Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2007

MUỐN GIÁM SÁT, PHẢI CÓ NĂNG LỰC GIÁM SÁT

TBKTSG số 28-2007 đăng chuyền đề “Để nâng cao chất lượng làm luật”. Dựa vào ý kiến của nhiều luật sư và chuyên gia thuộc nhiều ngành khác nhau và dựa trên thực tế nhiều luật ban hành thiếu tính khả thi hoặc thiên vị lợi ích của cơ quan hành pháp, cũng là người soạn thảo luật, mà xem nhẹ lợi ích của xã hội (ví dụ cụ thể và mới nhất là dự thảo luật về hội), chuyên đề đã đặt vấn đề giới hạn độc quyền soạn thảo luật của cơ quan hành pháp và tăng cường năng lực soạn thảo luật của cơ quan lập pháp cũng như trao quyền soạn thảo dự án luật cho các tổ chức và đoàn thể xã hội.

Sau khi báo ra, chuyên đề đã lập tức nhận được sự phản hồi từ nhiều chuyên gia luật pháp, chứng tỏ nó đã “gãi đúng chỗ ngứa”, đặt đúng vấn đề bức xúc và vẫn đang có nhiều ý kiến tranh luận khác nhau lâu nay. Tất nhiên, hai ba bài viết trong một chuyên đề và những bài trao đổi lại sau đó chưa thể giải quyết rốt ráo vấn đề đặt ra cũng như chưa thể đưa đến sự đồng thuận. Dù sao nó cũng cho thấy tầm mức quan trọng của vấn đề và đào sâu thêm được những khía cạnh có liên quan. Với số báo này, chúng tôi tạm kết thúc cuộc trao đổi ở đây và mong rằng nó sẽ còn được tiếp tục ở những diễn đàn khác để có thể đi đến một sự thống nhất nào đó, một sự thống nhất rất quan trọng để phát triển hệ thống pháp luật và nhà nước pháp quyền ở nước ta.

Để tạm đúc kết, phải nói rằng trong các ý kiến phát biểu trực tiếp hoặc được trích dẫn trong chuyên đề, không có ý kiến nào đòi xóa bỏ quyền soạn thảo và trình dự án luật của cơ quan hành pháp mà chỉ đặt vấn đề, để nâng cao chất lượng làm luật, cần hạn chế bớt độc quyền này đồng thời tăng cường khả năng soạn thảo và trình dự án luật của các đại biểu Quốc hội cũng như của các tổ chức, đoàn thể xã hội. Điểm thứ hai: có sự thừa nhận chung về những sự bất cập trong quy trình làm luật hiện nay, vì độc quyền soạn thảo luật của cơ quan hành pháp khó tránh khỏi dẫn đến chỗ soạn thảo luật chỉ nhắm thuận tiện cho công việc quản lý nhà nước mà không chú ý thích đáng đến lợi ích của các tầng lớp trong xã hội. Tuy nhiên, đến giải pháp thì các ý kiến lại có sự khác biệt. Có ý kiến cho rằng, cơ quan hành pháp vẫn phải là nơi soạn thảo luật chủ yếu và có thể ngăn ngừa sư lạm quyền của cơ quan soạn thảo bằng các chốt chặn trong quy trình soạn thảo và thông qua một dự luật, nhất là bằng vai trò phản biện và giám sát của Quốc hội. Có ý kiến ngược lại, cho rằng cần tăng cường khả năng và quyền soạn thảo luật của các đại biểu Quốc hội và các tổ chức, đoàn thể xã hội.

Xét thực tiễn làm luật ở nước ta, chúng tôi cho rằng vẫn cần mở rộng quyền và khả năng soạn thảo luật của các đại biểu Quốc hội cũng như của các tổ chức và đoàn thể xã hội, tuy nhiên điều quan trọng nhất không phải là ai soạn thảo luật mà là quy trình soạn thảo như thế nào để thu hút được sự đóng góp có giá trị của xã hội; và quy trình giám sát, phản biện và thông qua tại Quốc hội như thế nào để luật được thông qua thật sự có chất lượng. Nhưng muốn Quốc hội đóng được vai trò giám sát, phản biện và quyết định với đầy đủ sự thông hiểu thì mỗi đại biểu phải có đủ năng lực làm việc đó. Câu hỏi đặt ra là: với đa số đại biểu không phải là chuyên trách, mọi đại biểu dân cử của ta phải chăng đã có đầy đủ khả năng này, và làm thế nào để đạt tới đó?

Không có nhận xét nào: