Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2007

VỐN XÃ HỘI CỦA VIỆT NAM, NHÌN TỪ THỰC TẾ HÔM NAY

Lại một bài báo cũ từ tháng 6/2006 của tôi. Đây là bài ghi nhận từ cuộc hội thảo “Vốn xã hội trong phát triển” do Tạp chí Tia Sáng tổ chức ngày 24-6 -2006 tại Hà Nội. Hội thảo đã không tốn nhiều thì giờ cho các vấn đề lý thuyết, đi từ cách hiểu của R. Putnam, F. Fukuyama đến J. Coleman, C. Bourdieu hay xa hơn như L.J. Hanifan - dù vốn xã hội là một khái niệm khá mới mẻ ở Việt Nam. Những bức xúc nóng bỏng từ thực tế đã “đổ bộ” vào hội thảo.

Một cách khái quát, vốn xã hội nhằm chỉ những mối liên kết, những “mạng lưới xã hội” hình thành trên cơ sở lòng tin hay sự tin cậy lẫn nhau giữa các thành viên của “mạng lưới”, của cộng đồng vốn cùng nhau chấp nhận những quy tắc, những chuẩn mực xã hội chung. Những mối liên kết ấy, sự tin cậy lẫn nhau ấy, những chuẩn mực cùng được chấp nhận ấy có thể giúp làm giảm các chi phí giao dịch giữa các thực thể trong xã hội, làm tăng hiệu quả của các hoạt động xã hội bằng cách thúc đẩy sự hợp tác, và tăng hiệu quả của các thiết chế xã hội mà không cần đến sự can thiệp của luật pháp. Tạm đồng ý với nhau về cách hiểu vốn xã hội như vậy, những người tham dự hội thảo đã tập trung phân tích về thực trạng của vốn xã hội ở Việt Nam và giải pháp để phát triển nguồn vốn này.

Nghịch lý: kinh tế tăng trưởng, vốn xã hội suy giảm

Không gửi tham luận trước mà phát biểu trực tiếp tại hội thảo, Giáo sư Hoàng Tụy cho rằng vốn xã hội phát triển hay không phụ thuộc vào hai yếu tố: kết cấu hạ tầng tâm lý xã hội và thể chế chính trị. Theo ông, về hạ tầng tâm lý xã hội, đã đến lúc nói đến những nhược điểm, những khuyết tật trong tâm lý xã hội của dân tộc. Nổi cộm nhất hiện nay trong hạ tầng tâm lý xã hội, theo ông, là sự gian dối, không chỉ trong thi cử hay các vụ tham nhũng mà còn ở những cái lớn hơn, như nói trị tham nhũng không trừ ai nhưng việc xử lý những vụ tham nhũng gần đây chưa chứng tỏ được điều ấy. Một khuyết nhược khác trong hạ tầng tâm lý xã hội của dân tộc là sự thiếu óc tưởng tượng, óc sáng tạo, ngay từ trong giáo dục. Về thể chế chính trị, ông cho rằng đang có những “lỗi hệ thống” và cơ chế lựa chọn lãnh đạo đang có những bất cập. Muốn phát triển vốn xã hội của Việt Nam cần sửa đổi những yếu tố trên.
Tiếp nối ý tưởng trên, GS Nguyễn Văn Chiển cho rằng ở Việt Nam đang thiếu cơ chế để người dân có thể vạch trần sự gian dối. Ông cũng cho rằng có nhiều thứ đang mai một trong vốn xã hội của Việt Nam như truyền thống đoàn kết đang suy yếu, thay vào đó là sự tranh giành quyền lợi.
Diễn giả Nguyễn Trung cho rằng trong khi đời sống vật chất được cải thiện thì vốn xã hội lại đang sút giảm nghiêm trọng và so với thế giới, đặt trong bối cảnh cạnh tranh, vốn xã hội của ta đang rất thấp. Ông nói ông không hình dung được vốn xã hội, đạo đức xã hội xuống cấp như thế này thì làm sao Việt Nam có thể trở thành một xã hội công nghiệp hiện đại, một quốc gia công nghiệp vào năm 2020?
Ngược dòng thời gian, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, trong tham luận của mình, phân tích: từ sau năm 1953, chính sách đại đoàn kết dân tộc bị thay thế bằng một loạt chính sách rất xa lạ với truyền thống của dân tộc (thay đại đoàn kết dân tộc bằng đấu tranh giai cấp, cải cách ruộng đất với đấu tố, xử lý oan sai hàng loạt cán bộ, sử dụng nhục hình, kích động con tố cha, vợ tố chồng…) đã phá hoại nặng nề vốn xã hội ở nông thôn và để lại những di chứng lâu dài. Cải tạo xã hội chủ nghiã ở thành phố cũng gây ra tác hại tương tự về vốn xã hội trong quan hệ giữa người và người, sự tàn phá vốn văn hoá, vốn đạo đức cũng cực kỳ nghiêm trọng và để lại những hệ qủa lâu dài. Việc áp dụng triệt để quan niệm thành phần chủ nghiã trong chính sách cán bộ đã bóp méo nghiêm trọng vốn xã hội truyền thống tốt đẹp của dân tộc và gây ra rất nhiều tác động tiêu cực nhiều mặt đối với xã hội. Con người không còn được quyết định bởi năng lực và đóng góp của bản thân mình mà bởi “thành phần” của cha mẹ, ông bà để lại. Theo ông, trong quá trình đổi mới, một số những cách làm quá thô bạo và phi lý đã được lặng lẽ điều chỉnh nhưng chưa bao giờ được chính thức thừa nhận là sai. Song chừng nào việc quyết định cán bộ còn thiếu công khai minh bạch, được quyết định bởi những yếu tố không liên quan gì đến năng lực, phẩm chất thì vốn con người và vốn xã hội vẫn còn bị hạn chế và bị bóp méo.
Diễn giả Trần Hữu Quang phân tích thêm: chính não trạng coi trọng chính trị hơn đạo đức trong bối cảnh các thiết chế xã hội bị nhà nước hoá, chính trị hoá đã khiến cho người ta có xu hướng quan tâm tới mục đích hơn là phương tiện, coi trọng thành tích hơn là nỗ lực, phương pháp và con đường đạt tới mục tiêu - từ đó dẫn tới một thứ tâm lý thực dụng hiểu theo nghiã tiêu cực trong xã hội. Luật sư Nguyễn Ngọc Bích thì nhấn mạnh tới tác hại của chủ nghiã thành tích: chủ nghiã thành tích phá hủy tương lai, vì thành quả hiện tại mà nó đề cao là không thật. Khi cá nhân chạy theo thành tích, họ phải loại trừ người khác, phải đứng trên người khác, nếu không họ sẽ bị lu mờ. Cách thức người ta dùng để thực hiện óc tư lợi không tạo nên sự hợp tác tự nguyện, không góp vào mà còn làm giảm đi vốn xã hội.

Vốn xã hội – Nhà nước pháp quyền – xã hội dân sự

Vậy làm thế nào để phục hồi và phát triển vốn xã hội của Việt Nam?
Hầu như tất cả các diễn giả đều chỉ ra mối liên hệ giữa việc phát triển vốn xã hội với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự, bởi vốn xã hội không tách rời mà luôn có sự tương tác với môi trường các thiết chế nhà nước và xã hội.
Giáo sư Phan Đình Diệu cho rằng trong xã hội có những mối liên kết dọc (tiêu biểu là các quan hệ thứ bậc trong trật tự hành chính, quan hệ giữa nhà nước và công dân) và những mối liên kết ngang (liên kết tự nguyện và bình đẳng giữa các cá nhân, không có quan hệ tùy thuộc, trên dưới). Xét theo quan điểm vốn xã hội, chính các mối liên kết ngang vốn rất đa dạng, phong phú mới có nhiều khả năng đóng góp những ý tưởng, những giải pháp thiết thực, có hiệu quả cho những bài toán phức tạp của cuộc sống muôn màu muôn vẻ khó lường trước được. Loại liên kết ngang này chủ yếu là các liên kết trong các tổ chức của xã hội dân sự, độc lập và bổ khuyết cho Nhà nước pháp quyền trong một xã hội dân chủ. Như vậy vốn xã hội chỉ có thể phát triển trong điều kiện xã hội dân sự được phát triển. Một khi xã hội dân sự chưa được phát triển thì vốn xã hội còn nghèo nàn và chưa đóng góp được gì đáng kể cho phát triển kinh tế, thậm chí còn chưa được coi là một nhân tố phát triển.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long nhấn mạnh: nói đến vốn xã hội là nói đến xã hội dân sự, nói đến dân chủ theo nghiã là sự tham gia trực tiếp của người dân (không phải dân chủ qua bỏ phiếu). Cái gì người dân làm được hãy để cho dân làm. Nếu Nhà nước nhúng tay vào tổ chức mọi hoạt động, có thể có những ảnh hưởng tiêu cực đối với vốn xã hội, người dân sẽ quen ỷ lại và đánh mất những khả năng vốn có trong các haọt động chung. Ở Việt Nam, vướng mắc lớn nhất trong các năm qua là vấn đề cơ chế: quyền lực thì tập trung cao độ mà Nhà nước lại quản lý kém.
Diễn giả Nguyễn Trung cũng cho rằng không thể tránh né hai vấn đề cơ bản để phát huy vốn xã hội, đó là xây dựng Nhà nước pháp quyền và phát triển xã hội dân sự, trong đó, theo ông, hai yếu tố dân tộc và dân chủ là không thể thiếu. Theo ông, việc phát triển vốn xã hội trên cơ sở Nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự là bảo đảm tốt nhất loại trừ những hiện tượng hoang dã trên con đường hướng tới tương lai, là cách trả giá ít nhất những cái giá phải trả trong quá trình này, và là cách sử dụng tối ưu, tiết kiệm nhất mọi nguồn lực có thể huy động được.
Nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng trong thời bao cấp chính vốn xã hội tự có của người Việt Nam đã cứu được xã hội, thể hiện qua việc đổi mới là từ dưới lên; trong thời đổi mới, vốn xã hội tự có đã làm cho kinh tế xã hội phát triển. Nhưng có một nghịch lý là vốn xã hội tích cực ngày càng suy giảm trong khi những liên kết xã hội xấu, “ma qủy” lại phát triển mạnh. Do đó vấn đề đặt ra là vừa phải khôi phục vốn xã hội tốt, vừa phải khắc phục những liên kết xấu. Muốn làm được như vậy, theo ông, cần phát triển dân chủ. Những luật cụ thể nhằm triển khai những quyền tự do cơ bản được ghi trong Hiến pháp không thể nằm trên Hiến pháp, giới hạn Hiến pháp mà ngược lại. Chẳng hạn, theo ông và một số diễn giả khác, Luật về hội, Luật báo chí nên là Luật về quyền tự do lập hội, Luật về quyền tự do báo chí. Có như vậy mới khắc phục được tư duy nhà nước hoá tất cả. Có như vậy xã hội dân sự mới có thể phát triển và vốn xã hội tăng lên.

Không có nhận xét nào: