Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2007

HAI VẤN NẠN TỪ VỤ PMU 18

Vụ tham nhũng tại Ban Quản lý dự án (PMU) 18 cho thấy ít nhất có hai vấn nạn lớn đang đặt ra: một là sự quản lý yếu kém của hệ thống các cơ quan nhà nước đối với đồng tiền quốc gia; hai là chính sách, cơ chế, tuyển dụng, đánh giá, đề bạt cán bộ, sử dụng con người của hệ thống tổ chức Đảng có vấn đề.

Với vấn nạn thứ nhất, như Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội, ông Tào Hữu Phùng, nhận xét: cả Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính đều buông lỏng quản lý, giám sát, để xảy ra tình trạng trong thời gian dài vốn ODA bị thất thoát lớn và nếu không do tình cờ phát hiện ra vụ đánh bạc của Bùi Tiến Dũng thì không biết tình trạng lãng phí nguồn vốn này còn kéo dài đến bao giờ, với quy mô nào. Ông Tào Hữu Phùng còn đi đến chỗ nhận xét: “Ngoài các bộ, cả Chính phủ, Quốc hội đều buông lỏng quản lý, xem vốn ODA là nguồn vốn ngoài ngân sách nên không ai quan tâm”. (Tuổi Trẻ, 10-4-2006). Phải nói thẳng, đó là sự vô trách nhiệm trước đồng tiền mà người dân đã giao cho Nhà nước quản lý. Hai tỉ đô la trả nợ nước ngoài mỗi năm kể từ năm 2006 sẽ lấy từ đâu nếu không phải từ tiền đóng thuế của người dân, của doanh nghiệp?

Nhưng vấn nạn thứ hai mới là nguyên nhân căn bản dẫn đến vấn nạn đầu. Vì sao những con người như Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Việt Tiến và những người khác liên quan trong vụ án này lại có thể leo cao đến thế để gây hại đến thế cho đất nước và cho cả Đảng mà lúc nào họ cũng được xếp là đảng viên A1 trong những tổ chức Đảng luôn được đánh giá là “trong sạch, vững mạnh” cho đến ngày họ bị bắt, thậm chí nếu không bị bắt có người trong số họ còn có thể được đề bạt lên cao hơn? Dường như cái gốc là ở cơ chế, chính sách, quan niệm dùng người của Đảng: với những vị trí nhất định, ngay trong kinh tế chứ chưa nói đến những lĩnh vực khác, chỉ có đảng viên được tin dùng. Và đó là điều kiện, là môi trường cho những kẻ mà cả tài năng lẫn phẩm chất con người có khi còn thua xa những người không có mác đảng viên, có thể lợi dụng để leo cao hòng tác oai tác quái. Chính sách tưởng chặt mà hóa ra lỏng, tưởng có ích cho Đảng mà hóa ra làm hại cho Đảng. Sự hẹp hòi trong chính sách sử dụng con người cuối cùng không chỉ làm thui chột những tài năng vốn cần cho phát triển đất nước mà còn khiến hình ảnh của Đảng bị ảnh hưởng bởi những đảng viên như Bùi Tiến Dũng, như Nguyễn Việt Tiến... Tin vào cái vỏ bên ngoài, vào lý lịch, vào những danh hiệu không thực chất mà không muốn hay không có khả năng nhìn ra bản chất con người, chuyện trả giá là dễ hiểu.

Cho nên, để không còn những PMU 18 khác, không chỉ cần thắt chặt việc quản lý và sử dụng đồng tiền quốc gia, đồng tiền tích cóp của dân sao cho hiệu quả mà còn rất cần xem lại cơ chế, chính sách, quan niệm sử dụng con người của Đảng.

Không có nhận xét nào: