Ghi nhận từ cuộc hội thảo về “Tác động của kinh tế toàn cầu đối với môi trường của các nước ASEAN” do Konrad Adenauer Foundation tổ chức từ ngày 26 đến 30-3-2000 tại Manila, thủ đô Philippines.
Pasig - Nhiêu Lộc
Con sông Pasig chảy qua Manila, một thời thơ mộng, nay là một dòng sông chết, bốc mùi hôi thối, đầy rác rưởi sinh hoạt và chất thải công nghiệp. Một thứ kênh Nhiêu Lộc của Manila. Một ủy ban phục hồi sông Pasig đã được thành lập từ năm 1993 dưới trào Marcos, nay được Tổng thống Estrada trao thêm phương tiện và quyền lực, dự định sẽ làm cho Pasig trở lại trong xanh vào năm 2008. Trong kế hoạch phục hồi sông Pasig, những doanh nghiệp mà cơ sở sản xuất nằm trên bờ sông như Unilever Philippines cũng tham gia.
Đoàn nhà báo dự hội thảo được hướng dẫn tham quan thiết bị xử lý nước thải của Unilever, có thể thấy một hồ nước nhỏ đã qua xử lý, trong đó tung tăng một đàn cá. Nhưng đó chỉ mới như là một điểm trình diễn. Con sông Pasig, đoạn chảy qua nhà máy vẫn còn đen kịt và bốc mùi hôi. Cán bộ phụ trách việc xử lý ô nhiễm của nhà máy giải thích, vì con sông chảy qua nhiều khu dân cư và cơ sở sản xuất khác nên phải có sự phối hợp mới có thể giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường. Dưới áp lực tăng trưởng kinh tế, toàn cầu hóa kinh tế và thương mại, môi trường ở các nước châu Á cũng ở trong tình cảnh tương tự. Đó có thể nói là một cái vòng lẩn quẩn : để sống còn, để thoát khỏi đói nghèo, người ta phải khai thác và khai thác đến mức cạn kiệt thiên nhiên, bất chấp cái giá phải trả ngày mai. Để tăng trưởng, những nước nghèo buộc phải tăng cường xuất khẩu, chủ yếu là xuất khẩu sản phẩm thô, khai thác từ thiên nhiên. Rừng ở Indonesia, ở Myanmar, Thái Lan hay Philippines bị khai thác cạn kiệt cũng vì vậy. Việt Nam mất 200.000 ha rừng một năm, theo một số ước lượng, ngoài nguyên nhân do khai thác gỗ lậu và tình trạng di dân tự do, còn do người ta phá rừng để lấy đất trồng cà-phê vì xuất khẩu có giá.
Theo Tiến sĩ Delfin J. Ganapin Jr., điều phối viên của Liên đoàn Bảo vệ môi trường Philippines (PFEC) diện tích nuôi tôm ở Thái Lan trong những năm 1970 mới chỉ khoảng 10.000 ha, đến những năm 1990 đã lên tới khoảng 65.000 ha với sản lượng khoảng 180.000 tấn. Tuy nhiên, chỉ riêng ở hai tỉnh Samut Sakhon và Samut Songkhram, từ những năm 1990 đến nay đã có hơn một nửa diện tích nuôi tôm bị bỏ hoang do nước bị ô nhiễm nặng nề. Trong cả nước Thái Lan, khoảng 16.000 ha nuôi tôm đã bị bỏ hoang (số liệu 1995). Ở Indonesia, việc khai thác gỗ và phát triển diện tích nuôi cá đã khiến cho khoảng 500.000 ha rừng ngập mặn biến mất đầu những năm 1990.
Gánh nặng nợ nước ngoài cũng gây áp lực nặng nề đối với môi trường. Lấy thí dụ Indonesia với những vụ cháy rừng năm 1997. Đó là năm mà Indonesia rơi vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực. Báo cáo của chuyên gia cao cấp về môi trường của Ngân hàng Phát triển châu Á tại hội thảo cho thấy : Tỷ lệ nợ nước ngoài trên tổng sản phẩm quốc dân của Indonesia là một trong những tỷ lệ cao nhất trong số các nước ASEAN - 65,3%. Mức nợ cao cộng với sự giảm giá mạnh của đồng rupiah và tình trạng quản lý tồi đã khiến cho nạn đốn gỗ bất hợp pháp và phá rừng, lấy đất trồng trọt nhằm gia tăng xuất khẩu để có tiền trả nợ nước ngoài đã khiến cho hàng loạt diện tích rừng bốc cháy. Hậu quả đối với môi trường cũng như đối với bản thân nền kinh tế Indonesia thật nặng nề : ô nhiễm không khí vượt cả biên giới quốc gia, lan sang các nước láng giềng, gây hại cho sức khỏe người dân và khiến cho ngành công nghiệp du lịch cả khu vực bị ảnh hưởng. Sự suy thoái của môi trường đã tác động ngược trở lại đối với tăng trưởng kinh tế.
Từ ZKK, Ecomark, Ecolabel…
Ở Navotas, Manila, bên dòng sông Pasig có một làng chài mà dân cư từng phải sống giữa một đống rác thải và chịu cảnh nhà cửa thường xuyên bị ngập nước do thiếu hệ thống thoát nước. Hôm các nhà báo đến thăm ngôi làng, các đường phố chật hẹp cũng còn lênh láng nước.Với hơn 19.000 hộ gia đình, hơn 87.000 nhân khẩu, có tới 27,5% sống trong những căn nhà ổ chuột, 25% lao động thất nghiệp. Năm 1996, nữ bác sĩ Judea Millora đã có sáng kiến phát động một chương trình có tên gọi là “Zero Kalat sa Kaunlaran” - viết tắt là ZKK - tiếng Tagalog có nghĩa là : không có rác xả, vì sự tiến bộ. Mục tiêu của chương trình không chỉ là dọn sạch rác rưởi, cải thiện môi trường mà còn là giải quyết tình trạng vô gia cư và nâng cao thu nhập cho dân cư. Rác được thu gom, phân loại, đưa đến các nhà máy để xử lý lại hoặc được tận dụng làm ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Một khu vườn và một trung tâm giống được hình thành để khuyến khích sản xuất thực phẩm. Với thời gian, ZKK đã trở thành một hợp tác xã nuôi sống nhiều gia đình đồng thời giải quyết được nạn ô nhiễm rác thải. Hợp tác xã được tổ chức thành năm đội : đội dọn dẹp chuyên dọn dẹp rác cho các công ty, các cao ốc, các hộ gia đình; đội huấn luyện giúp huấn luyện cho xã viên và cả những ai muốn học tập kinh nghiệm của ZKK; đội thủ công mỹ nghệ chuyên chế tạo những sản phẩm thủ công từ rác tận dụng để đem bán; đội thu gom rác có thể tái xử lý; đội phân loại rác và đội xử lý rác hữu cơ, biến rác thành phân bón dùng cho khu vườn.
Theo những người phụ trách, cùng với việc giải quyết thu nhập cho dân cư, ZKK bây giờ đã trở thành một lối sống đối với những người tham gia chương trình, một lối sống thân thiện với môi trường, hạn chế đến mức thấp nhất kiểu “văn minh vứt xả”. Nhưng đó là ở phạm vi một cộng đồng nhỏ. Còn trong phạm vi cả nền kinh tế ? Tiến sĩ Philippe Bergeron, Giám đốc Viện Công nghệ môi trường khu vực có trụ sở ở Singapore, trong báo cáo tại hội thảo cho biết nhiều nước châu Á và ASEAN đã sử dụng các công cụ chứng nhận về bảo vệ môi trường như ISO 14001 hoặc Ecomark, Ecolabel, Greenlabel… để thúc đẩy việc sản xuất sản phẩm không tác hại đến môi trường. Những vấn đề then chốt để có thể xúc tiến việc sản xuất sạch là : kỹ năng chuyên môn và kinh nghiệm của những chuyên gia trong lĩnh vực này, khả năng đánh giá khách quan chu kỳ sống của sản phẩm, đề ra được định hướng nhãn hiệu môi trường riêng của quốc gia, sự trưởng thành về ý thức môi trường của người tiêu dùng và khả năng tồn tại (của sản xuất sạch) về mặt tài chính.
Chính ở điểm này, một số nhà báo tham dự hội thảo đã cho rằng các nước giàu cần thiết phải chuyển giao, hỗ trợ công nghệ sản xuất sạch cho các nước nghèo.
Dù thế nào, mọi người đều có chung một nhận định : việc tự do hóa thương mại sẽ tác động đáng kể lên các nguồn tài nguyên của các nước ASEAN. Và như nhận định của tiểu chương trình Thương mại và Môi trường ASEAN-UNDP, cùng với việc giảm thuế quan và các hàng rào thương mại, những thay đổi trong cơ cấu sản xuất và các luồng đầu tư sẽ diễn ra khi lợi thế cạnh tranh chuyển qua những quốc gia sản xuất hiệu qủa hơn. Nhu cầu lớn hơn về những hàng hóa dựa trên tài nguyên thiên nhiên có thể đẩy những quốc gia tương đối nghèo hơn gia tăng khai thác thiên nhiên đến mức đánh mất tính bền vững trong phát triển. Mặt khác, những hoạt động chế tạo với giá trị gia tăng cao hơn tại những nước giàu cũng sẽ làm trầm trọng hơn nạn ô nhiễm. Công nghệ và tác động của tự do hóa thương mại đối với môi trường cần phải được xem là một nỗ lực nghiêm túc nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững./.
Các nhãn hiệu môi trường ở châu Á
Quốc gia Nhãn hiệu Năm Sản phẩm Số sản phẩm
tham gia thành lập được chứng nhận
Nhật Ecomark 1989 55 2500
Ấn Độ Ecomark 1991 19 không có số liệu
Singapore Green label 1992 21 702
Hàn Quốc Ecomark 1992 12 96
Trung QuốcEnvironmentallabel 1994 15 80
Thái Lan Green label 1995 6 không có số liệu
Indonesia Eco label 1997 4 nt
(Nguồn : Philippe Bergeron - Viện Công nghệ môi trường khu vực)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét