Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2007

TỪ CHUYỆN CHIẾC MŨ BẢO HIỂM

Chuyện chiếc mũ bảo hiểm tưởng nhỏ hoá ra không nhỏ. Nó liên quan đến năng lực và sự vận hành của bộ máy quản lý nhà nước. Chuyện chiếc mủ bảo hiểm và những rối rắm phát sinh hiện nay về chất lượng mũ bán trên thị trường mà có ý kiến đánh giá đến 75% (một con số quá lớn) không đạt tiêu chuẩn, về việc tổ chức kiểm định chất lượng mũ, …cho thấy có ít nhất hai điều chưa ổn trong quản lý nhà nước, cụ thể hơn là trong hoạt động của các bộ.

Thứ nhất, sẽ chẳng có gì phải nói nếu trước khi ban hành Nghị quyết 32/2007/NĐ-CP của Chính phủ mà mục đích là nhằm kiềm chế tai nạn giao thông nhưng có quan hệ đến hàng triệu triệu người dân, các bộ Công thương (trước đây là bộ Công nghiệp và bộ Thương mại) và bộ Khoa học-Công nghệ ngồi lại để rà soát lại toàn bộ năng lực sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm trong nước để có kế hoạch tổ chức sản xuất sao cho đáp ứng đủ nhu cầu (cả về số lượng và chất lượng), hoặc trong trường hợp doanh nghiệp trong nước không thể đáp ứng đủ nhu cầu thì cho nhập khẩu mũ bảo hiểm từ đâu, với những tiêu chuẩn bắt buộc như thế nào, và chỉ định cơ quan nào phải chịu trách nhiệm về chất lượng mũ sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu được phép lưu hành trên thị trường. Vấn đề ở đây là một khi đề ra chính sách, bộ máy quản lý phải bảo đảm các điều kiện để chính sách đó được thực thi nghiêm chỉnh, thông suốt trong thực tế.

Thứ hai, sau nhiều phản ảnh của báo chí, của công luận về chất lượng cũng như giá cả mũ bảo hiểm, sau khi nhiều người dân đã phí tiền mua phải những loại mũ giả, mũ dỏm không đạt tiêu chuẩn, các bộ có liên quan hầu như vẫn không có phản ứng gì. Có cảm tưởng bộ máy quản lý nhà nước cấp bộ bận bịu với những vấn đề của chính nó, với sức ỳ của nó hơn là nhanh chóng, chủ động phản ứng vì lợi ích của hàng triệu người dân. Trong cải cách hành chính, người ta đang nói đến việc chuyển bộ máy nhà nước từ chỗ là bộ máy cai trị sang bộ máy phục vụ người dân. Đáng tiếc, trong trường hợp này điều đó đã không xảy ra. Và khi sáp nhập một số bộ, Thủ tướng cũng đề ra một nguyên tắc quản lý là mỗi đầu việc chỉ do một đầu mối chịu trách nhiệm. Nhưng trong trường hợp này, không rõ bộ nào chịu trách nhiệm chính và sự phối hợp giữa các bộ rõ là quá kém. Để đến bây giờ, nhiều tháng sau khi Nghị quyết 32 được ban hành, khi thời hạn áp dụng nghị quyết đã gần kề, Thủ tướng phải ra văn bản yêu cầu các bộ Khoa học-Công nghệ và Công thương phối hợp để quản lý chất lượng mũ bảo hiểm và công bố danh sách những loại mũ đạt tiêu chuẩn; kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại mũ giả, mụ dỏm; yêu cầu bộ Tài chính tổ chức kiểm tra việc niêm yết giá mũ bảo hiểm và bán đúng giá niêm yết, không để xảy ra việc tùy tiện nâng giá làm thiệt hại lợi ích của người tiêu dùng.

Chuyện chiếc mũ bảo hiểm như vậy đã cho thấy những vấn đề lớn hơn trong chức năng, tính chất và sự vận hành của bộ máy quản lý nhà nước. Công cuộc cải cách hành chính của chúng ta bao giờ mới đến nơi ?

Không có nhận xét nào: