp, giàu mà không đánh mất đi những gì thiên nhiên ưu đãi cho riêng mình.