Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2007

Của đền đài, núi lửa, vũ nữ và hương liệu

Những vũ nữ Java huyền thoại, những ngôi đền cổ ngàn năm, núi lửa, một bảo tàng xe lửa với những đầu máy có từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, những hương liệu đầy mê hoặc... Đó chỉ là một số trong nhiều nét đặc sắc của thiên nhiên và văn hóa lâu đời của miền Trung Java đang thu hút du khách đến vùng đất này. Ghi nhận sau một chuyến thăm miền Trung Java.


Núi lửa, đền chùa và bảo tàng xe lửa

Giữa bầu trời miền Trung Java, ngọn núi lửa Merapi vẫn đang hoạt động, cao sừng sững đến 2.911 mét so với mực nước biển nhưng ít khi lộ diện hoàn toàn từ chân đến đỉnh núi cho mọi người nhìn ngắm. Mây mù thường xuyên che phủ đỉnh và chân núi khiến phần giữa ngọn núi như treo lơ lửng, chơi vơi giữa trời, đầy vẻ huyền bí.

Từ đèo Ketep, cách núi lửa Merapi một khoảng cách an toàn, chính quyền Indonesia đã xây một trung tâm nghiên cứu núi lửa, nơi khách tham quan có thể tìm hiểu lịch sử các lần hoạt động của núi lửa này mà lần mới nhất là vào năm 1994, cũng như xem cường độ địa chấn theo thời gian thực trực tuyến trên màn hình máy tính. Bên cạnh là một phòng chiếu phim nhỏ, đẹp, xây bằng đá, nơi khách tham quan có thể xem những thước phim tư liệu về những đoàn nghiên cứu núi lửa này. Cạnh đó là một đài quan sát núi lửa dành cho khách tham quan, từ đó du khách nếu có đủ kiên nhẫn, có thể chờ đợi để ngắm nhìn và chụp ảnh những giây phút hiếm hoi núi lửa Merapi lộ nguyên hình. Chỉ mới cách đây chưa lâu, địa điểm này còn chưa được khai thác, đưa vào tour du lịch, nhưng giờ đây, sau khi đương kim Tổng thống Megawati Soekarnoputri đặt viên đá khánh thành điểm du lịch này năm 2002, đèo Ketep đã trở thành một địa điểm tham quan và là một thắng cảnh ngày càng thu hút du khách.

Không chỉ có đèo Ketep và núi lửa Merapi, chính quyền Trung Java còn biết cách khai thác cho mục đích du lịch cả một nhà ga và những đầu máy xe lửa có từ thời thực dân Hà Lan. Nhà ga Ambarawa và tuyến xe lửa trên cao nguyên Trung Java này được thực dân Hà Lan xây dựng vào đầu thế kỷ trước nhằm chuyên chở sản vật từ vùng đất trù phú này về xuôi. Nay nhà ga và tuyến đường sắt này được biến thành bảo tàng Ambarawa và chỉ còn được dùng cho mục đích du lịch. Khác với ga Đà Lạt của ta, trông có vẻ hoang tàn và chỉ có một đầu máy hơi nước do Nhật chế tạo năm 1930 và một toa tàu do Đức chế tạo cũng vào năm ấy, bảo tàng Ambarawa được bảo tồn khá kỹ lưỡng với hàng chục đầu máy hơi nước được chế tạo từ những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Một đầu tàu được chế tạo năm 1911 kéo những toa tàu có thể chở khoảng 60 du khách đi từ ga Ambarawa leo đồi vượt dốc đến ga cuối Bedono trong vòng một tiếng đồng hồ, băng qua những làng mạc mang đậm nét đặc trưng Java, qua những thửa ruộng, đồn điền, vườn rau và vườn cây trái, với xa xa là những ngọn núi xanh thẫm (ngoài Merapi, miền Trung Java còn có bảy, tám ngọn núi cao khác) bao quanh.

Indonesia với hơn 13.000 hòn đảo lớn nhỏ có người ở là một đất nước đa dạng về cảnh quan thiên nhiên, danh thắng và di tích. Khác với đảo Bali, nơi được nhiều du khách phương Tây biết đến, với những bãi tắm tuyệt đẹp và những khu resort đắt tiền, đảo Java và đặc biệt là miền Trung Java lại tự hào không chỉ về cảnh quan thiên nhiên mà còn là cái nôi của lịch sử và nền văn hóa Java cổ kính, với cố đô Yoyakarta của một vương triều Hồi giáo vẫn còn tồn tại và nay được hưởng quy chế như một tỉnh mà tỉnh trưởng chính là nhà vua (sultan) của triều đại Hameng- kubuwono đang trị vì; với những đền đài Phật giáo, Ấn giáo, Hồi giáo cổ xưa. Trung Java được mệnh danh là miền đất của ngàn ngôi đền. Nổi danh nhất trong số đó là Borobudur, một đền thờ Phật giáo lớn nhất thế giới, làm toàn bằng đá núi lửa, được xây dựng từ thế kỷ thứ 9 sau Công nguyên (cùng thời với Angkor của vương quốc Khmer), chứng tích của sự giao lưu thương mại và văn hóa giữa Ấn Độ với vùng đảo Java, bị lãng quên và chỉ được nhà cai trị thực dân người Anh Sir Thomas Stamford Raffles khám phá và trùng tu mười thế kỷ sau (1814). Nhiều di sản của những thời kỳ lịch sử xa xưa vẫn còn sót lại như những vũ điệu Java truyền thống, khoa trị liệu bằng massage với đủ thứ hương liệu từ thảo mộc được nâng lên hàng nghệ thuật.

"Tư duy" mới

"Care n' smile" (Ân cần và vui vẻ) là câu khẩu hiệu được gắn trên mỗi lưng ghế trên các máy bay của Garuda, hãng hàng không quốc gia Indonesia. Ân cần và vui vẻ cũng là cảm giác của chúng tôi ở mọi nơi mà chúng tôi đến thăm trong chuyến đi ngắn ngày đến Trung Java. Trung Java đang muốn đua tranh thu hút khách du lịch với những vùng khác của Indonesia. Chẳng vậy mà nhiều quan chức đầu tỉnh Trung Java đã đến phòng chờ trong sân bay Semarang, thủ phủ Trung Java, từ rất sớm để ra tận chân cầu thang máy bay đón đoàn khách du lịch đầu tiên bay thẳng từ Singapore đến Semarang (không qua thủ đô Jakarta) tối hôm đó. Rồi sau đó, tại buổi tiệc chiêu đãi các đoàn khách du lịch đầu tiên bay thẳng đến Semarang từ Việt Nam, Singapore, Malaysia và các doanh nghiệp du lịch ngay tại dinh tỉnh trưởng, đích thân ông tỉnh trưởng H. Mardiyanto đã rất tự nhiên, không ngần ngại giúp vui bằng giọng ca của mình, sau mấy vũ điệu Java truyền thống.

Sự cởi mở nhằm thu hút du khách ấy không chỉ là hình thức. Nó quán xuyến cả trong việc lựa chọn để giới thiệu những điểm tham quan cho du khách, và trong "tư duy" về làm du lịch. Đưa chúng tôi tới thăm ngôi chùa Sam Po Kong của người Hoa ở Semarang đang được trùng tu, cô hướng dẫn viên du lịch người Java nói, trước đây chùa này không được đưa vào danh sách các điểm tham quan vì có người bảo đó không phải là văn hóa Java, nhưng nhiều ý kiến khác cho rằng người Hoa đã đến đây từ nhiều thế kỷ trước, đã làm ăn sinh sống ở đây, đã trở thành công dân Indonesia, "công dân" Java, sao văn hóa của họ lại không trở thành một bộ phận của văn hóa Java? Thế là Sam Po Kong, nơi có mô hình một chiếc thuyền đi biển của Trịnh Hòa, nhà thám hiểm nổi tiếng của Trung Hoa xưa, được đưa vào danh sách các điểm tham quan. Tuy nhiên, đâu đó trong suy nghĩ của du khách vẫn còn mối e ngại về những vụ khủng bố như ở Bali năm nào. Như đoán được suy nghĩ của du khách, một cán bộ của Sở Du lịch Trung Java, đi với chúng tôi suốt những ngày thăm miền đất này, nói: "Thật ra Hồi giáo ở đây rất ôn hòa, chúng tôi sống chung với các tôn giáo khác". Quả vậy, ở Trung Java có những trường đại học nổi tiếng của nhiều tôn giáo khác nhau, và ở thủ phủ Semarang, di sản của thời kỳ người Hà Lan cai trị Indonesia, kể cả một ngôi nhà thờ vòm khá đẹp, vẫn được bảo tồn kỹ lưỡng và được xem là một điểm du lịch có tiếng.

Không có nhận xét nào: