(Lại một bài báo cũ, nhưng vấn đề thì vẫn chưa hề cũ).
Trong tất cả các biện pháp chống tham nhũng, chống lãng phí thì công khai hoá phải là biện pháp đầu tiên. Bởi, như mọi người đều biết, mọi lời hô hào chung chung, mọi sự kêu gọi tu dưỡng đạo đức, thậm chí mọi sự lên án mạnh mẽ nhất mà không kèm theo địa chỉ, danh tính cụ thể của những đơn vị, cá nhân vi phạm, cho đến nay đều tỏ ra không có hiệu quả. Tham nhũng, lãng phí vẫn lan tràn, và như tổng kết mới đây của ngành công an cho thấy, càng ngày những kẻ tham nhũng bị phát hiện có chức vụ càng cao.
Cũng chính vì thế, trong những ngày qua, trong khi các đại biểu Quốc hội đang thảo luận với nhiều ý kiến chưa ngã ngũ về dự thảo Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng thì việc Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế-ngân sách của Quốc hội Tào Hữu Phùng cho nổ “quả bom” liên quan đến việc một doanh nghiệp nhà nước dự chi đến hơn 847 triệu đồng để đón nhận huân chương Lao động hạng 3 (mặc dù sau đó doanh nghiệp này cho rằng dự toán chỉ có 460 triệu đồng) đã gây nên một tác động lớn. Tác động càng mạnh khi báo Tuổi Trẻ TPHCM và kênh truyền hình VTV1 nêu đích danh đơn vị mà Phó chủ nhiệm ủy ban Kinh tế-ngân sách còn ngại công khai hóa : đó là Công ty gốm xây dựng Hạ Long thuộc Tổng công ty Thủy tinh và gốm xây dựng - Bộ Xây dựng.
Chỉ khi bị đưa ra ánh sáng, chỉ đích danh, thì những thủ phạm lãng phí, tham nhũng mới thật sự cảm thấy nao núng và luật pháp mới phát huy tác dụng răn đe của nó.
Cũng vậy, việc báo chí công khai hóa những đơn vị, cá nhân liên quan đến việc nhập 150 xe mô tô công vụ trị giá 750.000 đô-la Mỹ cho cảnh sát giao thông TPHCM và nhiều xe ôtô, mô tô trị giá gần nửa triệu đô-la Mỹ cho cảnh sát giao thông Hà Nội trong dự án tăng cường năng lực quản lý giao thông đô thị, nhưng xe nhập lại không sử dụng được do không đúng quy cách, gây lãng phí lớn tiền vay của Ngân hàng Thế giới, cũng đã khiến công luận hết sức bức xúc và buộc những kẻ có liên quan phải đối diện với trách nhiệm của mình.
Trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống lãng phí, nếu tất cả các vụ việc vi phạm đều được công khai hoá như vậy thì những kẻ có ý định tham nhũng hoặc chi xài phung phí ngân sách nhà nước mới cảm thấy chùn tay, không dám phạm tội. Công khai hoá, bên cạnh sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật,chính là cách duy trì sức ép thường xuyên lên mọi mưu toan tham nhũng, chi xài phung phí đồng tiền ngân sách.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét