Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2007

BERLIN – NĂM THỨ MƯỜI MỘT

Theo lời mời của Văn phòng Thông tin-báo chí liên bamg Đức, năm 2000 tôi có sang thăm Đức. Sau đây là ghi nhận của tôi về Berlin lúc ấy, năm thứ 11 sau ngày nước Đức thống nhất.

Bức tường

Berlin, nhất là phía Đông, đập vào mắt du khách như một công trường xây dựng khổng lồ. Lô nhô khắp nơi những giàn giáo, cần cẩu. Nhiều công trình xây dựng mới như dinh Thủ tướng hoặc phục chế qui mô như tòa nhà Quốc hội Đức (Reichstag) nổi tiếng vừa hoàn tất chưa lâu, kể từ khi Berlin trở lại là thủ đô của nước Đức thống nhất. Trên dải đất thuộc Đông Berlin tiếp giáp với Tây Berlin trước đây, mà người dân gọi là "vùng đất hoang", đã và đang mọc lên nhiều trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng, khách sạn…. Nhiều đền đài, cung điện, bảo tàng vẫn đang tiếp tục được trùng tu hoặc vận động xây dựng lại nhằm trả lại cho Berlin tất cả vẻ vàng son xưa, từ thời nó còn là thủ đô của nước Phổ. Một nhà ga trung tâm mới đang được xây dựng thay thế nhà ga cũ vốn chỉ đủ phục vụ cư dân Tây Berlin trước đây. Chính quyền thành phố cũng đang có kế hoạch hiện đại hóa, mở rộng gấp nhiều lần sân bay quốc tế Schonefeld nằm ở phía Đông, thay cho sân bay Brandenburg nhỏ hẹp ở phía Tây hiện nay, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương của một Berlin 3,5 triệu dân, không còn chia cắt, và sẽ nằm ở ngay tâm điểm của châu Âu khi Liên hiệp châu Au ngày càng mở rộng về phía đông.
Hơn mười năm rồi Berlin không còn chia cắt. Bức tường ngăn cách Đông và Tây giờ chỉ còn lại chừng 300 mét được rào chắn kỹ lưỡng , xem như chứng tích của một thời đã qua. Ơ một số đoạn mà bức tường chạy qua trước đây, dưới mặt đường, người ta gắn những tấm đan bằng sắt đúc nổi dòng chữ :"Bức tường 1961 – 1989". Đông đảo khách du lịch thường đến chụp ảnh lưu niệm tại những nơi đó và tại Nhà bảo tàng Bức tường (Mauer-museum Haus) nằm tại Checkpoint Charlie, điểm tiếp giáp giữa khu vực do Mỹ kiểm soát và khu vực do Liên Xô kiểm soát khi Berlin bị chia thành bốn khu vực do bốn cường quốc Liên Xô, Mỹ, Pháp, Anh kiểm soát sau Thế chiến 2. Đó là những gì còn lại của bức tường. Không thấy có những đổ vỡ hay đảo lộn khác. Những di tích như tượng đài kỷ niệm Hồng quân Liên Xô, tượng Mác-Angghen trên quảng trường Marx-Engels-Forum vẫn còn nguyên đó, kể cả một bức ảnh " O du kích nhỏ giương cao súng…" in trên một cột thép đối diện với tượng Mác-Angghen.
Thế còn những "bức tường" khác ? Tôi thắc mắc hỏi khi nhận thấy, đi ra ngoại ô phía Đông Berlin, sự cách biệt so với phía Tây còn khá rõ. Cô gái hướng dẫn chúng tôi, sinh ra và lớn lên ở Đông Đức, nay vừa làm việc cho Viện Goethe, vừa tiếp tục học Đại học Humboldt ở Berlin, biết ba thứ tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha và kiếm tiền thêm bằng cách làm hướng dẫn viên cho khách của Trung tâm thông tin-báo chí Liên bang, kể chuyện gia đình cô : bố mẹ cô vẫn ở Đông Đức, nay đã về hưu; mẹ cô rất vui vì vừa sắm chiếc máy vi tính mới, cha cô đi làm từ lúc 14 tuổi, tính thâm niên hơn 45 năm, nay lãnh lương hưu nhiều hơn trước đây. Cô nói : trước đây có tiền cũng chỉ được mua xe Trabant (loại xe hơi phổ biến ở Đông Đức cũ), nay ai muốn mua xe gì thì mua, tất nhiên nếu có đủ tiền, và người ta hài lòng được như vậy.
Nước Đức vừa kỷ niệm 10 năm thống nhất. Một báo cáo mới nhất của chính phủ liên bang cho thấy thu nhập của người lao động ở các bang phía Đông đã tăng từ chỗ bằng 49% thu nhập của các bang phía Tây vào năm 1991, một năm sau khi thống nhất, lên bằng 77% vào năm 2000. Thu nhập ròng của cư dân ở phía Đông hiện nay đã bằng 90% ở phía Tây. Từ tháng 7-2000, lương hưu tiêu chuẩn trả cho một người hưởng lương hưu trung bình từ quỹ lương hưu nhà nước sau 45 năm làm việc là 2020 mác/tháng ở các bang phía Tây và 1754 mác/tháng ở phía Đông, tức bằng 87% của phía Tây. Phụ nữ ở phía Đông, do mức nhân dụng cao hơn và công việc làm trước đây thường ổn định hơn, còn lãnh lương hưu cao hơn phụ nữ ở phía Tây : 1502 mác so với 1308 mác. Theo một cuộc điều tra tiến hành 5 năm một lần của Văn phòng Thống kê Liên bang, thu nhập bình quân của hộ gia đình năm 1998 là 5448 mác/tháng ở phía Tây và 4130 mác ở phía Đông, tức bằng 76%. Một cuộc thăm dò vào mùa xuân năm nay cho thấy 54% những người dân phía Đông được hỏi cho biết tình hình tài chính của họ khá lên từ ngày thống nhất, 17% cho là tệ hơn trước ngày thống nhất. Đánh giá của người dân Đức nói chung về tình hình tài chính của họ chẳng khác nhau là mấy : 53% người dân phía Tây và 47% người dân phía Đông cho rằng tình hình tài chính của họ là tốt, 33% phía Tây và 35% phía Đông cho rằng có tốt có xấu, và 12% phía Tây và 14% phía Đông cho là xấu.
Tuy nhiên tỉ lệ thất nghiệp ở phía Đông vẫn còn cao hơn gấp đôi phía Tây do kinh tế phía Đông đang trong quá trình cơ cấu lại nhằm hiện đại hóa, tăng tính cạnh tranh trong nước và quốc tế của các doanh nghiệp. Nhằm mục đích ấy, chính phủ Đức đã khuyến khích đầu tư tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Kết qủa là đến nay đã có trên 500.000 doanh nghiệp mới thành lập, tạo ra trên 3 triệu việc làm mới ở phía Đông. Trong kế hoạch lần thứ hai dự kiến kéo dài từ năm 2005 đến 2019 nhằm phục hồi kinh tế phía Đông, chính phủ liên bang còn dự định sẽ bỏ vào đây 306 tỉ mác (khoảng hơn 150 tỉ USD) nhằm phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục đào tạo, khuyến khích đầu tư theo một hiệp ước với các bang phía Đông, gọi là Hiệp ước Đoàn kết II.
Có lẽ ai cũng hiểu, sớm san bằng sự cách biệt về kinh tế và mức sống giữa hai miền là vì lợi ích của nước Đức thống nhất và của bất kỳ đảng cầm quyền nào ở Đức muốn ổn định xã hội và được lòng dân.

Mở

Người hướng dẫn chúng tôi ở Frankfurt, lại cũng là một người của Viện Goethe, nói : nước Đức, người Đức bây giờ đã "mở". "Mở" theo ý ông có nghĩa là quốc tế hóa, không phải chỉ biết có dân tộc mình. Qủa vậy, những người đứng tuổi như ông trước đây biết nói tiếng Pháp, giờ nói thêm tiếng Anh. Cô hướng dẫn viên ở Berlin, tuổi cỡ 30, thì nói thông thạo tiếng Anh, thêm tiếng Pháp và Tây Ban Nha. Giới trẻ bây giờ hầu hết có thể nói tiếng Anh. Đó chỉ mới là một biểu hiện "mở". Hôm chúng tôi đến thăm Ngân hàng Trung ương châu Au (ECB) đóng tại Frankfurt, thủ đô tài chính của châu Au, tiếp chúng tôi để giới thiệu về việc chuẩn bị phát hành đồng tiền chung châu Au Euro ra dân chúng từ đầu năm 2002 là một thanh niên Tây Ban Nha còn rất trẻ, nói lúc tiếng Anh, lúc tiếng Pháp. Một cái gì đó của châu Au nhất thể hóa trên đất Đức.
Ở Berlin, cô hướng dẫn viên hào hứng đưa chúng tôi đi tham quan Trung tâm Sony do hãng Sony của Nhật đầu tư xây dựng, một công trình kiến trúc tân kỳ toàn bằng kính, nổi bật giữa trung tâm thành phố. Ơ đó những sản phẩm công nghệ cao mới nhất của Sony được trưng bày, giới thiệu. Cũng nhiệt tình như vậy, cô đã hướng dẫn chúng tôi đi tham quan Bảo tàng Do Thái, một công trình kiến trúc vừa khánh thành trước đó không lâu, trên cái nền của Bảo tàng Berlin cũ.Phải bỏ cả một buổi để hiểu cuộc sống của người Do Thái từ những thế kỷ xa xưa ở Đức và châu Au, nguồn gốc những thành kiến sai lệch của nhiều người châu Au đối với họ, và những đóng góp của họ cho nền văn minh phương Tây. Bảo tàng nằm giữa Berlin, nơi từng chứng kiến sự ra đời của chủ nghĩa quốc xã, như một lời tạ lỗi – tôi nghĩ.
"Mở" còn ở chỗ, như ông Bộ trưởng Bộ Nghiên cứu khoa học Liên bang Bulmahn nói, Đức nhận thấy mình đang tụt hậu so với trình độ thế giới trong một số lĩnh vực nghiên cứu khoa học, nhất là về công nghệ thông tin và công nghệ sinh học, công nghệ gen, và đang đẩy mạnh các hoạt động trao đổi quốc tế về nghiên cứu khoa học và giáo dục đại học. Chính phủ Đức còn đi xa hơn với một kế hoạch gọi là "thẻ xanh", cho phép các công ty bù đắp sự thiếu hụt chuyên gia công nghệ thông tin bằng cách thuê chuyên gia công nghệ thông tin nước ngoài. Cho đến nay đã có 5678 chuyên gia nước ngoài được cấp thẻ xanh (đông nhất là An Độ với 872 người; Nga, Ucraina, Belarus và các nước Baltic tổng cọng 660 người; ít như Pakistan cũng có 94 người; Rumani 4 người; không thấy có người Việt Nam).
Dù sao, khi đến thăm trường Đại học Kỹ thuật Berlin, một trường có lịch sử trên 200 năm, chúng tôi cũng được biết trong số gần 6000 sinh viên nước ngoài (20%) đang học tại đây có 70 sinh viên Việt Nam đang theo học. Đông nhất là người Thổ Nhĩ Kỳ, kế đến là người Trung Quốc đại lục. Vị đại diện của trường tiếp chúng tôi cho biết tuy trường có số lượng sinh viên nước ngoài theo học đông nhất ở Đức nhưng đến nay trường vẫn chĩ sử dụng tiếng Đức và đó là một trở ngại cho việc quốc tế hóa giảng dạy, nghiên cứu. Ong cho hay sắp tới trường sẽ cho sử dụng thêm tiếng Anh trong giảng dạy, qua đó có thể thu hút thêm sinh viên nước ngoài.

Nhà đầu tư Đức và Việt Nam : mới có mặt vài cái antenne nhỏ

Tiếp chúng tôi hai ngày trước chuyến thăm Đức của Thủ tướng Phan Văn Khải, Tiến sĩ Gunter Gruber, Vụ trưởng Vụ Đông Nam A - Úc - New Zealand và Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Đức nói ông mong đợi Thủ tướng Việt Nam sẽ phát đi một thông điệp rõ ràng tới các doanh nghiệp Đức, rằng Việt Nam sẽ tạo khung khổ tốt cho kinh doanh và đầu tưqua cải cách kinh tế, cải cách hệ thống ngân hàng, qua việc đặt pháp luật lên trên hết. Ong nhắc lại, doanh nghiệp Đức đã làm ăn là làm ăn lâu dài chứ không ăn xổi. Năm 1994-1995 doanh nghiệp Đức hồ hởi tới Việt Nam nhưng sau đó đã mất dần hồ hởi vì thực tế không như họ nghĩ. Họ so sánh môi trường đầu tư ở Việt Nam với Trung Quốc, Hàn Quốc, An Độ. Việt Nam có nhiều lợi thế nhưng các nước khác cũng có những lợi thế của họ, cạnh tranh thu hút đầu tư với Việt Nam không chỉ có Trung Quốc mà còn nhiều nước khác. Ong cho rằng cần thay đổi từ từ nhưng phải có ý chí thay đổi.
Ong cũng cho biết 80% số doanh nghiệp Đức là doanh nghiệp nhỏ và vừa (1-5000 công nhân). Phải thu hút số doanh nghiệp này đầu tư, điều mà đến nay Việt Nam vẫn chưa làm được.
Cùng một suy nghĩ như Tiến sĩ Gruber, Luật sư Philipp Graf von Walderdorff, phụ trách quan hệ quốc tế, chính trị và lễ tân của Hiệp hội các Phòng Thương mại và công nghiệp Đức (DIHK) là một người thích nói thẳng. Ong cho rằng Việt Nam chưa hấp dẫn được nhà đầu tư Đức, chưa cạnh tranh được với Singapore, Hồng Kông, Trung Quốc. Doanh nghiệp Đức đầu tư vào Việt Nam mới chỉ là "vài cái antenne nhỏ của vài công ty lớn" (như Siemens, Mercedes, Deutsche Bank), có rủi ro cũng không hề hấn gì, trong khi 80% doanh nghiệp Đức là nhỏ và vừa nhưng rất năng động. Họ cần một mội trường kinh doanh rõ ràng, minh bạch, đúng pháp luật, không có sự can thiệp của những quyết định hành chính nhất thời hoặc theo ý muốn chủ quan của ai đó.
Theo ông, cần phải biết nắm lấy cơ hội, nhưng Việt Nam chưa nắm được một nửa cơ hội.
Tại cuộc gặp gỡ của Thủ tướng Phan Văn Khải và Thủ tướng Đức Schroeder với giới báo chí hai ngày sau đó, Thủ tướng Đức có nói là ông muốn các doanh nghiệp Đức hãy nhanh chân vào Việt Nam. Sự ủng hộ của nhà nước đối với doanh nghiệp là hết sức cần thiết, nhưng đồng tiền là của họ và họ sẽ chỉ đầu tư khi nào thấy có lợi, có thể làm ăn được. Mặt khác, việc tiếp thị, định vị hình ảnh Việt Nam ở nước ngoài như một đối tác làm ăn lâu dài, hiểu biết luật chơi, đáng tin cậy- theo cảm nhận của chúng tôi - còn xa mới có thể coi là đã có kết quả. Mặc dù Đức và Việt Nam có đại sứ quán ở mỗi nước và DIHK có mở một văn phòng ở Hà Nội nhưng, theo Luật sư von Walderdorff, thông tin về Việt Nam ở Đức vẫn rất thiếu.

Không có nhận xét nào: